Lãnh đạo SIP ồ ạt bán cổ phiếu: Bất thường hay bình thường?

Lãnh đạo SIP ồ ạt bán cổ phiếu: Bất thường hay bình thường?

(ĐTCK) Động thái bán ra cổ phiếu của hàng loạt nhân sự chủ chốt tại Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG chỉ trong vòng ba tháng sau ngày đưa cổ phiếu lên sàn đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Hàng loạt lãnh đạo giảm tỷ lệ sở hữu

Lên sàn UPCoM từ ngày 6/6/2019, mã chứng khoán SIP nhanh chóng thiết lập được đà tăng rất tích cực.

Từ mức giá tham chiếu 17.200 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn, cổ phiếu này đã có nhiều phiên tăng trần liên tục và lập đỉnh ở mức giá 136.000 đồng/cổ phiếu, tăng tới 7 lần mức giá chào sàn.

Gần đây, thị giá cổ phiếu SIP bắt đầu điều chỉnh theo nhịp giảm của nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, nhưng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua vẫn ở trên mốc 100.000 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến đáng chú ý với cổ phiếu này là từ khi lên vùng giá 85.000 đồng/cổ phiếu tới nay, lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp liên tiếp bán ra.

Cụ thể, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đã bán ra 350.000 cổ phiếu; hai thành viên Hội đồng quản trị độc lập là ông Phạm Văn Ðông và Bạch Vân Nhạn lần lượt bán ra 56.000 cổ phiếu và 20.000 cổ phiếu.

Trong Ban Tổng giám đốc, ba phó tổng giám đốc là ông Trần Như Hùng, Trần Ngọc Nhân và Nguyễn Trường Khôi lần lượt bán ra 100.000 cổ phiếu, 177.900 cổ phiếu và 40.000 cổ phiếu. Một số cá nhân khác cũng đăng ký bán ra trong thời gian tới.

Gây chú ý nhất là giao dịch của ông Nguyễn Thanh Tùng, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Công ty. Ngày 5/9/2019, ông Tùng đã bán ra 14.350.942 cổ phiếu SIP, với tổng giá trị 1.650 tỷ đồng. Với giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của ông Tùng tại Ðầu tư Sài Gòn VRG giảm từ 22,7% về 1,37%.

Trên thị trường chứng khoán, động thái mua vào hay bán ra cổ phiếu của cổ đông nội bộ một doanh nghiệp thường nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Bởi hơn ai hết, những cổ đông này nắm rõ được nội tình của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, mỗi khi một lãnh đạo doanh nghiệp công bố mua vào, cổ phiếu của doanh nghiệp đó thường tăng giá nhờ tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư và ngược lại, có khả năng rớt giá khi cổ đông nội bộ thoái vốn.

Trong câu chuyện ở Công ty Ðầu tư Sài Gòn VRG, việc hàng loạt lãnh đạo chủ chốt từ Chủ tịch, Phó chủ tịch, các thành viên Hội đồng quản trị cho tới Ban điều hành bán ra cổ phiếu chỉ trong khoảng 3 tháng sau khi lên sàn đang khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn.         

Chuyện gì đang diễn ra tại SIP?

CTCP Ðầu tư Sài Gòn VRG là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực cho thuê khu công nghiệp, được thành lập năm 2007.

Các khu công nghiệp của Công ty đều nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông nên có tỷ lệ lấp đầy tương đối cao, chẳng hạn Khu công nghiệp Ðông Nam (TP.HCM) có tỷ lệ lấp đầy 72%,

Khu công nghiệp Phước Ðông (Tây Ninh) giai đoạn 1 có tỷ lệ lấp đầy 92%. Các khu công nghiệp đang được triển khai như Lê Minh Xuân 3 (TP.HCM); Lộc An-Bình Sơn (Ðồng Nai) dự báo rất tiềm năng.

Lãnh đạo SIP ồ ạt bán cổ phiếu: Bất thường hay bình thường? ảnh 1

Báo cáo tài chính quý II/2019 của Công ty cho biết, tại thời điểm 30/6/2019, doanh nghiệp có 12.241,8 tỷ đồng tài sản.

Trong đó, có gần 5.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng (chiếm 40,8% tổng tài sản); bất động sản đầu tư là 2.414,7 tỷ đồng, chiếm 19,7%; tài sản dở dang dài hạn 2.398.6 tỷ đồng, chiếm 19,6%; các khoản phải thu 1.181,5 tỷ đồng (chiếm 9,7%)…

Ðể tài trợ cho nguồn tài sản này, doanh nghiệp dùng 4.908,9 tỷ đồng doanh thu dài hạn chưa thực hiện (chiếm 40,1% tổng nguồn vốn), 3.125,3 tỷ đồng người mua trả trước ngắn hạn (chiếm 25,5% tổng nguồn vốn) và 1.948,4 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (chiếm 15,9%).

Như vậy, nhờ thu tiền cho thuê khu công nghiệp trước, doanh nghiệp có lượng tiền tài trợ hoạt động kinh doanh và mang gửi ngân hàng tới gần 5.000 tỷ đồng, tương đối lớn so với các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Trong bản công bố thông tin chào sàn UPCoM, Ðầu tư Sài Gòn VRG đưa ra kế hoạch doanh thu 2019 là 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu này với năm 2020 lần lượt là 3.100 tỷ đồng và 210 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận 1.976 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 214.8 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 65,9% và 100% kế hoạch năm.

Lợi nhuận tăng trưởng 83,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu lợi nhuận 6 tháng cuối năm tiếp tục tích cực như nửa đầu năm, năm 2019, Công ty có thể đạt lợi nhuận lên đến hơn 400 tỷ đồng, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) khoảng 5.800 đồng.

Lãnh đạo SIP ồ ạt bán cổ phiếu: Bất thường hay bình thường? ảnh 2

Có thể thấy, lợi nhuận tốt cùng với các chỉ số tài chính tích cực khác như khoản tiền trả trước từ khách hàng thuê khu công nghiệp lớn, lượng tiền mặt “khủng” của Công ty đã hấp dẫn nhà đầu tư, tiền đề cho đà tăng vọt của cổ phiếu kể từ khi chào sàn tới nay.

Tính tới 30/6/2019, doanh nghiệp đang có giá trị sổ sách 21.701 đồng/cổ phiếu, nhưng giá trị tiền mặt trên mỗi cổ phiếu lên tới 72.000 đồng.

Với thị giá khoảng 100.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, mã SIP đang được định giá P/E 2019 khoảng hơn 17 lần. Ðây là mức khá cao so với trung bình ngành (P/E của NTC là 4,97 lần; D2D là 11 lần; SZL 8,81 lần; SZC 19,51 lần; KBC 8,27 lần; BCM 10,2 lần; TIP 6,1 lần…).

Ðộng thái bán ra của cổ đông nội bộ có thể xem là hoạt động chốt lời khi cổ phiếu lên vùng giá tốt, trong khi giá vốn thấp do mua được cổ phiếu ưu đãi.   

Lần lại lịch sử tăng vốn của CTCP Ðầu tư Sài Gòn VRG, có thể thấy, Công ty được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, với 4 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), CTCP Ðầu tư xây dựng cao su và ông Trần Công Kha (Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tại thời điểm này không được công bố trong bản cáo bạch chào sàn của Công ty).

Sau đó, doanh nghiệp liên tục tăng vốn 4 lần, nâng vốn điều lệ lên 690,481 tỷ đồng hiện tại.

Các lần phát hành sau chủ yếu dành cho cán bộ nhân viên, có lần tăng vốn trong năm 2008 được thực hiện cho cả cổ đông hiện hữu.
(Xem bảng)

Lãnh đạo SIP ồ ạt bán cổ phiếu: Bất thường hay bình thường? ảnh 3

Dẫu vậy, với việc lãnh đạo Công ty Ðầu tư Sài Gòn VRG bán ra gần hết số lượng cổ phiếu, thị trường đặt câu hỏi về khả năng năm 2020 không còn là điểm rơi lợi nhuận để có thể ghi nhận mức tăng trưởng đột biến như năm nay. 

Tin bài liên quan