Kỳ cuối: Đi tìm nhà tạo lập thị trường phái sinh
Chưa thấy lợi ích
Ý kiến từ những người trong cuộc cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến vai trò của nhà tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mờ nhạt, nhưng cốt lõi nằm ở mục đích của nhà quản lý, tổ chức thị trường chưa khớp nối “mượt mà” với mục đích của các tổ chức mong muốn làm nhà tạo lập thị trường.
Theo đó, cơ chế tạo lập thị trường đã và đang xây dựng nhằm tạo thanh khoản, nhưng lại thiếu tính thực tế và chưa đủ sức thu hút nhà tạo lập thị trường tham gia.
Thậm chí, theo ý kiến từ lãnh đạo một số CTCK, ngân hàng, nhà quản lý đang “bắt” các tổ chức trở thành nhà tạo lập thị trường phải hy sinh, chịu thiệt về lợi ích, trong khi đổi lại họ chưa thấy được bù đắp cho những hy sinh này.
Đây trở thành lý do chính khiến các tổ chức dù muốn làm nhà tạo lập thị trường, nhưng vẫn đứng ngoài cuộc. Điều này cũng không phải là ngoại lệ trên TTCK phái sinh còn non trẻ.
“Tôi nhận thấy cần có vai trò của nhà tạo lập thị trường trên thị trường phái sinh, nhất là các hợp đồng tương lai chỉ số còn thời gian đáo hạn dài và sắp tới là trên thị trường phái sinh trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, do tính chất thị trường non trẻ, cộng với hiện không có động lực thu hút các bên tham gia, nên sự xuất hiện của nhà tạo lập thị trường trên TTCK phái sinh hiện còn quá sớm. Bản thân chúng tôi thấy không những chưa nhận được lợi ích, mà còn phải đối mặt với nhiều áp lực, nên chưa có ý định làm nhà tạo lập thị trường trên TTCK phái sinh”, lãnh đạo một CTCK chia sẻ.
Đi sâu vào các khó khăn với nhà tạo lập thị trường, theo ý kiến từ những người trong cuộc, chủ yếu liên quan đến việc chưa nhận thấy cửa kiếm lời khi thực hiện giao dịch chênh lệch giá (arbitrage) giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh cổ phiếu, tới đây là phái sinh trái phiếu.
Thêm vào đó, còn thiếu cơ chế thanh toán, vay mượn chứng khoán… mang tính ưu đãi với nhà tạo lập thị trường, nên chưa thu hút họ tham gia.
Cách nào tạo sức hút?
Với TTCK phái sinh, để thu hút các CTCK, ngân hàng trở thành nhà tạo lập thị trường, ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, cần có thời gian.
Tuy nhiên, muốn có “quả ngọt” , thì phải hành động ngay từ bây giờ với nhiều giải pháp đồng bộ để tránh đi vào “vết xe đổ” èo uột như nhà tạo lập thị trường trên thị trường cơ sở cổ phiếu, cũng như trái phiếu hiện tại.
Điều quan trọng đầu tiên là nhà quản lý, tổ chức thị trường cần thay đổi tư duy theo hướng nhà tạo lập thị trường phải cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi. Thậm chí cần khuyến khích nhà tạo lập thị trường tham gia bằng những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh TTCK phái sinh còn non trẻ như hiện tại.
Cụ thể là cần có cơ chế ưu đãi về phí giao dịch với nhà tạo lập thị trường.
Thêm vào đó, có những hỗ trợ về cơ chế thanh toán, tiết kiệm cả về thời gian lẫn chi phí khi vay mượn chứng khoán. Kinh nghiệm thành công về hoạt động của nhà tạo lập thị trường ở nhiều nước cho thấy, cần có cơ chế cho phép họ bán khống.
Cơ quan quản lý, tổ chức thị trường còn cần có hướng dẫn chi tiết về cơ chế giao dịch chênh lệch giá giữa thị trường trái phiếu cơ sở và phái sinh trái phiếu, để các tổ chức nhìn thấy cơ hội kiếm lời, từ đó hấp dẫn họ tham gia.
Đồng thời, cần có các giải pháp bền vững để cải thiện thanh khoản và quy mô cho TTCK phái sinh, qua đó tạo triển vọng dài hạn cho hoạt động của nhà tạo lập thị trường.
Để tháo gỡ những bất cập về cơ chế đối với nhà tạo lập thị trường trên thị trường phái sinh, bên cạnh Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, còn cần sự phối hợp giữa các cơ quan này với Ngân hàng Nhà nước trong tháo gỡ các vướng mắc, cũng như tạo ra cơ chế khuyến khích, ưu đãi để thu hút các ngân hàng tham gia.