Khó vì không đồng bộ

Khó vì không đồng bộ

(ĐTCK) Khách du lịch từ Nhật Bản giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thông tin từ một doanh nghiệp kinh doanh du lịch - lữ hành chuyên phục vụ thị trường Nhật Bản.

Với một số công ty du lịch lớn như Công ty Du lịch Hoà Bình, số lượng khách đặt tour năm 2009 giảm tới 20 - 30%. Tuy nhiên, mức giảm giá để thu hút khách du lịch mà các công ty du lịch - lữ hành đưa ra vào thời điểm này nhiều lắm cũng chỉ khoảng 5 - 10%. Đa phần khoản giảm giá này được tính toán từ những chi phí tiết giảm của chính doanh nghiệp lữ hành. Mức tối đa cho khách tour trọn gói mà Công ty Du lịch Hoà Bình đưa ra hiện là 20% do có đầu xe phục vụ khách. Như vậy, so với những tuyên bố của ngành du lịch về giảm giá đến 30% cho khách nước ngoài từng đưa ra, thực tiễn khác xa.

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Giám đốc Công ty Du lịch Hoà Bình cho rằng, thực tâm rất muốn tạo nên sức hút về giá cho du khách trong bối cảnh số hợp đồng khách tour cho giai đoạn cuối năm 2009 đang rất thấp, song vấn đề chính là sự cắt giảm của doanh nghiệp riêng lẻ không đáng kể. "Mặc dù ngành du lịch tuyên bố giảm giá, song chi phí tham quan, bến bãi tại các điểm du lịch không giảm, nhiều nơi lại tăng giá. Bên cạnh đó, với các hợp đồng đã ký trong năm 2008, thì giá phòng cũng được định trước với khách sạn, không thể giảm hơn. Chúng tôi tính toán, mỗi khách tour chỉ lãi khoảng 5 - 10 USD, nếu giảm nữa thì chúng tôi lỗ", bà Lệ phân tích.

Trong khi ngành du lịch Việt Nam đưa ra những đề nghị mang tính kêu gọi nhiều hơn sự tham gia của các doanh nghiệp vào chương trình giảm giá cho khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam, thì các công ty du lịch của nước ngoài lại vin vào những tuyên bố đó để đòi được giảm giá. Bà Lệ than phiền, nhiều đoàn tour đã ký hợp đồng từ năm 2008 cũng đòi được giảm 30%. Thị trường du lịch đang khó khăn vì khủng hoảng kinh tế lại tiếp tục chịu áp lực do sự thiếu phối hợp, thiếu thống nhất trong thực hiện các kế hoạch xúc tiến du lịch từ phía cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp có liên quan.

Cần phải nói rằng, chương trình giảm giá tour tương tự đã được Thái Lan thực hiện rất thành công. Các doanh nghiệp lữ hành cho biết, việc giảm giá của thị trường du lịch Thái Lan được thực hiện trên tất cả các khâu liên quan, và được sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ. Rõ ràng, không có áp lực nào cho các doanh nghiệp khi thực hiện chiến dịch giảm giá theo yêu cầu của Chính phủ. Tính liên kết và chia sẻ để đạt được mục đích chung cho toàn ngành du lịch của nước bạn rất rõ ràng.

Trở lại các doanh nghiệp Viêt Nam, nhiều người cho biết, họ không trở tay kịp với kế hoạch của ngành du lịch. Theo kế hoạch, trong chương trình khuyến mãi, giảm giá "Ấn tượng Việt Nam", ngành du lịch sẽ triển khai 99 tour khuyến mãi từ 30 đến 50% và tiếp tục triển khai tới tháng 9. Tuy nhiên, sau khi công bố chương trình, Tổng cục Du lịch chưa triển khai các công việc tiếp theo như: đàm phán với các hãng vận chuyển giảm giá, hoặc tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch quảng bá, mở rộng thị trường.

Nếu như bây giờ các bên ngồi với nhau để thiết kế chương trình, chắc khoảng 2 tháng nữa các sản phẩm chính thức mới ra. Khi đó, bà Lệ cho biết, mùa cao điểm của du lịch châu Á đã kết thúc, thường vào tháng 5. Mọi nỗ lực sẽ thành quá muộn.

Theo thông tin ĐTCK có được, khá nhiều công ty lữ hành đang có kế hoạch chuyển đổi kinh doanh sang lĩnh vực dịch vụ khách nội địa để bù đắp những thiếu hụt từ nguồn khách quốc tế. Các doanh nghiệp đang tìm cách tự vượt qua khó khăn của riêng mình, song ngành du lịch không thể vượt khó từ những nỗ lực riêng lẻ như vậy.