Khoảng lặng…

Khoảng lặng…

(ĐTCK) Rỗi việc, lang thang trên mạng “search” được mấy câu đồng dao chứng khoán theo kiểu… thơ đề: “Bao giờ DJ vượt ngưỡng tám lăm (8.500 điểm). Thì em Index mới ngoài ba lăm (350 điểm). Anh mà chấp chới 80. Thì em Index cũng cười mà thôi”.

Nói là “thơ đề” thì cũng chẳng oan vì hơi hướng có phần hao hao với giọng điệu “kết quả đi - chết cả đi” của mấy cậu bé báo vận may (thì ít) và vận xui (thì nhiều) trên khắp các phố phường Hà Nội lúc chập choạng tối. Nhưng ngẫm đi rồi ngẫm lại, nó cũng diễn tả chẳng sai bao nhiêu cái tâm lý của phần đông dân tình đầu tư chứng khoán xứ ta, trong lúc nhà mình chập choạng sáng tối chưa tỏ mà cứ hóng theo nhà người để để đánh lên, đánh xuống. Đấy là cái khổ của nhìn xa mà không chịu ngó gần, muốn “ăn cây táo” nhưng lại… nhào sang cây sung. Thế nhưng, vừa rồi thị trường bỗng dưng lên điểm được dăm phiên, lại có chẳng ít đấng bậc thở dài mà phán rằng, nhà đầu tư xứ mình vốn tính hay quên, lại chẳng biết lo xa nên dễ bị buồn gần, lên tàu đã không chịu xếp hàng, mà xuống tàu cũng như ma đuổi, guốc dép mất lúc nào chả biết. Đấy chính là tính gần mà không biết lo xa. Toàn là những lời quý báu cả. Vậy nhưng, xa và gần, cái nào đáng nhìn, cái nào đáng học đây???

Lại lan man một chút về nhìn gần, nhìn xa. Dạo trước, nghe một bậc tiền bối hài hước kể lại chuyện tiếu lâm chiến tranh rằng, có cậu thanh niên nhát gan, đến mùa tòng quân lấy cớ bị tật ở mắt nên trốn lệnh nhập ngũ. Người có trách nhiệm đến nhà bảo với bố mẹ cậu rằng, ông bà cứ yên tâm cho cháu lên đường. Nếu mắt cậu ấy bị cận thì chúng tôi bố trí vào đội… đánh giáp lá cà, còn giả sử cậu ấy mắc chứng viễn thị thì chúng tôi biên chế vào bộ phận đếm bom rơi… Bây giờ thời hiện đại lại nảy sinh ra cái gọi là chứng “cận thị giả”. Khi quá lao tâm khổ tứ (ngồi đồng trước bảng điện chẳng hạn), mắt bị điều tiết quá mức, gây nên hiện tượng này khi nhìn xa. Bệnh ấy gọi nôm na là mờ mắt vì cận ở tâm.

Mấy ngày này, nhà đầu tư cũng đang tranh luận nhau chuyện nên tính gần hay nghĩ xa. Có “chuyên gia” bảo, người cận thị chỉ nhìn được gần. Người viễn thị chỉ nhìn được xa. Khôn nhất là người không viễn, không cận thì mới thắng khi tham gia vào trò chơi “hãy chọn giá đúng” trên sàn. Thế nhưng, dẫu chẳng cận chẳng viễn gì, nhưng “đánh” chứng khoán mà trái tim cứ “lầm chỗ” để ở cửa sổ tâm hồn thì tài khoản cũng mất hút như chiếc nỏ thần (mà chẳng biết ai là Trọng Thuỷ).

Thế nên việc gì cũng thế, để cho tâm sáng, mắt sắc thì tái tạo năng lượng trong mỗi khoảng lặng là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Chẳng biết các nhà đầu tư khác thế nào, chứ nghe thông báo rằng, “xới” chứng khoán sẽ có một đợt nghỉ kéo dài đến 5 ngày thì kẻ viết bài này như mở cờ trong bụng. Và lướt qua các diễn đàn mạng về chứng khoán, mới thấy rằng, cuối tuần này ở trên rừng dưới biển, nhà đầu tư chứng khoán chẳng hề cô độc. Những kế hoạch rời xa bảng điện tử được vẽ ra rất hoành tráng… Người ta động viên nhau: mấy ngày nghỉ ngơi, để cho mắt mũi được thư thái chút đỉnh, hãy quên bảng điện tử, quên tài khoản lời lỗ đi. Nếu nhìn xa thì cứ coi đây như việc tạm thời lui về phòng thủ, rèn luyện quân sĩ, tích trữ lương thảo, chờ ngày phản công. Người nghĩ gần thì lại bảo, thôi thì chứng khoán đã lên hương cả tháng nay, bây giờ cũng đến lúc phải kích cầu du lịch. Nghe được câu này, các cổ đông của Vincom (VIC), Cáp treo Tây Ninh (TCT)… chắc cũng hởi lòng hởi dạ!

Nói đến “khoảng lặng”, lại nhớ đến lúc đứng chờ tín hiệu giao thông. Cứ thử quan sát mà xem, mỗi lúc đèn đỏ, người thì dịch một chút bánh xe qua vạch vôi, kẻ thì cau có xem đồng hồ, không ít “đấng liều mạng” ngó trước ngó sau rồi vụt đi, mặt vênh lên như mình vừa làm được một việc vĩ đại. Chẳng mấy người đủ thư thái để coi mỗi lúc đèn đỏ là một khoảng lặng để ngắm nhìn phố xá, là một phút tĩnh tâm để tiếp tục cuộc hành trình?

Trước kỳ nghỉ lễ, lại nghe có vị lãnh đạo ngành chứng khoán úp mở rằng, cơ quan quản lý thị trường đang xem xét đến việc giao dịch chứng khoán vào cả các buổi chiều. Thôi thì đây cũng là một cách tiếp cận với TTCK hiện đại, đặt tốc độ lên hàng đầu. Nhưng riêng người viết lại cảm thấy nuối tiếc. Nếu có chuyện này thật thì khi thị trường nóng, các bé sẽ phải theo bố mẹ lên sàn nhiều hơn; các điểm vui chơi giải trí sẽ thưa thớt hơn. Các sàn chứng khoán nhanh nhạy có khi lại phải bố trí một dịch vụ khép kín từ A đến Y thì mới mong thu hút được khách đến sàn từ sáng đến chiều. Đấy mới là đến chiều, chứ còn lại “ôm sàn” qua đêm như một số “chợ trời” OTC đã và đang xảy ra thì hàm hồ mà dự đoán rằng, các toà án thế nào cũng bận rộn thêm chút đỉnh vì phải xử các vụ tan đàn xẻ nghé vì mê sàn hơn mê vợ (chồng)!? Lại chợt nghĩ, cũng khó mà biết, giao dịch cả ngày thì thanh khoản cao hay thấp hơn bây giờ. Cái tâm lý người Việt mình, thích hàng ế chợ chiều, còn thịnh lắm!

Thế nhưng, nói là nói vậy, chứ cái tiếng thì thào đọc lệnh, những gương mặt đăm chiêu trên sàn và những mũi tên xanh đỏ của “thần chứng khoán” nghe ra vẫn có sức mê hoặc gớm ghê lắm. Một anh bạn là nhà đầu tư chứng khoán kể câu chuyện vui thế này, trước anh đọc báo, thấy uống bia có hại cho sức khoẻ, thế là anh bỏ uống bia..., thấy hút thuốc có hại cho sức khoẻ, thế là bỏ hút thuốc, thấy ăn nước tương có chất gây ung thư, thế là bỏ ăn nước tương... Khi đọc báo thấy chứng khoán không dành cho người yếu tim, viêm màng túi, thế là anh... bỏ đọc báo…

Thế nhưng, dẫu đã đặt cả tài sản vào chứng khoán thì cũng đâu có nghĩa là đời chỉ có thể lấy hai mũi tên xanh - đỏ làm vui. Khoảng lặng cũng là vị thuốc tráng dương! Biết đâu, sau quãng thời gian “chờ đèn đỏ” dài ngày, chứng khoán xứ mình lại được đón “bữa tiệc sau kỳ nghỉ lễ” như những tiền lệ đã diễn ra. Còn bây giờ, cứ nghỉ ngơi cái đã…