Sau 8 tháng chuyển giao về SCIC, hoạt động của Vinatex đã có sự khác biệt.

Sau 8 tháng chuyển giao về SCIC, hoạt động của Vinatex đã có sự khác biệt.

Không để doanh nghiệp đứt quãng vì chờ thoái vốn

(ĐTCK) Với các văn bản mới được ban hành, Chính phủ thể hiện quyết tâm tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Có những ý kiến e ngại việc thoái vốn khó khăn, mất nhiều thời gian sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC nhất định không để doanh nghiệp đứt quãng hoạt động sản xuất - kinh doanh vì việc thoái vốn.

“Tiếp sức” cho những doanh nghiệp tiềm năng chậm thoái vốn

Ông Thành chia sẻ, trong chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, SCIC sẽ báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về các doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục nắm giữ, các doanh nghiệp thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn sau khi có kết luận của Chính phủ.

Danh sách này được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 58/2016/QÐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 và Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trong khi đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp chưa thoái được vốn mà nhu cầu đầu tư đang có, SCIC sẽ xây dựng phương án cho từng trường hợp cụ thể. Có thể SCIC đầu tư thêm để thoái vốn hiệu quả hơn, hoặc phân tích nếu thấy hiệu quả thì đầu tư thêm để triển khai dự án.

Tính đến ngày 30/6/2019, tổng danh mục đầu tư do SCIC quản lý có 144 doanh nghiệp, trong đó có 11 tổng công ty. Số vốn nhà nước SCIC quản lý theo giá trị sổ sách là hơn 28.947 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 99.501 tỷ đồng, bao gồm: 139 công ty cổ phần, 1 công ty TNHH hai thành viên, 4 công ty TNHH một thành viên.

Ðồng hành cùng doanh nghiệp

Một trong những chức năng của SCIC là tiếp nhận vốn nhà nước từ các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa theo các quy định và gần đây nhất là theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Ðến nay, trong số 62 doanh nghiệp thuộc diện phải chuyển giao về SCIC theo Quyết định 1232/QÐ-TTg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, tổng công ty này đã tiếp nhận được 32 doanh nghiệp, còn 30 doanh nghiệp.

Xét về số lượng doanh nghiệp thì SCIC mới chỉ tiếp nhận được 51%, nhưng tính về giá trị vốn nhà nước thì số vốn nhà nước mà SCIC đã tiếp nhận đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tương đương hơn 94% tổng số vốn nhà nước thuộc diện phải chuyển về SCIC.

Như vậy, số vốn còn lại chưa chuyển về SCIC hiện là 6% (tương đương hơn 600 tỷ đồng). Ðây là sự nỗ lực và quyết tâm cao của Tổng công ty và các bộ, ngành, địa phương.

Ngay sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã thực hiện việc phân loại danh mục đầu tư theo nhóm ngành và theo quy mô doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp quản trị phù hợp, nhằm đem lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp. SCIC cũng đề cử những người đại diện xứng đáng giữ các chức vụ trong bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp; đồng thời giám sát chặt chẽ tính tuân thủ của người đại diện đối với các chỉ đạo của SCIC.

Theo chia sẻ của ông Thành, việc kiện toàn nhân sự, tăng cường các biện pháp hỗ trợ trong công tác người đại diện sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tăng cường cử cán bộ SCIC tham gia kiêm nhiệm, hoặc biệt phái đến làm việc tại doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho người đại diện, cập nhật thêm các công cụ, phương thức làm việc để đồng hành với người đại diện nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho doanh nghiệp, Nhà nước...

Ông Thành cho biết thêm, thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hoá các công ty TNHH một thành viên; đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã duyệt, nâng cao năng lực điều hành cho người đại diện là lãnh đạo doanh nghiệp.

Sau 8 tháng chuyển vốn về SCIC, hoạt động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) theo nhận xét của ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, đã có sự khác biệt.

Ông Trường cho biết, kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2015, năm 2019 là năm đầu tiên mà Ðại hội đồng cổ đông thường niên của Vinatex được thực hiện trước ngày 30/4 theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.

Còn ba năm trước (2016, 2017, 2018), đại hội đều được tổ chức vào tháng 6 hàng năm, tức là sau hơn hai tháng so với quy định. Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo của SCIC về các nội dung tổ chức đại hội cổ đông. Ðây là điểm đáng ghi nhận về sự phối hợp tốt giữa SCIC và người đại diện.

Tại Hội nghị người đại diện mới đây của SCIC, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, SCIC cần phân tích kỹ hơn đặc điểm của từng doanh nghiệp, những lợi thế của doanh nghiệp khi đang còn vốn nhà nước ở mức nào: trên 51%, 36 - 51%, dưới 36%.

Với từng loại doanh nghiệp có lợi thế gì và không có lợi thế gì, vai trò của người đại diện ở doanh nghiệp có vốn nhà nước 36 - 51% như thế nào, tại doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 36% thì ra sao, thậm chí tại nhiều doanh nghiệp chưa thật sự bảo vệ được quyền lợi của nhà nước tại doanh nghiệp do tỷ lệ sở hữu của nhà nước đạt thấp.

Ngoài ra, SCIC cũng cần phân tích kỹ để thấy được sự tăng trưởng cao của các doanh nghiệp đến từ đâu. Chẳng hạn như lợi thế về tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, đối với những doanh nghiệp đạt tăng trưởng cao trong các năm thì Nhà nước đang nắm giữ bao nhiêu phần trăm trong đó.

“Ðiều này rất quan trọng để có thể thảo luận và phân tích kỹ hơn nhằm xây dựng chiến lược của Tổng công ty phù hợp và sát hơn với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Với các mức tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp khác nhau, trên cơ sở xem xét lợi thế của doanh nghiệp sẽ cân nhắc việc có thoái vốn hay không”, ông Long đề xuất.

Chính phủ sẽ quyết liệt rà soát và thúc đẩy việc tái cơ cấu sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. Tới đây, nhiều doanh nghiệp từ các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục chuyển giao vốn nhà nước về SCIC. Bởi vậy, công tác quản trị danh mục và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư sẽ tiếp tục được SCIC chú trọng và ưu tiên các nguồn lực, với mục tiêu cuối cùng là tăng hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước, bảo toàn phát triển vốn nhà nước.   

Năm 2018, tổng doanh thu của 145 doanh nghiệp thuộc danh mục của SCIC là 162.000 tỷ đồng, bằng 90% so với 2017; tổng lợi nhuận sau thuế là 29.700 tỷ đồng, bằng 124% so với 2017; tổng vốn chủ sở hữu là 135.000 tỷ đồng, tăng 18% so với 2017. Có 133/145 doanh nghiệp có lãi so với 128/145 doanh nghiệp có lãi năm 2017.

Nhiều doanh nghiệp trong danh mục đạt hiệu quả cao, hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2018, điển hình như CTCP Du lịch Lâm Đồng (347% kế hoạch), CTCP Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương (227%), CTCP Nhựa Việt Nam (259%), CTCP Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ (237%), CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (180%)... 

Một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 30% như CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam (93%), Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (72%), Công ty TNHH Khai thác và chế biến đá An Giang (71%), CTCP Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương (40%), CTCP Sữa Việt Nam (39%), CTCP Xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa (31%), CTCP Viễn thông FPT (31%)…

Tin bài liên quan