Lãnh đạo doanh nghiệp lo giữ ghế

Lãnh đạo doanh nghiệp lo giữ ghế

(ĐTCK) Trước hàng loạt vụ thâu tóm vừa qua, lãnh đạo một số công ty phải tìm cách tăng tỷ lệ sở hữu của mình để đề phòng nguy cơ bị tiếm quyền.

Một thông tin đáng chú ý tại ĐHCĐ của Công ty chứng khoán Âu Việt (AVS) vừa qua là công ty này thông báo sẽ tham gia vào việc điều hành ở các công ty mà AVS nắm giữ cổ phần lớn, gồm CTCP xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu (VRC) và một số công ty khác mà Âu Việt không muốn nêu tên.

Điều này có nghĩa là AVS cùng với một số nhà đầu tư khác, trong năm qua đã mua một lượng lớn cổ phiếu VRC để trở thành nhóm cổ đông có khả năng chi phối hoạt động của công ty này.

Sau hàng loạt vụ thâu tóm vừa qua, việc “phòng thân” của một số lãnh đạo DN là có cơ sở

 

Ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc AVS cho biết, “chúng tôi không muốn đặt vấn đề là thâu tóm hay làm gì đó như bãi miễn ban điều hành cũ mà chỉ muốn hỗ trợ các công ty này hoạt động tốt hơn về quản trị”. AVS nắm giữ 11,8% cổ phiếu VRC và Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội giữ 16,6%, Công ty tài chính Cao su giữ 16,46%. Như vậy, 3 tổ chức này hợp lại đã gần đủ 51% cổ phần của VRC.

Sau hàng loạt các vụ thâu tóm vừa qua, việc các cổ đông nội bộ mua cổ phiếu tăng tỷ lệ sở hữu để phòng bị thâu tóm không phải là không có cơ sở.

Ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) đã công bố mua thêm 500.000 cổ phiếu PPI.

“Tôi muốn nâng tỷ lệ sở hữu trước kỳ họp ĐHCĐ”, ông Tấn nói. PPI có đặc điểm là có vài ba cổ đông lớn, mỗi người nắm giữ từ 5% đến 15% cổ phần của PPI. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT nếu mua thêm 500.000 cổ phiếu sẽ nắm giữ khoảng 17% cổ phần. Nhưng nhóm cổ đông ủng hộ ông Tấn có thể nắm giữ đến 30% cổ phần của PPI, một tỷ lệ tương đối để có thể giữ vững vị thế của cổ đông cũ trong Công ty.

CTCP Địa ốc và kinh doanh nhà Hòa Bình (HBC) năm ngoái cũng nằm trong tầm ngắm thâu tóm của một “đại gia”. Các cổ đông nội bộ đã tìm cách chống đỡ bằng cách nâng tỷ lệ sở hữu và từ chối phát hành cổ phiếu mới cho đối tác không mong muốn này.

Một trong những biện pháp mà HBC thực hiện là đăng ký mua cổ phiếu quỹ. Chia sẻ tại ĐHCĐ, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC thừa nhận, việc mua cổ quỹ cơ bản là vì giá cổ phiếu xuống thấp so với giá trị của Công ty và bình ổn giá cổ phiếu, song cũng là để đề phòng nguy cơ bị thâu tóm quyền lãnh đạo.

“Tôi không muốn Công ty bị thâu tóm bởi những người bên ngoài, để phục vụ cho những mục đích riêng của họ”, ông Hải nói. Giá cổ phiếu HBC có thời điểm xuống thấp đến 19.000 đồng/cổ phần.

Cho dù không lo ngại nguy cơ bị thâu tóm hoặc chia sẻ quyền lãnh đạo DN, nhưng Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức cũng tìm cách tăng tỷ lệ sở hữu của cá nhân bằng việc mua vào cổ phiếu. Sau khi chưa thực hiện đủ quyền mua 5 triệu cổ phiếu, ông Đức còn đăng ký mua tiếp. Tại ĐHCĐ của Công ty, ông Đức từng nói với các cổ đông rằng, sẽ luôn giữ cổ phần chi phối ở Hoàng Anh Gia Lai, bởi theo ông, một công ty muốn phát triển phải có một ông chủ thật sự. Nhưng khi phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn, tỷ lệ sở hữu của ông Đức đã bị giảm xuống và ông sẽ tìm cách tăng tỷ lệ trở lại ở thời điểm thích hợp.

Chưa bao giờ giá cổ phiếu xuống thấp như thời gian qua, làm cho chi phí để thâu tóm một công ty trở nên quá rẻ. Một công ty có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, tiền mặt của công ty bằng một nửa vốn điều lệ mà giá cổ phiếu chỉ dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy chỉ cần khoảng 90 đến 100 tỷ đồng để mua 51% cổ phần của công ty này.

Công ty có tiền mặt lớn hoặc tài sản đắt giá thì càng trở thành “mồi ngon” cho bên thâu tóm. Giống như câu chuyện ở các quỹ đầu tư nước ngoài, nếu để giá thấp hơn nhiều giá trị tài sản ròng thì cổ đông bên ngoài sẽ gây áp lực đóng quỹ để được chia tiền.

Hiện chưa có công ty niêm yết nào bị hủy niêm yết, rồi ép bán tài sản để chia tiền cho các cổ đông hoặc bán công ty cho những nhà đầu tư lớn khác muốn mở rộng quy mô, nhưng đó là một khả năng rất dễ xảy ra, sẽ đến lúc có những nhà đầu tư chuyên kiếm tiền theo cách này.