Làm mới Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam

Làm mới Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm.

Mục tiêu và thực tiễn

Hoạt động tái cấu trúc TTCK được đặt ra cách đây 6 năm, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm" tại Quyết định số 1826/2012/QĐ-TTg. Việc tái cấu trúc TTCK những năm qua triển khai trên 4 trụ cột: tái cấu trúc cơ sở hàng hóa và sản phẩm dịch vụ, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tái cấu trúc tổ chức thị trường.

Về tái cấu trúc cơ sở hàng hóa và sản phẩm dịch vụ, mục tiêu đa dạng hóa các loại hình trái phiếu và quỹ đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu thống nhất về giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp…, đến nay chưa đạt là bao. Ngoài có thêm mảng thị trường phái sinh, hàng hóa và sản phẩm trên thị trường vẫn khá đơn điệu: cổ phiếu, trái phiếu (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ), quỹ đầu tư dạng mở và đóng.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đến cuối tháng 6/2018, thị trường có 743 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 756 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam đạt khoảng 80% GDP. Nhiều sản phẩm, dịch vụ đang trong quá trình chờ triển khai như chứng quyền có đảm bảo, quỹ hưu trí, bán chứng khoán trong ngày, bán chứng khoán chờ về…

Với tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, mục tiêu tại Đề án tái cấu trúc TTCK là tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp. Thế nhưng, đây là một trụ cột ít mang lại kết quả nhất, khi đến nay vẫn có trên 90% nhà đầu tư trên thị trường cơ sở là nhà đầu tư cá nhân (con số này trên thị trường phái sinh là 99%).

Tuy đề án đưa ra định hướng là nghiên cứu cơ chế, chính sách thuế nhằm khuyến khích hoạt động của các loại hình quỹ đầu tư, khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm quỹ mới, nhưng kết quả chưa rõ ràng.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực quỹ đầu tư, thiếu vắng các công cụ khuyến khích, ưu đãi, đặc biệt là thuế, phí là một trong những nguyên nhân chính khiến khó thu hút nhà đầu tư tổ chức, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.

Trong khi đó, ở các thị trường phát triển, khi triển khai sản phẩm mới họ thường sử dụng công cụ về phí, thuế để thu hút nhà đầu tư tổ chức tham gia trong thời gian ban đầu.

Trong số 4 trụ cột tái cấu trúc TTCK, tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán được nhìn nhận là đạt được kết quả rõ nét. Theo UBCK, hết tháng 6/2018, tổng số công ty chứng khoán giảm 27% thông qua nhiều hình thức tái cấu trúc như chấm dứt hoạt động, giải thể, sáp nhập…, hiện còn 77 công ty đang hoạt động. Với khối công ty quản lý quỹ, hiện có 45 công ty đang hoạt động và 4 công ty trong diện tái cấu trúc.

Theo Đề án tái cấu trúc, giai đoạn 2014 - 2015 sẽ hoàn tất tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán (GDCK), trên cơ sở đó thành lập Sở GDCK Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ bao giờ thì việc tái cấu trúc các sở GDCK mới thành hiện thực, dù không ít lần, phương án hợp nhất đã được đưa ra bàn thảo.

Làm mới đề án tái cấu trúc

Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm.

Việc lãnh đạo Chính phủ “ra đề” mới cho Bộ Tài chính, UBCK thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tái cấu trúc mảng thị trường này nhằm đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế. Lời giải cho đề bài này cần những tư tưởng mang tính đột phá, với tầm nhìn dài hạn nhằm nâng tầm phát triển lành mạnh, bền vững cho TTCK.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải yêu cầu UBCK phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hoàn thiện Đề án tái cấu trúc TTCK giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến 2025.

Theo đó, UBCK phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính sớm hoàn thiện Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam. Về sản phẩm mới, UBCK chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan phấn đấu đưa hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ vào giao dịch trong cuối quý III hoặc đầu quý IV/2018. Đồng thời, UBCK tiếp tục cùng Sở GDCK TP.HCM và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đưa sản phẩm chứng quyền có bảo đảm vào giao dịch.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, UBCK phối hợp với Vụ Tài chính - ngân hàng, Bộ Tài chính để định rõ mô hình tổ chức, giao Sở GDCK và VSD tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị để đưa thị trường vào hoạt động trong nửa đầu 2019. Tiếp tục tái cấu trúc các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ theo hướng phân loại các tổ chức này theo chất lượng tài chính và khả năng cung cấp dịch vụ…      

Tin bài liên quan