Ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ như vậy trong cuộc thảo luận về dự án sửa đổi Luật Chứng khoán tuần qua.
Ông cho rằng, dự án Luật cần sửa toàn diện, sửa làm sao để giải tỏa được điểm bất cập của thị trường vốn, đó là nền kinh tế dựa quá nhiều vào vốn ngắn hạn từ ngân hàng và quá thiếu vốn trung và dài hạn cho mục tiêu tăng trưởng.
Ông Dương Quốc Anh dẫn ra 2 con số. Thứ nhất, vốn hóa TTCK Việt Nam tăng lên từng năm và được ghi nhận đến 70% GDP, nhưng lượng vốn huy động phục vụ cho phát triển kinh tế lại chỉ có 14% (theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia).
Thứ hai, các dự án đầu tư trong nền kinh tế, đặc biệt là các dự án BOT, cần nguồn vốn dài hạn, ít nhất cũng phải 15 - 20 năm, nhưng kênh huy động chính là… các tổ chức tín dụng. Nguồn tiền mà các ngân hàng huy động chủ yếu có thời hạn ngắn, 6 tháng trở lại, tạo nên sự mất cân đối nghiêm trọng về cán cân cung - cầu vốn trong nền kinh tế.
Nhìn sâu vào thực trạng trên để thấy, việc sửa Luật Chứng khoán không chỉ để hội nhập, nâng hạng, mà cốt lõi là phải xử lý hiện trạng mất cân đối vốn hiện nay. TTCK phải mạnh lên, phải thực hiện sứ mệnh của mình mới mong nền kinh tế giữ được đà tăng trưởng dài hạn. Hiện tại, bức tranh nền kinh tế có thể thấy qua việc tăng trưởng cao đi cùng thách thức, rủi ro cao, do sự tăng trưởng chủ yếu dựa trên nguồn lực tài chính ngắn hạn với lãi suất cao. Ðơn cử, lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện neo ở mức 7%/năm.
Về phía các doanh nghiệp, việc huy động vốn qua kênh cổ phiếu hầu như không khả thi, nên đa số doanh nghiệp chuyển sang gọi vốn bằng trái phiếu. Lãi suất trái phiếu quanh mức 10 - 12%/năm, có doanh nghiệp chào vay lên đến 15%/năm. Với chi phí vốn cao như vậy (lãi suất tại nhiều nền kinh tế lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, Malaysia… chỉ từ 0 - 2%/năm), tạo ra lợi nhuận là một bài toán khó, còn giữ được đà tăng trưởng cao còn khó hơn rất nhiều.
Ông Dương Quốc Anh cho rằng, muốn “nâng” TTCK lên thì phải thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, quyền lợi của nhà đầu tư phải được bảo vệ. Luật Chứng khoán hiện hành đã thực thi được 10 năm, có nhiều bất cập. Việc tạo nền tảng pháp lý mới cho cuộc chơi mới đòi hỏi phải có tư duy nâng tầm thị trường.
Ðiểm tựa để nâng tầm thị trường là các quy chuẩn của IOSCO - Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán. Hiện trên thế giới có 127 quốc gia tham gia IOSCO, họ cùng xây dựng thị trường theo 38 nguyên tắc nhằm hiện thực hóa mục tiêu an toàn, hiệu quả, minh bạch. So với các nguyên tắc của IOSCO, TTCK Việt Nam phải làm mới nhiều vấn đề, trong đó, một trong những vấn đề chính là vị thế của cơ quan điều hành TTCK.
Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ quan điểm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có vị thế độc lập và phải có thẩm quyền đối với hoạt động cũng như tổ chức bộ máy của thị trường. Cùng với đó, cấu trúc tổ chức TTCK cần xem xét lại, chứ không nên để nhiều sở với cơ cấu quản lý, tổ chức chồng chéo... Khi cấu trúc thị trường được làm lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn thì đó sẽ là cái nền để TTCK vận hành hiệu quả hơn.
Xây nền tảng pháp lý mới cho TTCK là việc các đại biểu Quốc hội đang bàn thảo ở nghị trường, với dự kiến kỳ họp tháng 12 sẽ thông qua Luật Chứng khoán.
Trên sàn, chỉ số chứng khoán cứ phập phù quanh 950 điểm trong sự chờ đợi của nhà đầu tư về những chuyển động chính sách cụ thể như nới room, minh bạch thông tin doanh nghiệp, chế tài cho các sai phạm, thao túng… Với các doanh nghiệp, chủ thể quan trọng nhất trên “sân chơi” chứng khoán, điều được quan tâm là làm mới nền tảng pháp lý có giúp doanh nghiệp tìm vốn với chi phí thấp hơn không?
Bất cập của thị trường vốn hiện nay không chỉ ở hiện trạng mất cân đối kỳ hạn vốn, mà còn ở chi phí vốn quá cao, làm khó cho kỳ vọng phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Sửa Luật, có cách nào để thay đổi hiện trạng này?