Làm mới công cụ cạnh tranh trên thị trường chứng khoán

Làm mới công cụ cạnh tranh trên thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Không còn đơn thuần cung cấp các dịch vụ như ứng trước tiền bán, cho vay ký quỹ (margin), nhiều công ty chứng khoán đang nỗ lực nâng cấp hạ tầng, hệ thống công nghệ, ra mắt các ứng dụng công nghệ mới để cải thiện chất lượng phục vụ nhà đầu tư trên sàn.

3 yếu tố cốt lõi trong cạnh tranh

Quan sát thị trường cho thấy, thị phần của các công ty chứng khoán đạt được chủ yếu dựa trên 3 yếu tố: phần mềm ứng dụng; vốn, lãi suất cho vay margin; chất lượng tư vấn và thông tin cung cấp cho nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán dẫn đầu như SSI, HSC, Bản Việt, MBS, VNDS… không chọn cách chạy đua về giá dịch vụ, mà tập trung hơn ở chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ tư vấn.

Ở nhiều công ty chứng khoán lớn, hệ thống công nghệ được đầu tư bài bản, hệ thống phần mềm liên tục được cải tiến nhằm duy trì năng lực cạnh tranh khi khối công ty chứng khoán cận kề có nhiều chiêu thức cạnh tranh mới.

Công ty Chứng khoán SSI cho ra mắt tính năng đặt lệnh nhanh - One Click - trên hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh SSI Web Trading. One Click cho phép nhà đầu tư thiết lập lệnh mua/bán các hợp đồng một lần duy nhất, bao gồm các thiết lập lựa chọn mã hợp đồng, khối lượng, xác nhận và đẩy vào sàn.

Các lệnh đặt tiếp theo khách hàng chỉ việc chọn nhấn “Mua” hoặc “Bán”, ngay lập tức lệnh sẽ được đẩy vào sàn. Việc cắt giảm hết các khâu xác nhận trung gian, chỉ còn một lần nhấp chuột là có thể đưa lệnh vào sàn sẽ giúp các nhà đầu tư tận dụng tối đa thời gian khớp lệnh, nhất là trên TTCK phái sinh do giá dao động trên thị trường này thay đổi rất nhanh.

Tại Công ty Chứng khoán HSC, công ty này đã nâng cấp thành công ứng dụng HSC Trade/iTrade tích hợp tính năng giao dịch phái sinh vào trên cùng một ứng dụng, giúp nhà đầu tư có những trải nghiệm đồng nhất về giao diện, thao tác cũng như dịch vụ hỗ trợ của HSC trên các nền tảng khác nhau. Người dùng có thể dễ dàng chuyển tiền qua lại giữa tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở và phái sinh.

Tại VNDIRECT, đây vốn là công ty chứng khoán được đánh giá cao về nhiều tính năng tích hợp trên bảng giá, mới đây đã đưa ra sản phẩm Detrial - giao dịch phái sinh ảo nhằm giúp khách hàng có thêm cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu sản phẩm vẫn còn nhiều dư địa phát triển này.

Trên nền tảng Detrial, nhà đầu tư sẽ được cung cấp 40 triệu đồng tiền ảo trong tài khoản, bao gồm 10 triệu đồng tiền mặt và 30 triệu đồng ký quỹ để tiến hành giao dịch. Nhà đầu tư có thể mua bán hợp đồng tương lai với cách thức mua bán và thông tin thị trường đồng nhất với bảng giá thực tế (real-time). Detrial hoàn toàn miễn phí, nhà đầu tư không mất bất kỳ khoản phí nào để mở tài khoản, mua bán hợp đồng cũng như nâng cấp tài khoản.

Khác với các công ty chứng khoán trên, Công ty Chứng khoán FPT  (FPTS) thay vì tìm kiếm một nhà cung cấp hệ thống công nghệ cho sản phẩm phái sinh đã quyết định tự phát triển hệ thống riêng. Một trong những mục tiêu của FPTS là nghiên cứu để phát triển các tiện ích trên hệ thống giao dịch, cho phép khách hàng có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi và hỗ trợ các chiến lược giao dịch phù hợp.

Với các công ty chứng khoán ngoài Top 10, thực tế một số công ty ý thức được sức ép cạnh tranh trước làn sóng công nghệ 4.0 nên đã không đứng ngoài cuộc. Công nghệ đang tạo nên những thay đổi lớn trong cách tương tác của công ty chứng khoán với nhà đầu tư. Một số công ty chứng khoán đã áp dụng tư vấn tự động, môi giới robot… và diễn biến này sẽ còn nhiều nét mới khi TTCK có thêm các sản phẩm mới tới đây.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, nhà đầu tư tại sàn MBS cho biết, thị trường biến động liên tục, nên nhà đầu tư rất cần công ty chứng khoán có hệ thống giao dịch nhanh, tiện lợi, cũng như bản tin phân tích chi tiết hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Trước nhu cầu của nhà đầu tư, nhiều công ty chứng khoán có thêm động lực để làm mới chất lượng sản phẩm, dịch vụ hiện có.

Chỉ cần có tiền, nhà đầu tư sẽ dễ thấy cơ hội

Tháng 4 vừa qua, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã ra mắt sản phẩm mới i-Invest. Ðây là công cụ tự động, giúp nhà đầu tư xây dựng và quản lý danh mục đầu tư theo mục tiêu và khẩu vị rủi ro. Ðây cũng là sản phẩm quản lý đầu tư hoàn toàn mới tại Việt Nam.

Tại Công ty Chứng khoán VPS, Công ty đang có ứng dụng di động SmartPro - một nền tảng giao dịch dành cho chứng khoán phái sinh. SmartPro còn thiết kế riêng các tab thị trường và tin tức. Ðiểm đáng chú ý là khách hàng chưa mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại VPS khi sử dụng ứng dụng SmartPro vẫn có thể theo dõi được thông tin về thị trường chứng khoán trong nước và thế giới, thông tin về sản phẩm của VPBS cũng như các bản tin phân tích chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nỗ lực đổi mới ở nhiều công ty chứng khoán tốp đầu đã lan sang các công ty ở khối lân cận. Công ty Chứng khoán Agribank  (AGR) sau 2 năm thua lỗ 2015 - 2016 đang kinh doanh tích cực trở lại khi có lãi trong năm 2017 - 2018.  Mới đây, AGR chính thức ra mắt 2 sản phẩm Snapshot và Tradingview nhằm giúp nhà đầu tư nắm bắt thông tin ngắn gọn về triển vọng các doanh nghiệp, góc nhìn tổng quan thị trường, tín hiệu kỹ thuật… để từ đó tìm cơ hội giải ngân.

Môi giới là nghiệp vụ cốt lõi của các công ty chứng khoán, trong đó để phát triển môi giới, nhiều ý kiến đều cho rằng, cần có nguồn lực vốn và nhất thiết phải có bộ phận phân tích, tư vấn để bổ trợ.

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán mới đây, ông Phan Văn Tuấn, Chủ tịch HÐQT AGR chia sẻ, Công ty đang và sẽ tập trung nguồn lực để phát triển các hoạt động dịch vụ, trong đó trọng tâm là môi giới nhằm nâng cao thị phần. Ðể tạo niềm tin và thu hút nhà đầu tư, Công ty sẽ xây dựng những chính sách khách hàng riêng biệt. Mục tiêu của AGR là tăng trưởng tối thiểu 10% doanh thu và lợi nhuận năm 2019.

Một công ty chứng khoán cũng có định hướng hoạt động khác biệt trên TTCK là Chứng khoán Techcombank (TCBS). Công ty này phát triển mô hình không có nhân viên môi giới. Theo đó, TCBS phát triển khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ, trực tuyến hóa hoàn toàn quá trình giao dịch chứng khoán của khách hàng, bao gồm cả giao dịch thỏa thuận. Ðể làm được, TCBS đang và sẽ xây dựng một hệ thống công nghệ mạnh có thể hỗ trợ toàn diện cho khách hàng. TCBS cũng là một trong những công ty chứng khoán có mức phí dịch vụ cạnh tranh.

Một số công ty chứng khoán khác lại cạnh tranh bằng lợi thế giá vốn thấp. Sau khi Bộ Tài chính bỏ quy định về mức phí môi giới sàn 0,15%, hàng loạt công ty chứng khoán công bố gói sản phẩm miễn phí giao dịch, hoặc ưu đãi cho các tài khoản mới mở, miễn phí giao dịch trên thị trường phái sinh…

Theo cách này, công ty chứng khoán kéo khách hàng về và sử dụng công cụ phí, lãi suất margin để giữ chân khách ở lại. Mirae Asset, ACBS, VPS… là những công ty áp dụng cách cạnh tranh này.       

Nhà đầu tư chờ CTCK tung chiêu mời gọi đầu tư chứng quyền

Vào ngày 28/6/2019, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) sẽ chính thức được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM mở cửa giao dịch.

Theo đó, có 7 công ty chứng khoán (CTCK) đăng ký phát hành 12 loại CW. Các mã cổ phiếu được lựa chọn phát hành đều là các mã bluechip, vốn hóa lớn, thanh khoản cao. Sản phẩm cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao, từ 7 - 10 lần; vòng đời từ 3 - 24 tháng... Hàng loạt hội thảo để giới thiệu về sản phẩm đến nhà đầu tư đang được các CTCK lớn triển khai.

Càng đến ngày khai mở, nhà đầu tư càng háo hức với sản phẩm mới. Một số nhà đầu tư tại sàn SSI chia sẻ, họ cảm nhận CW có vẻ “dễ chơi” hơn so với phái sinh. Bên cạnh các hoạt động đào tạo sản phẩm mới, nhà đầu tư đang chờ các CTCK “tung chiêu” hút khách tham gia giao dịch chứng quyền. Chương trình này sẽ sôi động hơn khi bên cạnh 7 công ty đầu tiên, các CTCK ngấp nghé đủ chuẩn phát hành CW tiếp tục tham gia “cuộc chơi” mới.

Tin bài liên quan