Sau khủng hoảng, các DN ngành dệt may và vật liệu xây dựng có cơ hội phát triển mạnh.

Sau khủng hoảng, các DN ngành dệt may và vật liệu xây dựng có cơ hội phát triển mạnh.

Kết quả quý III: Bệ đỡ cho thị trường

(ĐTCK-online) Giá chứng khoán đã phần nào phản ánh kỳ vọng của NĐT về kết quả kinh doanh khả quan trong quý III của các DN niêm yết. Tuy nhiên, những thông tin chính thức vẫn được trông đợi và đó có thể là yếu tố củng cố niềm tin của NĐT vào xu hướng tăng của thị trường. Báo ĐTCK ghi nhận kết quả kinh doanh của một số DN niêm yết.

Ông Nguyễn thế phương, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính CTCP FPT

Dù năm 2009 được nhận định khó khăn song 9 tháng qua, kết quả kinh doanh của FPT rất khả quan, lợi nhuận theo ước tính sơ bộ đã vượt so với cả năm 2008. Đầu tháng 10, FPT đã phát hành thành công đợt trái phiếu có kèm chứng quyền với tổng giá trị phát hành là 1.800 tỷ đồng. Xét về chi phí vốn, mức lãi suất 7%/năm là rất thấp nếu so sánh với lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành cùng thời điểm ở mức 12%/năm đến 12,5%/năm cho năm đầu tiên và lãi suất thả nổi cho các năm tiếp theo.

Như vậy, về cấu trúc vốn, FPT đã tăng tỷ lệ đòn bẩy tài chính (nợ/vốn chủ sở hữu) từ mức 1 lần lên mức 1,5 lần và tỷ lệ nợ dài hạn/tổng nợ từ mức không đáng kể là 0,34% lên mức xấp xỉ 37%. Cấu trúc này tối ưu hơn và phù hợp hơn với chiến lược tăng trưởng và mở rộng quy mô của Tập đoàn. Nhờ vậy, FPT sẽ rất thuận lợi trong việc triển khai các dự án đầu tư hiệu quả, nhất là các dự án nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần trên các lĩnh vực kinh doanh chính. FPT sẽ rút ngắn được giai đoạn đầu tư, sớm đưa các dự án vào hoạt động và sinh lời, đóng góp vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn trong tương lai. 

 

Ông Nguyễn Trung Kiên, Kế toán trưởng CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP)

Quý III hoạt động sản xuất kinh doanh của NTP rất thuận lợi, lợi nhuận ít nhất cũng bằng quý II (quý II, NTP đạt lợi nhuận trước thuế 122 tỷ đồng - PV). Hiện chúng tôi đang tổng hợp số liệu, dự kiến sẽ công bố con số cuối cùng vào cuối tuần này. Giá nguyên liệu nhựa trên thị trường hiện tăng so với trước do giá dầu thô trên thế giới tăng. Diễn biến này có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của NTP, song mức độ không lớn. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy vẫn ổn định, có những thời điểm hàng sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu, hiện công suất của Nhà máy đạt trên 40.000 tấn/năm, trong khi công suất tối đa có thể tới 55.000 - 60.000 tấn/năm. Vì thế, nếu nhu cầu thị trường tăng, Nhà máy có thể tăng sản lượng.

Nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2009 của công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh cả năm với chỉ tiêu 1.130 tỷ đồng doanh thu, 35.500 tấn nhựa và 159 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, NTP đã đạt được 681 tỷ đồng doanh thu và 180 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. NTP cũng đã được UBND thành phố Hải Phòng chấp thuận dự án mở rộng mặt bằng sản xuất mới tại phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh với tổng diện tích là 13,5 ha (gấp hơn 4 lần diện tích mặt bằng hiện nay). Hiện nay dự án đang được triển khai, phấn đấu đến quý IV năm 2009 sẽ di chuyển được 1 phân xưởng sản xuất sang mặt bằng mới.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG)

Hết quý III/2009, lũy kế lợi nhuận sau thuế của TNG đạt 20 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận đạt kế hoạch đề ra thì doanh thu lại chỉ đạt 80%. Sở dĩ doanh thu thấp là do chúng tôi chuyển sang các mặt hàng gia công. Nói chung, năm 2009 là năm rất khó khăn, nhưng TNG sẽ đạt kế hoạch doanh thu 670 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 26 tỷ đồng. Hiện tình hình thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc khi chúng tôi ký được nhiều đơn hàng hơn.

Sau khủng hoảng thì DN ngành dệt may có cơ hội phát triển. Đón đầu cơ hội này, ngày 2/11, TNG sẽ khởi công thêm nhà máy mới với tổng mức đầu tư là 150 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là các sản phẩm của nhà máy sẽ do TNG sản xuất hoàn toàn, chứ không phải là gia công cho nước ngoài, nên giá trị gia tăng lớn hơn.

 

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC)

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của PPC ổn định, các chỉ tiêu về vận hành đều đạt kế hoạch. Trong tháng 9, lợi nhuận trước thuế của PPC trên 126 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng gần 1.000 tỷ đồng. Các số liệu chính thức về kết quả sản xuất - kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm năm 2009 sẽ được kiểm toán (Deloitte Việt Nam) soát xét và thông tin trong báo cáo tài chính quý III.

Ngày 20/9, theo lịch trả nợ, PPC đã thanh toán kỳ trả nợ lần 2 năm 2009 với số tiền gốc là 928.371.137 JPY. Khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ của PPP đến ngày 30/9/2009 là 34,349 tỷ JPY. Tỷ giá JPY/VND do Ngân hàng Nhà nước thông báo tại ngày 30/9 là 189,39, tức tăng 4,43 đồng/JPY so với ngày 31/12/2008. Theo quy định hiện hành, chênh lệch tỷ giá sẽ được xác định tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm, do đó PPC chưa thực hiện xác định chênh lệch tỷ giá.

Trong những tháng cuối năm thì doanh thu của PPC sẽ giảm do phải thực hiện việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, như cuối tháng 9 Công ty đã dừng tổ máy số 4 để sửa chữa, bảo dưỡng. Vì thế, lợi nhuận quý IV có thể giảm so với các quý trước, do doanh thu giảm và chi phí tăng.

 

Ông Vũ Duy Long, Kế toán trưởng CTCP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2)

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 28,24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 110% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2009, Công ty đạt 538,89 tỷ đồng doanh thu bằng 130% so cùng kỳ năm 2008. Theo Nghị quyết ĐHCĐ, VC2 đặt mục tiêu đạt 680,48 tỷ đồng doanh thu và 40 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, tính đến hết tháng 9, Công ty đã hoàn thành 79,2% kế hoạch doanh thu và 80,92% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Năm 2009, hoạt động xây lắp chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu và lợi nhuận của Công ty. Các dự án BĐS, Công ty đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện để có thể triển khai thi công trong năm 2010. Cuối tháng 9, VC2 đã chuyển trụ sở về tòa nhà văn phòng 14 tầng do Công ty làm chủ đầu tư tại 52 Lạc Long Quân. Với chuyển biến khả quan của nền kinh tế, tỷ lệ cho thuê văn phòng tại tòa nhà này đang tăng đáng kể.