Sau diễn biến khá tích cực trong tháng 8, bước sang tháng 9, chỉ số VN-Index đã đảo chiều, thanh khoản có phần sụt giảm. Thực tế, rất khó để thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng bền vững nếu không có sự đột biến về dòng tiền.
Báo cáo chiến lược tháng 9 của Công ty Chứng khoán (CTCK) Rồng Việt cho thấy, riêng trong tháng 8, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 1.400 tỷ đồng trên cả hai sàn, giảm đáng kể so với mức bán ròng tới 2.400 tỷ đồng trong tháng 7.
Điều này giúp hạ áp lực bán ra trên thị trường, tạo điều kiện cho VN-Index hồi phục 3,5% trong tháng.
Trong đó, nhiều cổ phiếu lớn đã chuyển từ bán ròng sang mua ròng, đặc biệt là các cổ phiếu hàng tiêu dùng như MSN (286 tỷ đồng), VJC (237 tỷ đồng) và HPG (206 tỷ đồng).
Mặt khác, các quỹ ETF nội vẫn thu hút một lượng khá tốt dòng vốn ngoại. Chẳng hạn, chứng chỉ quỹ VFMVN30 được khối ngoại mua ròng 102 tỷ đồng trong tháng 7 và 220 tỷ đồng trong tháng 8.
Hiện tại, theo Rồng Việt, dòng vốn ngoại đang tỏ ra thận trọng khi nền kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, nhất là những động thái khó lường trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vốn ngoại có lẽ cần thêm thời gian để thực sự trở lại các thị trường cận biên và mới nổi, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lên kế hoạch tăng lãi suất trong tháng 9.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định thông qua chính sách bảo vệ tỷ giá ở mức vừa phải. Và điều quan trọng nhất là thị trường trong nước còn ở dạng tiềm năng, với nhiều cơ hội cho các đợt IPO và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước lớn
Trong phiên giao dịch ngày 7/9, khối ngoại mua ròng hơn 45,6 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng hơn 18,2 tỷ đồng trên HNX. Lực mua ròng của khối ngoại ở VNM cũng là một nhân tố hỗ trợ cho thị trường.
Về mặt tích cực, CTCK này kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh dạn rót vốn hơn trong một vài tháng tới, điều vẫn thường diễn ra vào thời điểm cuối năm và đầu năm.
Theo đó, sau khi mua thỏa thuận VHM trong đợt IPO, khối ngoại đã liên tục bán ròng cổ phiếu này (cùng với VIC và VRE), nên không loại trừ khả năng một phần tiền đang chờ đợi thời điểm thích hợp để trở lại.
Dù vậy, các biến chuyển vĩ mô trên thế giới vẫn sẽ là nhân tố chính quyết định xu hướng trong 12 tháng tiếp theo, nên nhà đầu tư cần lựa chọn đúng thị trường cho mục tiêu quý IV.
Nếu tính về khối lượng, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 5.000 tỷ đồng trong 2 tháng (tháng 7 và tháng 8). Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ chi tiết các giao dịch bán ra của khối ngoại, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích CTCK Quốc Tế Việt Nam (VIS) cho rằng, đây đơn thuần là hoạt động cơ cấu các khoản mục đầu tư sau khi đã mua vào.
“Trước biến động của đồng USD và xu hướng chuyển dịch dòng vốn ra khỏi các thị trường mới nổi, Việt Nam có chịu ảnh hưởng nhưng mức độ không quá căng thẳng. Nguyên nhân là nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định thông qua chính sách bảo vệ tỷ giá ở mức vừa phải. Và điều quan trọng nhất là thị trường trong nước còn ở dạng tiềm năng, với nhiều cơ hội cho các đợt IPO và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước lớn”, ông Khanh nói.
Hiện tại, hoạt động thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước đang có phần chậm lại, thay vào đó tiến trình thúc đẩy xử lý nợ xấu và tăng vốn ngân hàng được tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Theo ông Khanh, từ nay đến cuối năm, dòng vốn nước ngoài có thể đổ sang các ngân hàng bởi các ngân hàng thương mại đang rất cần tăng vốn cấp 1 nhằm đáp ứng điều kiện Basel II đang cận kề.
Ngoài ra, một lượng vốn đáng kể cũng đang chảy vào bất động sản thông qua các hoạt động góp vốn, nắm giữ cổ phần, nhất là khi nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn năm nay đã niêm yết như Vinhomes, Văn Phú Invest, Đạt Phương, Cenland… và chuẩn bị đón thêm nhiều tên tuổi khác.
Tuy vậy, thị trường vẫn phải chờ đợi nội dung chi tiết cuộc họp tháng 9 của Fed để đoán biết những lần tăng lãi suất tiếp theo. Theo nhiều CTCK, dòng tiền ngoại trong trung và dài hạn nhiều khả năng sẽ có chuyển biến tích cực, nhất là giai đoạn cuối năm, tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành có yếu tố hỗ trợ.
Xu thế bán ròng của khối ngoại sẽ giảm dần do thị trường đang ở mức định giá hợp lý
Nhà đầu tư ngoại đang liên tiếp bán ròng trong 4 tháng vừa qua, bắt đầu từ giữa tháng 4 (không tính đến giao dịch thỏa thuận của VHM), với giá trị bán ròng lũy kế đến cuối tháng 8/2018 đạt gần 12.000 tỷ đồng. Đây là giai đoạn bán ròng dài nhất trong vòng 3 năm qua. Xu hướng này dự báo còn tiếp diễn, khi những phiên giao dịch đầu tháng 9, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng.
Tôi cho rằng, đây là hoạt động bình thường bởi khi thị trường đang ở mức cao và có lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ hiện thực hóa lợi nhuận, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư khác hoặc tìm đến những tài sản ít rủi ro hơn.
Hiện tại, những yếu tố bất ổn trên thị trường tiền tệ thế giới, đặc biệt tại các nước mới nổi như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Indonesia là những rủi ro chính tác động mạnh đến thị trường chứng khoán, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND sẽ theo xu hướng leo dốc vào những tháng cuối năm, do đó, tôi cho rằng, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư ngoại sẽ hạn chế việc giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt.
Ngược lại, xu thế bán ròng của khối ngoại cũng sẽ giảm dần do thị trường đang ở mức định giá hợp lý và một khi những yếu tố rủi ro về khủng hoảng tiền tệ giảm dần hoặc ổn định trở lại, hy vọng khối nhà đầu tư này sẽ kết thúc bán ròng, thay đổi qua trạng thái mua ròng vào các tháng cuối năm 2018.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Nghiên cứu, CTCK KB Việt Nam (KBVS)
Việt Nam đủ sức níu chân dòng vốn đầu tư
Việc khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng gần đây nằm trong xu hướng chung với các thị trường chứng khoán khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippines. Tuy nhiên, nếu tính trong 8 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn mua ròng tới hơn 32.400 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD) tại Việt Nam, trong khi bán ròng tại Thái Lan và Philippines. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những nét hấp dẫn riêng qua sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, độ mở trong những năm gần đây, cũng như triển vọng nâng hạng thị trường trong những năm tới.
Tôi cho rằng, với triển vọng sáng sủa của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam tầm nhìn 2020, Việt Nam sẽ đủ sức níu chân và thu hút thêm dòng vốn đầu tư trung và dài hạn. Đối với dòng vốn ngắn hạn, nguồn tiền sẽ chảy vào thông qua các kênh ETF hay P-Notes, đặc trưng là thiếu tính ổn định và nhạy cảm với những diễn biến kinh tế toàn cầu. Tôi dự đoán, dù Fed có tăng lãi suất và những căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có diễn ra, đà bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn có xu hướng giảm dần trong những tháng cuối năm.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)