Dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi
Ðại dịch Covid-19 bùng phát khiến rủi ro của thị trường chứng khoán toàn cầu gia tăng. Tình trạng bán tháo trên thị trường cổ phiếu gần như không chừa thị trường nào, từ Mỹ đến châu Âu, châu Á. Chỉ số VIX - đo lường trạng thái sợ hãi trên thị trường Mỹ tăng kỷ lục và gần với mức cao nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.
Cũng giống như nhiều lần trước đó, mỗi khi rủi ro tăng cao, dòng vốn ngoại lại có dấu hiệu rút ra khỏi các thị trường mới nổi.
Xét ở các nước châu Á, nhiều thị trường bị khối ngoại bán ròng mạnh hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính.
Mua bán ròng của nhà đầu tư ngước ngoài ở các thị trường.
Cụ thể, kể từ đầu năm 2020 đến nay, các thị trường bị rút vốn nhiều có thể kể đến Nhật Bản (27 tỷ USD), Ðài Loan (16,3 tỷ USD), Hàn Quốc (11,4 tỷ USD), Ấn Ðộ (3,8 tỷ USD), Thái Lan (3 tỷ USD).
Tính riêng từ đầu tháng 3 đến nay, khối ngoại đẩy mạnh rút vốn, tại Nhật Bản là 16,3 tỷ USD, Ðài Loan 10,5 tỷ USD, Hàn Quốc 8,2 tỷ USD, Ấn Ðộ 5,6 tỷ USD, Thái Lan 1,8 tỷ USD (xem bảng).
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 25/3, khối ngoại bán ròng 8.130 tỷ đồng, tương tương 346 triệu USD.
Tỷ giá nhiều quốc gia mới nổi sụt giảm
Một trong những nguyên nhân mà cũng là hệ quả của việc khối ngoại rút vốn đó là giá trị đồng nội tệ của nhiều quốc gia sụt giảm (xem bảng).
Diễn biến tỷ giá của các quốc gia mới nổi so với USD.
Kể từ đầu năm đến nay, trong số các quốc gia mới nổi, đồng tiền Brazil giảm 21%, Nga và Mexico giảm 20,3%, Colombia giảm 19,6%, Nam Phi giảm 19, Ấn Ðộ giảm 13,2%, Chile giảm 12,7%…
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài lỗ cả trên thị trường cổ phiếu lẫn thị trường tiền tệ khi chuyển đổi.
Chưa biết đến khi nào đồng nội tệ của các thị trường mới nổi mới có thể ổn định trở lại, vì hiện tại tỷ giá đang chịu tác động kép: một là sự trì trệ chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt với các quốc gia xuất khẩu và thu ngoại tệ nhiều nhờ hoạt động dịch vụ; hai là động thái tiếp tục rút vốn của khối ngoại.
Ðối với đồng Việt Nam, tuy không biến động nhiều, nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng vận động trên.
Ngân hàng Nhà nước ngày 20/3 đã tăng 10 đồng tỷ giá trung tâm, lên mức 23.252 đồng/USD, tăng 97 đồng so với đầu năm (+0,42%). Tỷ giá quy đổi tại nhiều ngân hàng thương mại ở trên mức 23.500 đồng/USD.
Dự báo động thái của khối ngoại
Thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài liên tục có động thái bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam, bất kể tình trạng thị trường như thế nào: tăng bán, giảm bán, hồi bán, hoảng loạn càng bán.
Riêng phiên cuối tuần qua (20/3), khối ngoại bán ròng hơn 915 tỷ đồng (khoảng 39,3 triệu USD) trên HOSE.
Một công cụ có thể sử dụng để dự báo xu hướng giao dịch của khối ngoại là chỉ số CDS trái phiếu chính phủ (hợp đồng bảo hiểm rủi ro nợ chính phủ).
Giai đoạn 2011 - 2012, CDS giúp dự báo khá chính xác các đợt mua bán của các quỹ ETF cũng như khối ngoại. Chỉ báo này vẫn đúng cho đến hiện tại.
Sau nhịp giảm của thị trường trong năm 2018, từ giữa năm 2018 đến gần hết năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài tăng cường mua ròng, góp phần giúp VN-Index trụ vững trên 900 điểm suốt năm 2019. Ðây là giai đoạn CDS liên tục giảm, thậm chí tạo đáy thấp hơn trước đó.
Sau Tết Nguyên đán 2020, CDS tăng mạnh, vượt mức 200 sau 5 năm, khiến khối ngoại liên tục bán ròng.
Ở góc nhìn CDS, rủi ro hiện tại tương tự những năm 2013, 2015, khi VN-Index dao động quanh 500 - 600 điểm.
Với động thái và cách bán vừa qua, khối ngoại nhiều khả năng rút vốn, chứ không phải tái cơ cấu. Bao giờ vốn ngoại sẽ quay trở lại?
Trước hết, thế giới có lẽ phải kiềm chế được đại dịch Covid-19 để giảm bớt rủi ro của thị trường cổ phiếu, giúp tâm lý nhà đầu tư cả nội và ngoại ổn định, tự tin “bắt đáy”.