Việc điều chỉnh là cần thiết
Theo Quyết định 1232, trong giai đoạn 2017 - 2020, các bộ, địa phương phải thực hiện thoái vốn tại 131 lượt doanh nghiệp trong năm 2017, 126 lượt doanh nghiệp trong năm 2018, 57 lượt doanh nghiệp trong năm 2019 và 26 lượt doanh nghiệp trong năm 2020.
Kết quả rà soát, tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 11/2019, các bộ và địa phương mới hoàn thành thoái vốn tại 92 doanh nghiệp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Do đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc điều chỉnh lộ trình thực hiện thoái vốn là cần thiết, để có căn cứ triển khai.
Dựa theo tiêu chí Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối để quản lý tại doanh nghiệp và doanh nghiệp không đảm bảo hoàn thành thoái vốn trước năm 2020, theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2019, có 24 doanh nghiệp đề xuất thay đổi tỷ lệ vốn nhà nước cần nắm giữ sau năm 2020 (trong đó có 7 doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ thoái vốn để tăng tỷ lệ vốn Nhà nước cần nắm giữ sau năm 2020; 17 doanh nghiệp đề xuất không thoái vốn để giữ toàn bộ vốn nhà nước hiện tại đến năm 2020).
Đối với các doanh nghiệp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của các bộ và địa phương thì phải điều chỉnh tỷ lệ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn đến hết 2020.
Liên quan đến lộ trình và danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến năm 2020, dự thảo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng đưa ra 5 danh mục đề xuất.
Cụ thể, Danh mục doanh nghiệp do ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện thoái vốn hoàn thành trước ngày 31/12/2020 có 175 doanh nghiệp; bao gồm 160 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn cần phải thoái theo Quyết định 1232 trong cả giai đoạn 2017 - 2020 đến nay chưa hoàn thành thoái vốn, 8 doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh giảm tỷ lệ thoái vốn để tăng tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau năm 2020 so với tỷ lệ tại Quyết định 1232 với mức giảm từ tỷ lệ trên 56% đến trên 95% xuống còn dao động từ 15% đến 41,49%.
Ngược lại, có 7 doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước, với tỷ lệ vốn nhà nước cần thoái từ 0% đến xấp xỉ 49% lên mức từ 15% đến tối đa là trên 93%.
Danh mục doanh nghiệp các bộ thực hiện chuyển giao về SCIC để thoái vốn hoàn thành chuyển giao trong quý I/2020 theo phương án đề xuất gồm 13 doanh nghiệp.
Danh mục doanh nghiệp các bộ tiếp tục thực hiện thoái vốn đến hết tháng 12/2019 không hoàn thành thoái vốn thì chuyển giao về SCIC để thoái vốn, hoàn thành chuyển giao trong quý I/2020 đề xuất là 11.
Ngoài ra, đối với Danh mục doanh nghiệp do bộ, địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thực hiện sắp xếp riêng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phương án đưa ra tại dự thảo lần này là 14 doanh nghiệp, gồm các doanh nghiệp chưa thống nhất không đủ điều kiện chuyển giao về SCIC, hoặc là doanh nghiệp quy mô lớn, đặc thù trong hoạt động, doanh nghiệp đang còn vướng mắc về tài chính, quyết toán vốn nhà nước, doanh nghiệp đề xuất thay đổi hình thức sắp xếp khác…
Trong số này, có những tên tuổi đáng quan tâm như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty cổ phần Trung tâm triển lãm Việt Nam.
Bên cạnh đó, với Danh mục doanh nghiệp do bộ, địa phương đề xuất không thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1232 để tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn hiện nay tại doanh nghiệp sau năm 2020, theo phương án trình Thủ tướng Chính phủ lần này, có 17 doanh nghiệp chủ yếu gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, có tồn tại vướng mắc xử lý tài chính, đất đai hoặc doanh nghiệp trước đây bộ, địa phương đề xuất bổ sung vào danh sách thoái vốn trong giai đoạn đến 2020 nhưng đến nay không kịp thực hiện theo tiến độ.
Cân nhắc các trường hợp thoái vốn riêng
Cùng với danh mục và phương án điều chỉnh tỷ lệ thoái vốn, đáng chú ý có nhiều kiến nghị về các trường hợp thoái vốn riêng, còn vướng mắc đặc thù đang xử lý được các bộ và địa phương đưa ra tại phương án trình lần này; trong đó, có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, đang là tâm điểm quan tâm của giới đầu tư thời gian qua.
Chẳng hạn, 2 doanh nghiệp Bộ Công thương đề xuất tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước sau giai đoạn 2020, không đưa vào danh mục doanh nghiệp chuyển giao về SCIC và danh mục doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 là Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp và Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp.
Đối với trường hợp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, do đây là 2 doanh nghiệp có quy mô lớn, Bộ Công thương đề xuất song lại không nêu rõ lý do cần thiết phải duy trì vốn nhà nước sau năm 2020; mặt khác, theo báo cáo cập nhật của Bộ Tài chính thì cả 2 doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa, đồng thời theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ lại thuộc đối tượng rà soát để chuyển giao về SCIC, do đó, cần báo cáo Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo.
Bên cạnh đó, đáng chú ý, trong phương án trình Thủ tướng Chính phủ lần này, Bộ Công thương đề nghị bổ sung một số doanh nghiệp vào Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước cần thoái vốn đến hết năm 2020, bao gồm Habeco và Công ty cổ phần Viện Nghiên cứu dệt may.
Tương tự là 2 doanh nghiệp khác do Đài Truyền hình Việt Nam đề xuất, gồm Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam.
Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, 2 doanh nghiệp thuộc Đài Truyền hình Việt Nam và Habeco đã nằm trong danh sách các doanh nghiệp thực hiện riêng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, cần lưu ý yếu tố quá trình xây dựng, thực hiện phương án thoái vốn của 3 doanh nghiệp này trước đây đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để xử lý các vướng mắc đặc thù.
Do đó, Bộ đề xuất tiếp tục đưa vào danh sách thực hiện theo chỉ đạo riêng của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, tại đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ lần này, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh thời gian để các bộ hoàn thành thoái vốn tại một số doanh nghiệp đến hết năm 2020 trước khi chuyển giao về SCIC.
Lý do được Bộ Xây dựng đưa ra là cần có thời gian để các đơn vị tư vấn thẩm định giá cập nhật lại giá trị cổ phần trong chứng thư thẩm định giá.
“Trước đây, các doanh nghiệp đã hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để thoái vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các chứng thư thẩm định giá phát hành quá 6 tháng không còn hiệu lực theo quy định.
Ngoài ra, việc hoàn tất hồ sơ tại sở giao dịch chứng khoán, đăng công bố thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán cũng cần có thời gian nhất định, nên không kịp để hoàn thành thoái vốn trước cuối năm 2019”, đại diện Bộ Xây dựng lý giải.
Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, nhiệm vụ quyết toán vốn nhà nước chuyển giao sang công ty cổ phần thuộc trách nhiệm của Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp chuyển giao về SCIC thoái vốn thì Bộ không còn là cơ quan đại diện chủ sở hữu nên khó có thể chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước khi toàn bộ hồ sơ dữ liệu doanh nghiệp đã chuyển về SCIC.
Đối với các trường hợp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần bổ sung các quy định về cơ chế phối hợp giữa SCIC và các bộ liên quan trong xử lý các tồn tại về quyết toán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả và giải quyết dứt điểm, tránh trường hợp sau khi chuyển giao về SCIC thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại doanh nghiệp không thể chỉ đạo xử lý các tồn tại khiến việc xử lý tài chính tại doanh nghiệp kéo dài, ảnh hưởng tới lộ trình tái cơ cấu của doanh nghiệp.