Kinh tế tăng trưởng, TTCK sôi động là tất yếu

Kinh tế tăng trưởng, TTCK sôi động là tất yếu

(ĐTCK) Theo TS. Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nền kinh tế tăng trưởng tốt là yếu tố quan trọng giúp TTCK sôi động và tăng sức hấp dẫn vốn. Để TTCK phát triển lành mạnh, nền kinh tế vĩ mô phải vững, đồng thời cần có giải pháp gỡ vướng cho nới room và thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) đại chúng lên sàn. 

Theo cập nhật của Bộ Tài chính, kể từ đầu năm đến nay, tổng giá trị giao dịch bình quân trên TTCK đạt 13.184 tỷ đồng/phiên (đã bao gồm trái phiếu), tăng 39% so với bình quân cả năm trước. Ông nhìn nhận như thế vào về con số này? Theo ông, để cải thiện khả năng huy động vốn, chu chuyển vốn trên TTCK cần thêm những giải pháp gì?

Từ đầu năm tới nay, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định khi GDP tăng trưởng khả quan, lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá được hỗ trợ tích cực khi dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục khoảng 45 tỷ USD...

Thị trường chứng khoán được ví như “phong vũ biểu” của nền kinh tế, nên việc thị trường sôi động và tăng trưởng là diễn biến tất yếu từ hệ quả của nền kinh tế vĩ mô.

 TS. Trần Hoàng Ngân.

Để TTCK duy trì đà tăng trưởng, thực thi được vai trò cốt lõi là kênh huy động vốn cho các DN và nền kinh tế, đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là tiếp tục cải thiện tính ổn định của kinh tế vĩ mô.

Điểm đáng chú ý trong sự tăng trưởng nền kinh tế từ đầu năm đến nay là sự đóng góp của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trên TTCK, vốn ngoại cũng tăng khá mạnh. Nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tôi tin dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh hơn.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK Việt Nam có tăng, nhưng vẫn rất khiêm tốn nếu so với quy mô vốn hóa TTCK đã ở mức trên 110 tỷ USD. Theo ông, nhà quản lý nên ưu tiên các giải pháp nào để hút mạnh hơn dòng vốn này?

Như tôi đã nói, TTCK đang thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài khá tích cực, trong đó có yếu tố từ kinh tế Việt Nam năm nay diễn biến khả quan. Một số DN niêm yết cũng đã nới room (tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài) lên mức 100%, tạo thuận lợi cho khối ngoại gia tăng đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có nhiều đánh giá rằng, số DN nới room quá ít. Họ cũng đã thể hiện mong muốn cần nới room cả trong lĩnh vực ngân hàng để gia tăng dư địa thu hút thêm dòng vốn ngoại. Tôi cho rằng, đây là điểm nên lắng nghe và tìm giải pháp đáp ứng phù hợp.

Với các DN ngành khác, thực tế áp dụng quy định về nới room đã bộc lộ không ít bất cập khi chính sách còn có sự vênh nhau giữa các văn bản. Do đó, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu sâu đề xuất các giải pháp khả thi để khắc phục tình trạng này, góp phần khơi thông dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào thị trường.

Vốn hóa TTCK đã tăng rất mạnh trong 2 năm nay khi Chính phủ kiên quyết thúc đẩy các DN đại chúng lên sàn. Tuy nhiên vẫn còn trên 700 DN đại chúng đứng ngoài sàn. Theo ông, nên ứng xử với số DN này như thế nào?

Bộ Tài chính đã công khai danh sách hơn 700 DN nhà nước, DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối đã cổ phần hóa, nhưng chưa lên sàn, vì thế cần có những giải pháp mạnh hơn, thúc đẩy số DN này đưa cổ phiếu vào giao dịch. Nếu đưa được số DN này lên sàn, tính đa dạng hàng hóa trên thị trường sẽ cải thiện đáng kể. Bản thân các DN sẽ phải chịu sức ép minh bạch hơn, đồng thời khi có nhiều hàng hơn sẽ dễ đáp ứng khẩu vị đa dạng của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo tôi, các bộ, ngành, địa phương với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại DN cần sớm tuân thủ quy định đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK.

Với khối DN nhà nước chậm cổ phần hóa thì sao, thưa ông?

Chính phủ cần có giải pháp mạnh khắc phục tình trạng chậm chạp trong cổ phần hóa, để từ đó thúc đẩy các DN có quy mô lớn, hiệu quả kinh doanh tốt sớm hoàn tất cổ phần hóa gắn với lên sàn.

Có thể những năm đầu, các DN chưa quen và phải chịu sự sàng lọc của pháp lý, của nhà đầu tư trên TTCK, nhưng việc lên sàn sẽ giúp DN minh bạch hơn, từ đó góp phần giúp nền kinh tế minh bạch và ghi nhận hiệu quả thực.

Tin bài liên quan