Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần đảm bảo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chủ động hơn, tự quyết hơn trong truy xét đến cùng các vi phạm trên TTCK. Bởi hiện vẫn còn nhiều hạn chế đối với cơ quan này trong xác minh thông tin tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư, yêu cầu các đối tượng nghi vấn hợp tác để làm rõ vi phạm.
Có ý kiến cho rằng, việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán hiện chưa đủ sức răn đe, nên tính chất và mức độ vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Ông có nghĩ như vậy?
Có một thực tế dễ nhận ra là việc áp dụng các chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán thời gian qua ít được sử dụng. Không ít vụ thao túng giá chứng khoán, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán… được cơ quan quản lý phát hiện, nhưng mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, với lý do nhà quản lý cho rằng chưa đủ bằng chứng cấu thành vi phạm hình sự.
Các tội danh vi phạm về hình sự trong lĩnh vực chứng khoán được quy định trong Bộ Luật hình sự như cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, thao túng giá chứng khoán… chưa được áp dụng là bao trên thực tế.
Ðây là một trong những lý do khiến cho việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán chưa đảm bảo tính răn đe. Bằng chứng là số vụ thao túng giá chứng khoán bị UBCK phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính gần đây có chiều hướng gia tăng.
Tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Ban soạn thảo đề xuất tăng mức phạt tiền lên tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, đồng thời tăng áp dụng các chế tài xử phạt bổ sung. Hướng sửa đổi này, theo ông có đáp ứng yêu cầu của thực tiễn?
Ðặc thù của các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là giá trị của các giao dịch khi bị phát hiện thường cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực kinh tế khác. Với chế tài xử phạt như dự thảo, đối tượng vi phạm vẫn sẵn sàng chịu phạt để đổi lại thu được mối lợi lớn.
Luật sư Trần Minh Hải
Do vậy, nếu vẫn duy trì tư duy làm luật theo hướng mức xử phạt trên thị trường chứng khoán không được cao hơn nhiều so với các lĩnh vực khác là không phù hợp. Việc tăng mức phạt tiền như dự thảo so với hiện tại phần nào đáp ứng được yêu cầu của thực tế, nhưng đó vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ.
Vậy như thế nào mới là căn cơ, theo ông?
Chế tài xử lý khiến các đối tượng vi phạm sợ nhất ở các nước là tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi bất chính do vi phạm mà có. Ðiều này tạo ra tính răn đe cao đối với các hành vi vi phạm. Ðây là thông lệ quốc tế tốt mà Việt Nam nên nghiên cứu, để vận dụng phù hợp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi chuẩn bị trình ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 tới và theo kế hoạch sẽ được thông qua vào cuối năm nay.
Ðể chế tài tịch thu số tiền vi phạm của các đối tượng vi phạm vận hành hiệu quả, cần hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán, cũng như các văn bản hướng dẫn hai vấn đề lớn.
Thứ nhất, cùng với tăng chế tài xử phạt về hành chính, cần tăng cường áp dụng các chế tài hình sự. Chế tài hành chính cần thể hiện tư duy đột phá bằng cách điều chỉnh lại cách xử phạt. Nếu vướng quy định về mức trần xử phạt vi phạm hành chính thì trong lĩnh vực chứng khoán cần vượt qua rào cản này bằng cách phạt khác đi.
Chúng ta có thể căn cứ chính vào Luật Xử lý vi phạm hành chính để đưa ra việc xử phạt dựa trên giá trị sai phạm. Chỉ cần đưa ra mức phạt tiền dựa trên giá trị sai phạm, thì số tiền phạt sẽ lớn hơn nhiều việc phạt tiền trực tiếp cho hành vi. Ví dụ với mức phạt tiền trực tiếp cho hành vi, trần giới hạn khoảng 2 tỷ đồng, nhưng nếu phạt gấp 5 lần giá trị sai phạm như 20 tỷ đồng chẳng hạn, thì số tiền phạt lên đến cả trăm tỷ đồng. Ðiều này vẫn bảo đảm đúng luật.
Ði kèm với chế tài xử phạt mới được thiết kế theo hướng tăng nặng là cần có biện pháp khả thi, hiệu quả trong tính toán, xác minh, để làm cơ sở tịch thu toàn bộ những khoản thu lợi bất chính do vi phạm mà có. Cách hoàn thiện quy định pháp luật này cần thể hiện một thông điệp mạnh mẽ rằng, một khi vi phạm bị phanh phui, thì đối tượng vi phạm bị mất lớn hơn rất nhiều so với được.
Thứ hai, để các chế tài mới phát huy hiệu quả trên thực tế, điều quan trọng là cần tăng thẩm quyền cho UBCK trong xác minh các hành vi vi phạm, khắc phục tình trạng cơ quan này đang bị “bó tay, bó chân” như hiện tại. Theo đó, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần đảm bảo cho cơ quan này chủ động hơn, tự quyết hơn trong truy xét đến cùng các vi phạm. Hiện có nhiều hạn chế đối với cơ quan này trong xác minh thông tin tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư, yêu cầu các đối tượng nghi vấn hợp tác để làm rõ vi phạm…
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng phức tạp hơn về sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ, những hành vi vi phạm mới sẽ diễn biến tinh vi hơn, nguy hiểm hơn. Nếu cơ chế truy cứu, xử lý sai phạm không khắc phục được những hạn chế hiện nay, đồng thời UBCK bị hạn chế thẩm quyền trong xác minh vi phạm để áp dụng chế tài xử phạt, thì sẽ khó đảm bảo cho nguyên tắc công bằng, minh bạch trên thị trường chứng khoán được thực thi hiệu quả.
Nghiên cứu thêm thẩm quyền điều tra cho UBCK
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Về áp dụng chế tài hình sự, cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa cơ quan quản lý thị trường chứng khoán với cơ quan tố tụng trong xử lý các vi phạm, đặc biệt là với bốn tội danh đã được luật định. Dự kiến, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tăng số lượng các hành vi bị cấm.
Để chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, cần chú trọng thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết về điều tra xuyên biên giới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra. Kết quả thanh, kiểm tra phải định kỳ báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng, chứ không thể có chuyện thanh tra xong rồi ngâm kết quả, không xử lý, dung túng cho vi phạm, tiêu cực.
Không thể để xảy ra tình trạng giám mà không sát, sát rồi lại không giám…
Cần đánh giá kỹ xem chế tài hiện tại có bị… nhờn không
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
Thực tế, không riêng gì trong lĩnh vực chứng khoán, chế tài xử lý nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh tế khác của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều với các nước, nên hạn chế tính răn đe. Bởi vậy, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, Ban soạn thảo cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ thực tế, cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế theo hướng phù hợp với bối cảnh Việt Nam để hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm, qua đó đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương cho thị trường phát triển công bằng, lành mạnh.
Liên quan đến định hướng nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý các trường hợp vi phạm, một lãnh đạo UBCK cho biết, cơ quan quản lý sẽ tăng cường phối hợp giữa các đơn vị của UBCK, 2 sở giao dịch chứng khoán trong giám sát, phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, các hành vi gian lận, vi phạm về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của thành viên thị trường, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan.
Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong giám sát, thanh kiểm tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật trên TTCK, nhất là các vụ việc liên quan đến các hành vi có dấu hiệu tội phạm.