Thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, khó đảm đương sứ mệnh hỗ trợ hiệu quả cho tái cơ cấu nền kinh tế

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, khó đảm đương sứ mệnh hỗ trợ hiệu quả cho tái cơ cấu nền kinh tế

Khó thúc cổ phần hóa khi thị trường chứng khoán… “chậm lớn”

(ĐTCK) Lý giải nguyên nhân tiến trình cổ phần hóa đang chậm, khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 đang diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ rõ đó là do còn nhiều bộ ngành, địa phương chưa tích cực, chưa chủ động. Đồng thời, Thủ tướng lưu ý quy mô của thị trường vốn còn nhỏ khiến cho nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa gặp khó khăn.

Chậm vì nhiều cái khó

Tình trạng cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước chậm vẫn tái diễn, khi theo Bộ Tài chính, trong tháng 10/2017, cả nước chỉ CPH thêm được 1 doanh nghiệp. 10 tháng đầu năm nay, có 38 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH.

Như vậy, tiến độ sắp xếp, CPH doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra, khi năm nay dự kiến chỉ hoàn thành CPH được 38/44 doanh nghiệp nhà nước... Vì sự chậm trễ này mà các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thủ tướng.

Đáp lại mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội, khi lý giải nguyên nhân CPH chậm, người đứng đầu Chính phủ thẳng thẳn chỉ rõ, đó là do còn nhiều bộ ngành, địa phương chưa tích cực, chưa chủ động. Một số doanh nghiệp chưa quyết liệt, sợ CPH, thoái vốn. Các doanh nghiệp CPH quy mô lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, quy mô thị trường còn nhỏ, hấp thụ vốn còn hạn chế.

Trên thực tế, việc các “ông lớn” có vốn điều lệ lên đến hàng tỷ USD như: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); Tổng công ty Dầu Việt Nam; Tổng công ty Điện lực Dầu khí; Tổng công ty Lương thực miền Nam; các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam… đang xếp hàng CPH tạo ra nguồn cung hàng hóa lớn trên thị trường. Điều này gây áp lực lên sức cầu, khiến nhiều đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) khó thành công trọn vẹn.

Với vốn điều lệ sau CPH lên tới khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến IPO 11,88%, là người trong cuộc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn thừa nhận, một trong những cái khó khiến VRG khó hoàn thành CPH trong năm nay theo kế hoạch chính là lượng vốn chào bán công khai ra thị trường lớn, không biết nhà đầu tư có mua hết hay không. Sức cầu của thị trường tốt thì VRG sẽ IPO sớm (không muộn hơn quý I/2018) và muốn bán một lần cho gọn.

Trước tình trạng chậm trễ như trên, Chính phủ tỏ rõ sự quyết liệt.

“Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tạo chuyển biến rõ nét về quản trị, niêm yết trên thị trường chứng khoán là những việc làm cần thiết. CPH doanh nghiệp nhà nước không phải chỉ là thu hút vốn, nguồn lực mà còn góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cổ đông càng nhiều thì giám sát càng nhiều. Đây đều là chủ trương quan trọng mà Chính phủ tiếp tục triển khai trong thời gian gần đây”, Thủ tướng cho biết.

“Làm lớn” thị trường chứng khoán, cách nào?

Ý kiến của lãnh đạo Chính phủ cũng như các bộ ngành cho thấy, quá trình CPH vòng 1 (IPO) cũng như vòng 2 (nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp) đang gặp không ít khó khăn, thách thức do lượng cổ phần tung ra thị trường lớn, trong khi chưa có những cơ chế cải thiện sức cầu cho thị trường chứng khoán.

Trong một diễn biến có liên quan, khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, một trong những lý do khiến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chưa đạt yêu cầu là do đặc thù đặc thị trường vốn phát triển chưa có bước tiến mạnh. Điều này gây nên những khó khăn nhất định, dẫn đến kết quả cơ cấu lại hệ thống ngân hàng chưa như kỳ vọng.

Ý kiến từ phía chuyên gia chứng khoán cho rằng, thực tế cho thấy, tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trụ cột là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, đầu tư công đang phải cậy nhờ đáng kể vào sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, với quy mô đạt trên 100% GDP, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhỏ, nên khó đảm đương sứ mệnh hỗ trợ hiệu quả cho tái cơ cấu nền kinh tế. Bởi vậy việc thành công trong thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nói chung, CPH doanh nghiệp nhà nước nói riêng đạt được những bước tiến dài.

Muốn vậy, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đi kèm với nỗ lực tạo những tiền đề cần thiết để sớm nâng hạng được thị trường từ cận biên lên mới nổi; tạo ra cơ chế ưu đãi về thuế, đặc biệt là đối với các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, quỹ hưu trí, để hút các dòng vốn trong và ngoài nước tham gia thị trường; hình thành cơ chế để dịch chuyển dòng vốn trong dân đang chủ yếu gửi tiết kiệm sang đầu tư vào thị trường chứng khoán...

Tin bài liên quan