Trách nhiệm của NĐT được gia tăng với tư cách là chủ thể trực tiếp sử dụng dịch vụ giao dịch T+0

Trách nhiệm của NĐT được gia tăng với tư cách là chủ thể trực tiếp sử dụng dịch vụ giao dịch T+0

Làm “mềm” giải pháp giao dịch T+0

(ĐTCK) Sau khi tiếp thu ý kiến các thành viên thị trường, điều kiện mà các CTCK phải đáp ứng để được tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày (T+0) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) làm “mềm” đáng kể tại dự thảo lần 2 thông tư thay thế Thông tư 74/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch trên TTCK, vừa được công khai lấy ý kiến rộng rãi.

Bỏ yêu cầu có vốn 800 tỷ đồng

Tại dự thảo lần 1 thông tư thay thế Thông tư 74/2011, các CTCK phải thỏa mãn nhiều điều kiện rất cao mới được phép cung cấp dịch vụ giao dịch T+0 như: vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đạt từ 800 tỷ đồng trở lên; không có lỗ trong 2 năm gần nhất...

Nếu áp dụng những tiêu chuẩn trên, qua rà soát chỉ có khoảng 16 CTCK đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch T+0. Đây là một trong những nguyên nhân chính, theo lãnh đạo UBCK, khiến nhiều CTCK có phản ứng dữ dội. Họ đề nghị cùng với giải pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống, cần có quy định theo hướng mở rộng số lượng các CTCK được phép tham gia cung cấp dịch vụ T+0 theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp thu ý kiến trên, tại dự thảo lần 2 thông tư thay thế Thông tư 74/2011, mà UBCK vừa công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường, CTCK nào đáp ứng 5 điều kiện sau thì được tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch T+0: được cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán và không đang trong các tình trạng cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động...; đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định, không có lỗ trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm tài chính gần nhất...; vốn chủ sở hữu không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định pháp luật chứng khoán; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất trước tháng nộp hồ sơ báo cáo về việc đăng ký môi giới giao dịch trong ngày; có hệ thống và quy trình quản trị rủi ro phù hợp, có hệ thống để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán tách biệt tới từng NĐT tại ngân hàng.

Các điều kiện trên đây khác khá nhiều so với dự thảo lần 1, trong đó có 2 yêu cầu mà theo phản ánh của các CTCK là rất nhiều CTCK không thể đáp ứng đã được gỡ bỏ là: vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đạt từ 800 tỷ đồng trở lên; không có lỗ trong 2 năm gần nhất.

Một điểm mới nữa tại dự thảo lần 2 thông tư thay thế Thông tư 74/2011 là thay vì sau khi ban hành sẽ được áp dụng ngay như dự thảo lần trước, UBCK đề xuất một năm sau ngày thông tư này có hiệu lực mới áp dụng. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các CTCK có thời gian chuẩn bị về mọi mặt, để thỏa mãn các điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ T+0. 

Gia tăng trách nhiệm của nhà đầu tư

Một điểm thay đổi đáng chú ý nữa là thay vì gần như dồn toàn bộ trách nhiệm quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống lên vai CTCK như dự thảo lần 1, thì với dự thảo mới, trách nhiệm này được san sẻ bớt sang vai của NĐT với tư cách là chủ thể trực tiếp sử dụng dịch vụ giao dịch T+0.

Theo đó, muốn giao dịch T+0, NĐT phải thỏa mãn các tiêu chí: đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày và hợp đồng giao dịch mua ký quỹ với CTCK; quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ quản lý danh mục ủy thác đầu tư.

Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép CTCK thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao.

Hợp đồng giao dịch trong ngày phải nêu rõ các rủi ro phát sinh, thiệt hại và chi phí phát sinh mà khách hàng phải thanh toán; thực hiện thanh toán từ tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán của mình được quản lý tách biệt tại ngân hàng.

Một yêu cầu khác đặt ra với NĐT là có trách nhiệm đặt các lệnh giao dịch bảo đảm số chứng khoán trên các lệnh bán phải bằng với số chứng khoán cùng loại trên các lệnh mua trong cùng ngày giao dịch và ngược lại. Trường hợp số chứng khoán của lệnh bán đã thực hiện nhiều hơn số chứng khoán của lệnh mua đã thực hiện, thì CTCK có trách nhiệm thực hiện theo quy trình hỗ trợ thanh toán.

Trường hợp NĐT đặt lệnh bán trước khi đặt lệnh mua, hoặc khối lượng giao dịch của lệnh bán nhiều hơn khối lượng giao dịch của lệnh mua đã đặt trước đó, hoặc lệnh giao dịch vượt quá hạn mức giao dịch tối đa mà khách hàng được thực hiện, CTCK có trách nhiệm từ chối không thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng trong trường hợp CTCK không thể bảo đảm có đủ chứng khoán để chuyển giao tại ngày thanh toán...   

Tin bài liên quan