Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Không còn những bữa ăn miễn phí với các công ty môi giới chứng khoán

(ĐTCK) Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, khung khổ pháp lý cởi mở hơn đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các công ty Fintech, buộc các công ty môi giới chứng khoán truyền thống phải thay đổi mạnh mẽ để có thể tồn tại. Người hưởng lợi cuối cùng chính là nhà đầu tư.

Làn sóng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính do các startup Fintech khởi xướng đang mang tới những thách thức không nhỏ cho các công ty môi giới chứng khoán truyền thống, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, trong đó có việc giảm thiểu phí giao dịch.

Nhiều thập kỷ qua giao dịch chứng khoán là đặc quyền của các nhân viên môi giới chứng khoán nhưng với sự phổ biến của Internet và việc sử dụng ngày càng rộng rãi các thiết bị thông minh đã tạo ra những nền tảng giao dịch mới cho phép người sử dụng có những công cụ giao dịch thuận tiện và với chi phí thấp. 

“Giới môi giới chứng khoán truyền thống với hình ảnh những người đàn ông mặc vest, hút xì gà đang dần bị thay thế”, Iqbal Grandham, Giám đốc điều hành của eToro tại thị trường Anh. “Công nghệ cho phép chúng tôi phá bỏ thế giới cũ đó và mang tới những gương mặt mới, cải thiện việc giao dịch đầu tư của khách hàng”. 

Trong quá khứ, nhà đầu tư có hai lựa chọn. Họ có thể chọn cách tự giao dịch, thế nhưng điều này là rất khó khăn bởi việc có được thông tin đáng tin cậy về một mã chứng khoán nào đó và các công cụ cần thiết khác là hết sức khó khăn và đắt đỏ. Thêm vào đó, tâm lý phải liên tục tiến hành giao dịch cũng làm cho nghề môi giới chứng khoán chuyên nghiệp trở thành một nghề đầy áp lực và khó khăn.  

Phương án thứ hai là nhà đầu tư ủy thác đầu tư cho một nhà đầu tư tổ chức với tỷ suất lợi nhuận thu được thấp hơn nhiều so với các nhà đầu tư cá nhân. Công ty nhận ủy thác tuyển mộ những chuyên gia nghiên cứu và phân tích với chi phí đắt đỏ và do vậy họ thu của khách hàng một mức phí cắt cổ nhưng khách hàng lại có rất ít cơ hội được nói chuyện trực tiếp với họ. 

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các công ty Fintech và việc môi trường pháp lý cởi mở hơn đã giúp giới thiệu ra thị trường những mô hình môi giới chứng khoán kiểu mới.

“Thay đổi này giúp làm mới một ngành dịch vụ đã có nhiều năm tuổi và làm nó dễ tiếp cận hơn đối với tất cả mọi người”, ông Grandham nói. “Các công ty Fintech đang làm thay đổi cách chúng ta quản lý tài sản còn Internet đang làm thay đổi mọi thứ liên quan tới giao dịch. Nếu các công ty môi giới chứng khoán hoạt động theo mô hình cũ chậm thay đổi thì chắc chắn họ sẽ bị đào thải và những ý tưởng mới sẽ xuất hiện và nhanh chóng phát triển”.  

Ở Việt Nam, ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 128/2018/TT-BTC, theo đó không qui định mức sàn phí môi giới giao dịch chứng khoán. Điều này sẽ buộc các công ty phải đầu tư, đổi mới công nghệ, mở đường cho sự phát triển của các công ty chứng khoán và thị trường chứng khoán trong thời gian tới.      

Ông David Mercer, Giám đốc điều hành của LMAX Exchange, người đã từng làm việc tại Credit Suisse, cho hay: “Những năm 1990, trên bàn làm việc của tôi thường có tới 8 màn hình. Đây là một khoản đầu tư lớn để tôi có thể tiếp cận được một thị trường tương đối đơn giản. Tôi còn nhớ không khí của một phòng môi giới giao dịch với mỗi chỗ làm việc có chi phí đầu tư lên tới 1 triệu USD. Giờ đây bạn có thể tiếp cận thị trường chứng khoán thông qua Internet với chi phí chỉ là chi phí sử dụng Internet. Đây quả là một điều tuyệt vời”.

Một loạt công ty môi giới chứng khoán online đã ra đời sau khi có sự hài hòa hóa khung khổ luật pháp về tài chính ở châu Âu. Với những quy định của Ủy ban Châu Âu, chẳng hạn như khung khổ MiFID, một công ty được thành lập tại một quốc gia châu Âu có thể thâm nhập một thị trường mới, giúp kéo giảm phí giao dịch, cho phép các công ty môi giới không cần phải có văn phòng và trụ sở tại một thị trường nào đó mà vẫn được phép hoạt động và cung cấp dịch vụ.

Điều này đồng nghĩa với việc những chi phí về mặt nhân sự mà trước đây thường được phân bổ vào chi phí giao dịch của khách hàng sẽ được giảm thiểu. “Nhờ đó mà chỉ sau 4 năm DEGIRO đã trở thành công ty đứng trong TOP 5 những công ty môi giới chứng khoán lớn nhất tại châu Âu, hoạt động tại 18 quốc gia. Điều này chưa từng xảy ra trước đây trong một khoảng thời gian ngắn như vậy”, Paul Laverty, Giám đốc Phát triển kinh doanh phụ trách thị trường Anh và Ai-xơ-len của DEGIRO cho biết.

“Nếu như trước đây đối với những khách hàng nhỏ - những người chỉ có thể dành ra được vài trăm Bảng Anh một tháng thì việc đầu tư chứng khoán là không thể bởi phí môi giới đã chiếm tới 10%, 20% hoặc thậm chí là 50% giá trị của khoản đầu tư rồi”, ông Laverty nói. “Giờ đây nhà đầu tư đã có thể bắt đầu đầu tư chứng khoán với số tiền chỉ bằng giá của một cốc cà phê hoặc một vé tầu điện ngầm”.

Nhờ có sự xuất hiện của các công ty Fintech kiểu như Trading 212 mà việc tiếp cận thị trường chứng khoán và việc tiến hành đầu tư của nhà đầu tư đã không còn tốn chi phí nữa. Tháng 6/2017 công ty này đã cho ra mắt nền tảng giao dịch chứng khoán miễn phí giao dịch đầu tiên ở Anh.  

Anton Kravchenko, một cựu nhân viên của J.P. Morgan và VTB Capital, hiện là Giám đốc điều hành của Xena Exchange cho biết: “Với những nền tảng giao dịch mới này, nếu bạn là một nhà giao dịch cổ phiếu có kinh nghiệm thì bạn có thể kiếm được một tỷ lệ lợi nhuận nhất định mà không phải trả 1-2% giá trị giao dịch cho công ty môi giới.

Giờ đây, cách duy nhất để các công ty môi giới chứng khoán truyền thống có thể tồn tại là kiếm được cho khách hàng của họ một tỷ lệ lợi nhuận tương tự như trên, nhưng điều này không phải dễ vì bộ máy của các công ty này quá cồng kềnh để có thể kiếm được một tỷ lệ lợi nhuận vượt trội hoặc có được mức chi phí vận hành thấp”.    

 “Không còn những bữa ăn miễn phí cho các công ty và nhân viên môi giới nữa. Họ hoặc sẽ phải giảm mức hoa hồng hoặc đầu tư vào công nghệ trí tuệ nhân tạo để cho ra kết quả vượt trội so với thị trường. Các công ty môi giới nhỏ có sự đầu tư lớn vào công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn đáng kể so với mức trung bình của thị trường, trong khi đó các công ty môi giới lớn sẽ phải cắt giảm chi phí nhân sự do phải đối mặt với sự cạnh tranh của các công ty Fintech lớn”, ông Anton Kravchenko nói.      

Do các Fintech mới đang ở trong giai đoạn đầu của sự phát triển nên cuộc chơi của các công ty môi giới chứng khoán truyền thống vẫn chưa kết thúc. Điều này đồng nghĩa với việc tác động của làn sóng Fintech đối với hoạt động của các công ty môi giới chứng khoán kiểu cũ vẫn chưa đạt tới đỉnh điểm.

Đã tới lúc các công ty môi giới chứng khoán truyền thống cần học hỏi và áp dụng những phương thức mới thông qua hợp tác với các Fintech và tích cực thay đổi, áp dụng đổi mới và sáng tạo. Cuối cùng thì khách hàng - những nhà đầu tư - chính  là những người được hưởng lợi từ cuộc cách mạng Fintech. Những công ty môi giới không nhận thức được điều này và không điều chỉnh mình một cách tương ứng sẽ bị bỏ lại phía sau.     

Tin bài liên quan