Khó khăn đã chiết khấu vào giá

Khó khăn đã chiết khấu vào giá

(ĐTCK) Theo khảo sát của Tổng cục thống kê Việt Nam thực hiện hàng quý, tình hình kinh doanh của các DN có chiều hướng khó khăn hơn trong quý I/2019. 

Có 25,8% DN khảo sát đánh giá, quý I/2019 khó khăn hơn quý IV/2018, cao hơn quý I của năm 2017 và 2018 (24,5% và 24,6%). Tỷ lệ này chỉ cao hơn một chút so với các năm trước cho thấy, mức độ khó khăn là có nhưng không quá lo lắng.

Kết quả khảo sát này tương đồng với kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch kinh doanh năm 2019 mà các DN niêm yết vừa công bố. Nhìn chung, số DN đặt kế hoạch lợi nhuận cao hơn năm ngoái chiếm tỷ trọng chỉ khoảng 30% so với các DN cùng nhóm ngành.

Trong khi đa số các DN đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng khảng 10% thì cũng số DN này đặt kế hoạch lợi nhuận tương đương năm 2018 hoặc thấp hơn khoảng 5 đến 20%.

Thực tế trên phản ánh, mặc dù vẫn tăng trưởng về doanh thu và hàng bán nhưng lợi nhuận của các DN không tăng tương ứng do DN gặp áp lực cạnh tranh lớn hơn khiến chi phí đầu vào tăng cao. Một số DN vốn hướng đến phân khúc cao với dịch vụ, sản phẩm tốt hơn và giá cao hơn tương ứng cũng đã chấp nhận giảm bớt tỷ suất lợi nhuận để giữ thị phần.

Ðáng chú ý là các yếu tố vĩ mô như lãi suất, tỷ giá, sức mua của thị trường đang khá ổn định. Lạm phát trong quý I tăng 0,69% so với cuối năm 2018 nhưng theo bộ phận phân tích của SSI, đây là quý có chỉ số CPI tăng thấp nhất trong 4 năm kể từ 2016.

Việc tăng giá xăng dầu và giá điện hiện nay có thể phản ánh vào CPI trong quý tiếp theo. Tuy nhiên, các yếu tố lãi suất, tỷ giá không bị tác động trong năm nay nên DN không quá lo ngại rủi ro từ các yếu tố này.

Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô khá ổn định, tăng trưởng của DN phụ thuộc nhiều vào nội tại. Hầu hết các DN dù đặt kế hoạch tăng trưởng hay tương đương hoặc thấp hơn một chút so với năm ngoái đều phải có giải pháp mới về chiến lược, sản phẩm để thực thi mục tiêu kinh doanh.

Phát triển thêm ngành hàng mới là câu chuyên của Masan, Thế giới Di động…; mua bán sáp nhập DN cùng ngành hay mở rộng chuỗi giá trị là kế hoạch của Vinamilk hay Vietjet…, mở rộng quy mô, tăng công suất là việc Hòa Phát đang dồn lực làm. Các DN bất động sản thì chạy đua mở rộng ra các tỉnh hoặc chớp các dự án nghỉ dưỡng còn lại…

Trên TTCK, tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” vẫn là chủ đạo. Nhiều nhà đầu tư sau khi bán đứng ngoài thị trường, chưa phải vội vàng mua vào vì với tình hình năm nay, việc DN niêm yết có khả năng đạt mục tiêu kinh doanh hay không phải chờ quý sau mới rõ.

Dù vậy, không có gì quá lo ngại để phải bán cổ phiếu ở giá thấp hơn mặt bằng giá hiện nay. Nhiều cổ phiếu mà sau khi DN chia tách, thưởng cổ phiếu thì giá sẽ điều chỉnh về dưới mệnh giá như LDG (chia cổ tức 25%, giá về 9.300 đồng/cổ phiếu, TDH (chia cổ tức 10% và 15% cổ phiếu thưởng, giá về 9.500 đồng/cổ phiếu)… Ðây là những cơ hội đáng chú ý.

Một tín hiệu đáng mừng là nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng. Theo HOSE, từ đầu năm khối ngoại mua ròng hàng nghìn tỷ đồng. Việc mua của những nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể vì họ không chịu ảnh hưởng bởi tâm lý chung, nhưng cũng có lý do các nhà đầu tư muốn đón sớm cơ hội từ sản phẩm mới - CW mà Sở GDCK TP. HCM dự kiến thực hiện vào tháng 6 tới.

Mặc bằng giá hiện nay đã phản ánh những dự báo về kết quả kinh doanh khó khăn hơn của quý I và cả năm 2019. Năm nay, cơ hội không dành cho cả thị trường mà sẽ nằm ở từng DN có kế hoạch thay đổi để tăng trưởng.

Những DN không có sự thay đổi rõ ràng và khả thi sẽ không thu hút được dòng tiền đầu tư, dù có thể vẫn duy trì được doanh thu và lợi nhuận.

Thay đổi và tìm giải pháp mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện năm nay sẽ cho hiệu quả vào năm sau. Ðầu tư bây giờ là để đón chu kỳ tăng trưởng khởi sắc.

Tin bài liên quan