Làm gì khi cổ phiếu xuống đáy?

Làm gì khi cổ phiếu xuống đáy?

(ĐTCK) Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết cho rằng, giá cổ phiếu xuống thấp không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, mà cổ đông lớn thiệt hại rất lớn. 

Với nhà đầu tư, đó có thể chỉ là một khoản đầu tư trong rổ nhiều “món hàng”, còn đối với lãnh đạo doanh nghiệp thì đó là cả sự nghiệp. Phải làm gì khi giá rơi đáy luôn là nỗi trăn trở của không chỉ riêng ông chủ nào.

Ðăng ký mua cổ phiếu HBC khi giá giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ, ông và các thành viên chủ chốt luôn toàn tâm vì Công ty, hiểu rõ giá trị Công ty. Dù trên thị trường có những lo ngại khi báo cáo tài chính không đẹp, khiến giá cổ phiếu HBC rơi về 14.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn cả giá trị sổ sách, nhưng cái gốc của doanh nghiệp vẫn vững, sẽ tạo nền tảng để HBC trở lại vị thế vốn có của mình.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Ðịa ốc Hoàng Quân (HQC) đăng ký “gom” thêm 10 triệu cổ phiếu từ ngày 7/8 đến 6/9. Ðây là lần thứ 3 trong năm 2019, ông Tuấn đăng ký mua vào vì cho rằng, giá cổ phiếu đang ở tình trạng “đáy của đáy”. Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn sẽ tăng sở hữu tại HQC lên 8,47% vốn điều lệ, tương ứng 40,35 triệu cổ phiếu.

Thực tế, thông tin “gom” cổ phiếu của lãnh đạo HQC chưa “đỡ” được giá, nhưng người lãnh đạo vẫn phải nỗ lực để cứu vãn tình cảnh đáng buồn này. Theo ông Tuấn, tình trạng giá cổ phiếu rơi quá thấp ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành 10 triệu trái phiếu chuyển đổi nhằm huy động vốn trong năm nay, buộc HQC phải đi tìm đối tác là một nhóm nhà đầu tư mua cổ phiếu.

Quan sát thị trường cho thấy, trong tháng 6 và 7, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ngành thép liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu của doanh nghiệp giảm sâu trong hơn một năm trở lại đây.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã hoàn tất mua hơn 5,5 triệu cổ phiếu HPG trong tháng 7, nâng sở hữu lên 700 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25,35% vốn điều lệ. Lãnh đạo Thép Nam Kim, Thép Việt Ðức cũng đăng ký mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp, một mặt tăng sở hữu, mặt khác tạo hiệu ứng tích cực thu hút dòng tiền trở lại.

Nhưng không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng ra tay kích cầu khi giá cổ phiếu rơi. Nhiều người chọn cách “án binh bất động” trước biến động mạnh của giá cổ phiếu. Lý do của việc “mặc kệ” này hoặc là vì lãnh đạo hiểu rõ, có can thiệp cũng không thay đổi được hiện trạng thị trường, hoặc nhận thấy giá giảm là hợp lý, do doanh nghiệp đang chịu những khó khăn chưa có đường ra.

Cũng có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không đăng ký mua/bán công khai trên thị trường, nhưng vẫn “can thiệp” đỡ giá cổ phiếu khi thị giá biến động quá mạnh. Ðặc biệt, ở những doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cô đặc, nhóm cổ đông lớn có khả năng “kéo, đẩy” giá cổ phiếu. Nhà đầu tư đại chúng thường chỉ nhận ra “quyền lực” ngầm sau một quá trình biến động mạnh của các mã loại này.

Chỉ số chứng khoán VN-Index tăng trên 9% kể từ đầu năm 2019 đến nay, nhưng chủ yếu tăng do tác động của các mã lớn. 70% các mã trên sàn là đứng giá hoặc giảm điểm, khiến câu chuyện lãnh đạo doanh nghiệp phải làm gì để thị giá ổn định và tăng lên trở thành một bài toán thách thức với nhiều người.

Việc tung tiền mua cổ phiếu, hay khuyến nghị các cổ đông lớn ngừng bán có thể mang lại hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng trên hết, các doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả và lớn lên theo thời gian, mới mong giá cổ phiếu không “trôi dạt” theo màu đỏ của sàn.

Tin bài liên quan