Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Kỳ vọng thanh khoản thị trường chứng khoán cải thiện từ 2020

(ĐTCK) Chỉ số chứng khoán Việt Nam từng tăng trưởng ở Top đầu trong các thị trường ASEAN, nhưng năm nay rơi xuống vị trí thấp nhất. Ðể giải bài toán thanh khoản và điểm số, cần có nhiều giải pháp.

Tại cuộc họp của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán ngày 20/12/2019, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, trên thị trường cổ phiếu năm 2019, thanh khoản giảm khoảng 28%, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lùi về Top 5 trong ASEAN, thay vì vị trí Top 3 của năm 2018. Thực trạng này kỳ vọng sẽ được cải thiện khi năm 2020, hệ thống công nghệ mới của thị trường chứng khoán sẽ chính thức được vận hành.

Cũng theo ông Trung, chỉ số chứng khoán Việt Nam từng tăng trưởng ở Top đầu trong các thị trường ASEAN, nhưng năm nay rơi xuống vị trí thấp nhất. Ðể giải bài toán thanh khoản và điểm số, cần có nhiều giải pháp.

Tuy nhiên, một trong những giải pháp sẽ được thực hiện năm 2020 là việc đồng bộ hóa nền tảng công nghệ mới từ cấp Sở, lưu ký, các thành viên, trên cơ sở đó sẽ cải thiện hiệu quả giao dịch và cho phép phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới theo thông lệ quốc tế.

Ông Trung cho biết, hiện nay, các bên liên quan đang tiến hành kiểm thử hệ thống, dự kiến tháng 6/2020 sẽ hoàn tất quá trình này. HOSE sẽ tập trung nguồn lực để đảm bảo dự án sẽ hoàn thành theo tiến độ.

Dự kiến, hệ thống đi vào hoạt động sẽ góp phần gia tăng thanh khoản, làm cơ sở phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc nâng cao bảo mật thông tin và an toàn an ninh hệ thống, các dự án về an toàn thông tin và dịch vụ giám sát cũng được HOSE triển khai song song nhằm nâng cao tính an toàn và bảo mật cho hệ thống.

Liên quan đến hoạt động của thị trường chứng khoán, báo cáo tổng kết năm 2019 của HOSE cho biết, tính đến ngày 30/11/2019, chỉ số VN-Index đạt 970,75 điểm, tăng 8,7% so với cuối năm 2018.

Thanh khoản thị trường bình quân đạt 177,84 triệu chứng khoán, tương ứng với giá trị bình quân phiên đạt 4.080 tỷ đồng/ngày.

So với cùng kỳ 2018, thanh khoản đã có sự suy giảm lần lượt 12,32% về khối lượng và 28,16% về giá trị.

Dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường trong 11 tháng qua duy trì ở mức ổn định.

Tổng giá trị giao dịch (mua và bán) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 294.906 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường mỗi chiều mua và bán.

Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 7.513 tỷ đồng.

Vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE tại ngày 30/11/2019 đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 15,1% so với cuối năm 2018 và chiếm 95% giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu niêm yết và đạt khoảng 60% GDP năm 2018.

Về hoạt động niêm yết mới và đấu giá, tính đến hết tháng 11/2019, HOSE đã cấp quyết định niêm yết mới cho 10 mã cổ phiếu, 9 mã trái phiếu doanh nghiệp và đưa 12 mã cổ phiếu và 11 mã trái phiếu lên giao dịch với số tổng khối lượng niêm yết mới đạt 4.911 triệu chứng khoán, trong đó có sự tham gia của các công ty lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Ðiện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Viglacera...

Sự kiện quan trọng trong năm đó là HOSE đã chính thức đưa sản phẩm chứng quyền có bảo đảm lên niêm yết và giao dịch vào ngày 28/6/2019 sau thời gian dài chuẩn bị.

Tính đến ngày 30/11/2019, đã có 53 chứng quyền được cấp quyết định niêm yết với khối lượng là 128.2 triệu chứng quyền trên 17 mã cổ phiếu cơ sở.

Về hoạt động đấu giá, có 17 đợt đấu giá được tổ chức thành công tại HOSE, trong đó có 4 đợt cổ phần hóa và 2 đợt chào bán theo giấy phép chào bán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và 11 đợt bán phần vốn nhà nước.

Tổng số lượng cổ phần đấu giá thành công trong kỳ đạt 86,4 triệu cổ phần tương đương tổng giá trị bán được đạt 1.885 tỷ đồng.                         

Tin bài liên quan