Kịch bản “tân tam mã” IPO tháng 3

Kịch bản “tân tam mã” IPO tháng 3

(ĐTCK) Nếu như tháng 1, thị trường chứng kiến cuộc đua nóng bỏng của “tam mã" họ dầu khí thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), thì tháng 3 này có thêm “tam mã” mới.

Hàng ngon “tân tam mã”

Khác với 3 doanh nghiệp họ dầu khí có quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ đồng IPO hồi tháng 1, loạt hàng mới sắp tới có 3 cái tên đáng chú ý gồm Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) IPO ngày 14/3, Tổng công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp) IPO ngày 28/3 và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) IPO ngày 30/3.

Xét về quy mô, đây đều là các doanh nghiệp có bề dày truyền thống, có thương hiệu, ngành nghề khá hấp dẫn, trong khi quy mô vốn điều lệ không quá lớn. Giá trị phần vốn đem ra IPO lần này cũng chỉ ở mức 2.500 tỷ đồng (tính theo giá khởi điểm) và chỉ bằng 1/6 so với quy mô của “tam mã” ngành dầu khí.

Theo phương án cổ phần hoá, Protrade có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước sẽ nắm giữ 150 triệu cổ phần, tương đương 50% vốn; 39,91% vốn bán cho các nhà đầu tư chiến lược.

Vốn điều lệ Hapro sau cổ phần hóa là 2.200 tỷ đồng, 34,51% vốn điều lệ bán đấu giá và bán 65% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.

Còn Vinafood II có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, Nhà nước chiếm 51% vốn, IPO 23% vốn, 25% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Xét về hiệu quả kinh doanh, dựa trên bản công bố thông tin của 3 doanh nghiệp, thực sự không quá nổi trội và doanh thu, lợi nhuận được giới phân tích nhìn nhận là không tương xứng với tiềm năng.

Hàng ngon ở đây được giới phân tích nhìn nhận ở tài sản nhiều, rộng khắp của các doanh nghiệp, đặc biệt là quỹ đất khi theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, lợi thế vị trí đất thuê trả tiền hàng năm đều không đưa vào định giá (theo quy định mới, từ 1/1/2018, các yếu tố này đều phải đưa vào định giá tài sản doanh nghiệp).

Cụ thể, mặc dù kết quả kinh doanh không thực sự khả quan nhưng bù lại, điểm hấp dẫn của Hapro đến từ quỹ đất mà doanh nghiệp này quản lý. Hapro có ngành nghề chính là bán lẻ, kinh doanh không có gì ấn tượng, ấn tượng đến từ việc doanh nghiệp là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn. Đáng chú ý là Dự án trung tâm thương mại, văn phòng số 5 Lê Duẩn, cao 9 tầng tại Hà Nội, hợp tác với Tập đoàn Vàng bạc, đá quý, có diện tích đất 1.624 m2; Khu đất 38+40 Lê Thái Tổ, Hà Nội, diện tích 572 m2, đang chờ quyết định nhận chuyển nhượng của Thành phố; Khu đất 362 Phố Huế, diện tích 618 m2; Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng với diện tích đất gần 3.000 m2 tại số 11B Cát Linh, Hà Nội, cũng như nhiều lô đất thuê đắc địa khác tại các khu vực trung tâm Hà Nội.

Hapro còn có công ty con chuyên đầu tư các khu mặt bằng thương mại như Quang Hanh - Cẩm Phả, Quảng Ninh, 2 ha; Bắc Giang, 6.000 m2; Phủ Lý - Hà Nam, 1.922 m2; Hưng Hà - Thái Bình, 10.000 m2; Đa Tốn - Gia Lâm, Hà Nội, 23.730 m2; Sóc Sơn - Hà Nội, 6.340 m2; Hapro Việt Trì - Phú Thọ, 5,5 ha; Dự án khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, diện tích 6,5 ha.

Hay Protrade có nhiều dự án trong lĩnh vực trồng cao su, khai thác gỗ, nuôi trồng thủy sản, sân golf, hạ tầng khu công nghiệp, may mặc, giấy, bệnh viện, thực phẩm… với những thương hiệu đáng chú ý như Sân Golf Palm Sông Bé, May mặc Bình Dương, Giấy Vĩnh Phú, Chăn nuôi Vifaco, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Ascendas - Protrade, FrieslandCampina Việt Nam - liên doanh sản xuất sữa Cô gái Hà Lan (Dutch Lady) tại Việt Nam.

Còn Vinafood II, đơn vị giữ vai trò chính trong việc đàm phán, bán hàng với các nước nhập khẩu gạo, cũng như mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu gạo đang khai thác hệ thống kho với diện tích rộng lớn ở nhiều tỉnh, thành phố.

Có lẽ bởi vậy mà cả 3 tổng công ty trên đều đã có nhà đầu tư xếp hàng chờ mua cổ phần chiến lược.

Không “dễ ăn” với nhà đầu tư cá nhân

T&T, Vinamco, Sacom và U&I, Đầu tư Phát triển là những doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinafood II, Hapro và Protrade. Để trở thành cổ đông lớn của những doanh nghiệp sắp IPO, tùy quy mô, mỗi tập đoàn cần chi ra khoản vốn nghìn tỷ đồng (tính theo giá khởi điểm của các đợt đấu giá), bởi theo quy định hiện hành, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược tối thiểu bằng giá trúng đấu giá bình quân.

Nhìn vào tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, cũng như lộ trình Nhà nước thoái vốn tại 3 doanh nghiệp trên có thể cho một cảm nhận rằng, “cửa” cho nhà đầu tư cá nhân là khá hẹp, mặc dù cửa trúng đấu giá quanh giá khởi điểm rất lớn.

Có thể lý giải điều này không mấy khó khăn. Tại Hapro, nhà đầu tư chiến lược đã chi phối toàn bộ hoạt động của Tổng công ty thì sẽ có ít lý do và cơ hội để các nhà đầu tư tổ chức khác, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài có thể can thiệp về quản trị hay chiến lược phát triển trong tương lai của doanh nghiệp. Rất có thể, nhà đầu tư cá nhân sẽ chịu cảnh chôn vốn tại đây.

Hay tại Protrade, tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược lên tới xấp xỉ 40%, cộng với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 50%, thì tiếng nói của các cổ đông khác là yếu ớt.

Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán cho biết, có một luật chơi ngầm trên thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) thông qua cổ phần hóa, thoái vốn, đó là ông lớn A đã vào doanh nghiệp X thì sẽ không có chuyện ông lớn B nhảy vào tranh phần, những thương vụ nào không tôn trọng luật chơi ấy thường dễ xảy ra ồn ào sau đó và những kẻ đi tranh phần thường bị cộng đồng tẩy chay và coi thường, khó lớn mạnh được. Nếu đúng như vậy, dường như trật tự sở hữu và tương lai của những doanh nghiệp sắp IPO dạng này phần lớn đã được định đoạt.

Nhìn lại nhiều phiên IPO của các tổng công ty nhà nước có những đặc tính tương tự các doanh nghiệp trên như Vigecam, Thăng Long GTC, Vinafor, Vegetexco… có thể thấy khá rõ một điểm chung là khối lượng đăng ký mua thường chỉ nhỉnh hơn khối lượng chào bán chút ít và giá trúng đấu giá cũng chỉ quanh giá khởi điểm. Nhà đầu tư chắc hẳn đã rất nhạy cảm và luôn thông minh trong phân tích, đánh giá cơ hội.

Tin bài liên quan