Để làm tốt công tác IR, cần tạo nhiều kênh thông tin đến nhà đầu tư một cách minh bạch, kịp thời - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Để làm tốt công tác IR, cần tạo nhiều kênh thông tin đến nhà đầu tư một cách minh bạch, kịp thời - Ảnh minh họa: Hoài Nam

IR: Kinh nghiệm từ những người trong cuộc

(ĐTCK-online) Vừa từ Anh trở về trong chuyến công tác học tập kinh nghiệm của một quỹ đầu tư ở nước này, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư của Dragon Capital chia sẻ tại hội thảo "Nâng cao nhận thức toàn diện về quan hệ nhà đầu tư" rằng, ở các thị trường phát triển hơn, quan hệ với nhà đầu tư (IR) là công cụ trong cuộc chiến để giành nguồn vốn trên thị trường giữa các doanh nghiệp. Hội thảo này do CTCK Mê Kông phối hợp với Sở GDCK TP. HCM tổ chức tại TP. HCM vừa qua.

>> IR - Những vấn đề thường gặp

Ông Điền cho biết, một quỹ đầu tư ở Anh mà ông đến thăm chỉ có 20 nhân viên, nhưng một năm họ tiếp xúc được với 1.500 công ty, một con số rất đáng kinh ngạc. Tìm hiểu kỹ mới biết, một nửa trong số 1.500 công ty này đến văn phòng của Quỹ để làm việc, trao đổi thông tin. Có công ty cử giám đốc, giám đốc bộ phận quan hệ cổ đông cùng với nhân viên CTCK tư vấn bay từ Philippines sang Anh để làm việc với Quỹ.

Điều này khác hẳn với thực tế ở Việt Nam, khi mà những quỹ đầu tư như DC chủ yếu phải dành thời gian xuống tận doanh nghiệp để được trao đổi thông tin.

Theo các diễn giả tham gia hội thảo, phần lớn nhận thức của doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam về công tác IR còn hạn chế và thiếu kinh nghiệm trong công tác này.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Giám đốc Đầu tư CTCK Mê Kông cho rằng, 60% giá trị doanh nghiệp được chuyển tải qua con số tài chính, 20% đến 40% còn lại phụ thuộc vào nhận thức, hiểu biết của nhà đầu tư về những giá trị vô hình của doanh nghiệp.

Bà Bùi Nguyễn Phương Châu, Trưởng ban IR của CTCP FPT chia sẻ, nhận thức của FPT về tầm quan trọng của công tác IR là một quá trình. Trong quá trình đó, FPT cũng phải trả giá bằng những bài học là suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào Công ty trong quá khứ. Cụ thể, khi nhiều lãnh đạo Công ty đều công bố bán cổ phiếu một lúc "không ai bảo ai" khiến cổ đông nghi ngờ. Ba tháng sau, Chủ tịch HĐQT mới trả lời cổ đông về vấn đề này. Sự xuất hiện tuy muộn, nhưng là cần thiết. Bài học được rút ra là, FPT đã là "người của công chúng", nhưng các lãnh đạo vẫn hành xử như "công ty là của mình".

Kể từ sau sự cố năm đó, công tác IR của FPT được tổ chức tốt hơn bằng việc lập trang web, đề ra các quy định, nhưng bước đầu cũng chỉ là "IR bị động" khi cổ đông hỏi gì, Công ty trả lời đó. Từ giai đoạn 2009 - 2010 trở lại đây, Công ty bắt đầu chuyển sang thế chủ động hơn trong công tác IR. Hoạt động IR do Giám đốc Tài chính chỉ đạo và khi có thông tin quan trọng cần được công bố thì xin ý kiến HĐQT.

Bà Phạm Thị Việt Nga, Giám đốc CTCP Dược Hậu Giang (DHG) cho biết, kinh nghiệm của một đơn vị ở tỉnh xa, nhưng vẫn làm tốt công tác IR, đó là tạo nhiều kênh thông tin đến nhà đầu tư từ website, lập báo cáo thường niên, qua báo chí, đến tham gia các buổi hội thảo do CTCK và quỹ đầu tư tổ chức, tổng giám đốc thường xuyên tham gia các buổi đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư. Ở DHG, hoạt động IR được xây dựng dựa trên quan điểm minh bạch, trung thực, rõ ràng, kịp thời, cởi mở, dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp cận thông tin, hướng đến tương lai nhiều hơn quá khứ, thận trọng trong dự báo, quan tâm quản trị rủi ro.

DHG tổ chức gặp mặt nhà đầu tư lớn hàng năm để thông tin, lắng nghe ý kiến góp ý về chiến lược phát triển và dự án của Công ty. "Áp lực tạo công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên đã lớn, nhưng áp lực làm sao để người đầu tư vào Công ty không bị lỗ, cổ đông hài lòng còn lớn hơn", bà Nga nói.

Ông Điền chia sẻ kinh nghiệm, công ty nào thường xuyên trao đổi thông tin với nhà đầu tư thì thanh khoản cổ phiếu tốt hơn. Nhưng ngoài cổ đông, công ty cũng cần xây dựng hình ảnh của mình đối với những chủ thể có liên quan như cơ quan quản lý, CTCK, đối tác. Khi chuyển tải thông tin, điều mà doanh nghiệp cần lưu ký là quản trị kỳ vọng của nhà đầu tư về các thông tin tài chính. Khi đưa ra báo cáo kết quả kinh doanh quý, doanh nghiệp cần đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch năm, dù kết quả quý đó có hoàn thành hay không hoàn thành kế hoạch. Có một số doanh nghiệp quý đầu năm vẫn đạt kết quả tốt, nhưng đến cuối năm lại không hoàn thành kế hoạch do điều kiện kinh doanh thay đổi khiến cổ đông thất vọng.

Ông Điền lưu ý, nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm 15 đến 20% giá trị giao dịch hàng ngày của thị trường, nên giá và thanh khoản của một cổ phiếu sẽ phụ thuộc phần lớn vào kỳ vọng của số đông nhà đầu tư cá nhân trên thị trường với doanh nghiệp đó. Vì vậy, hoạt động IR của công ty niêm yết nên đặt trọng tâm vào nhà đầu tư cá nhân.

Với kinh nghiệm làm IR tại FPT, bà Châu cho rằng, chi phí không phải là vấn đề quan trọng trong công tác IR, mà là cách làm IR và chất lượng thông tin. FPT đã tổ chức gặp mặt nhà đầu tư tại một khách sạn 5 sao và tại trụ sở Công ty, thì đánh giá mức độ hài lòng của các nhà đầu tư về hai cuộc gặp này là như nhau. Mấu chốt thành công của công tác IR chính là ở nhận thức của HĐQT và Ban tổng giám đốc công ty.