IR đang tạo dựng những giá trị dài hạn cho cổ đông

IR đang tạo dựng những giá trị dài hạn cho cổ đông

(ĐTCK) Một doanh nghiệp muốn giữ chân cổ đông hiện hữu và thu hút thêm ngày càng nhiều cổ đông mới thì không thể không quan tâm đến công tác quan hệ nhà đầu tư (IR). Thực tế, hoạt động IR đang được nhiều doanh nghiệp “làm mới”.

Trách nhiệm của doanh nghiệp

IR là hoạt động chuyên biệt trong hoạt động quan hệ công chúng (PR) của doanh nghiệp, bao gồm hai nghiệp vụ tài chính và truyền thông, có vai trò xây dựng chiến lược cổ đông, công bố thông tin, cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời quảng bá hình ảnh doanh nghiệp.

Giá cổ phiếu của doanh nghiệp là do nhà đầu tư quyết định, mà thông tin chính là nền tảng cho mọi quyết định của nhà đầu tư.

Ông Lê Tiến Ðông, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Chứng khoán, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Ðô (HDG) chia sẻ, công tác IR là việc làm có tính thường xuyên và lâu dài, thể hiện trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin liên tục, kịp thời và khách quan về mọi khía cạnh của doanh nghiệp.

Quản trị tiên tiến không thể ra ngoài sự minh bạch, cũng không thể bỏ qua quyền của cổ đông trong việc tiếp cận thông tin. Bình đẳng trong tiếp cận thông tin không chỉ hàm ý mọi cổ đông lớn hay nhỏ đều được tiếp cận thông tin như nhau trong một thời điểm.

Bình đẳng còn thể hiện ở chỗ, thông tin xấu hay tốt cũng phải được công bố một cách kịp thời và dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất đến mọi cổ đông.

“Doanh nghiệp thuộc về cổ đông và quan điểm này của tôi được Hội đồng quản trị đồng tình. Chúng tôi chưa bao giờ từ chối, né tránh các cổ đông về vấn đề chất lượng thông tin hay các thông tin tiêu cực về hoạt động của Công ty”, ông Ðông nói.

Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Ðầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) cho biết, nếu như giai đoạn trước, DIG có phần “thầm lặng” trong công tác IR, thì vài năm trở lại đây, Công ty đẩy mạnh hoạt động này, thông qua các cuộc gặp gỡ, chia sẻ với nhà đầu tư từng quý hoặc bán niên để nhà đầu tư nắm rõ hơn về tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Ðặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc chia sẻ thông tin của doanh nghiệp kịp thời đến nhà đầu tư có ý nghĩa rất lớn, để các cổ đông không hoang mang; mặt khác, cổ đông chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải.

“Công ty đã có định hướng xuyên suốt hơn về cách làm IR chủ động, minh bạch để nhà đầu tư nắm được chiến lược và giá trị của Công ty”, ông Tăng cho hay.

Ngay trong tâm điểm đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng có những thông điệp “trấn an”.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) chia sẻ, việc gửi thông điệp đến toàn thể cán bộ, nhân viên, cổ đông về các đối sách trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu giúp HBC sớm đồng bộ triển khai mô hình quản lý mới, từ đó khắc phục được những tồn tại, yếu kém đã được nhận dạng.

Song song với các giải pháp mang tính chiến lược cho hàng thập kỷ, Công ty đã chuẩn bị những biện pháp vừa phù hợp với việc phát triển lâu dài, vừa đáp ứng cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp có quan điểm rằng, cứ âm thầm làm việc rồi nhà đầu tư sẽ hiểu qua kết quả kinh doanh, nhưng nay đã coi trọng hơn việc gặp gỡ nhà đầu tư, trao đổi thông tin. Từ đó, nhà đầu tư hiểu sâu hơn về doanh nghiệp và hình ảnh của doanh nghiệp cũng sáng hơn trong mắt nhà đầu tư.

Mức độ quan tâm của các doanh nghiệp với hoạt động IR đang ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ nét qua số lượng doanh nghiệp tiến hành bổ sung thông tin về các hoạt động IR lên trang web ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó là số lượng lớn các hội thảo được tổ chức với sự hợp tác giữa công ty chứng khoán và bộ phận IR của doanh nghiệp, nhằm thông tin kịp thời cho nhà đầu tư về các hoạt động kinh doanh đang diễn ra tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp tiến hành thông báo kết quả kinh doanh theo tháng tăng lên.

Một trong những chuyển biến tích cực trong công tác IR của các doanh nghiệp niêm yết thể hiện rõ nét nhất ở chất lượng báo cáo thường niên được nâng tầm về hình thức và chất lượng nội dung.

Những doanh nghiệp có hoạt động IR chuyên nghiệp như Vinamilk, Dược Hậu Giang, FPT, Tập đoàn Bảo Việt... từng chia sẻ, công tác IR tốt đi kèm với sự sáng tạo và tất nhiên phải “chịu chi”, trong đó tốn kém nhất trong công tác IR là chi phí lập báo cáo thường niên và tổ chức họp đại hội đồng cổ đông.

Với các doanh nghiệp có bộ phận IR chuyên nghiệp, hoạt động này được tổ chức thường xuyên và bài bản. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp “khoán" cho công ty chứng khoán thực hiện, thông qua các hợp đồng công bố thông tin, tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư, gặp gỡ nhà đầu tư… Và đây chính là mảng dịch vụ gia tăng cho các công ty chứng khoán khai thác.

Phải gắn liền với hiệu quả

Lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết chia sẻ, bất cứ làm việc gì thì điều doanh nghiệp quan tâm là hiệu quả và IR cũng vậy.

Quan tâm đúng mức, không phải là việc liên tục đưa ra các thông tin tích cực về doanh nghiệp, hay tăng cường hoạt động IR trong những dịp cần thiết, mà là hiểu cổ đông, hiểu biến động của đời sống kinh tế - xã hội để chủ động cung cấp thông tin cổ đông cần.

Không nên làm cổ đông “ngán” về số lượng thông tin tràn ngập mà hàm lượng, chất lượng thông tin thấp. Cũng không nên làm cổ đông chán vì những thông tin có tính khoa trương, lặp đi lặp lại, dù hay dù, tốt đến mấy.

“Chúng tôi coi trọng kênh IR với báo chí, vì báo chí, nhất là các báo về tài chính, chứng khoán, vì am hiểu mong muốn của cổ đông, dư luận xã hội và là cầu nối hiệu quả nhất giúp chúng tôi tiếp xúc với cộng đồng nhà đầu tư”, lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.

Ông Ðào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank cho rằng, để công tác IR hiệu quả hơn, bộ phận IR cần mở rộng nhiều hoạt động đẩy mạnh quan hệ với nhà đầu tư và các bên khác như ngày hội chuyên viên phân tích (analyst meeting), các chuyến thăm doanh nghiệp cho nhóm nhà đầu tư/chuyên viên phân tích, viết báo cáo phân tích doanh nghiệp chất lượng, hội nghị nhà đầu tư, giới thiệu các đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu…, bên cạnh các hoạt động truyền thống khác.

Chất lượng thông tin công bố cũng cần được nâng cao. Cụ thể, thông tin không nên gói gọn với một vài con số doanh thu, lợi nhuận đột biến, mà phải bao gồm những thông tin về ngành nghề kinh doanh mà các nhà đầu tư khó tiếp cận, những phân tích xu hướng và so sánh với quá khứ, với doanh nghiệp cùng ngành, triển vọng kinh doanh, tiến độ sản phẩm/dự án trong ngắn và dài hạn, định hướng kinh doanh chiến lược, cách vượt qua các thách thức của thị trường…

Về cách thức tiếp cận nhà đầu tư, các doanh nghiệp nên có sự thay đổi phù hợp với xu hướng hiện đại.

Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể tận dụng các nền tảng công nghệ hiện đại hay mạng xã hội để tiếp cận nhà đầu tư với chi phí thấp. Hiện một số doanh nghiệp niêm yết đã truyền hình trực tiếp buổi giới thiệu cơ hội đầu tư thông qua Webcast, Facebook, YouTube.

Hoạt động IR được triển khai đồng bộ không chỉ tạo kênh kết nối thông tin với cổ đông, nhà đầu tư, mà còn đảm bảo khả năng phản ứng nhanh nhạy với thông tin, ứng xử kịp thời và chuyên nghiệp trong việc công bố thông tin ra công chúng.

Từ đó, doanh nghiệp xây dựng chiến lược và cách thức triển khai IR nhằm mang lại hiệu quả về nhiều mặt.

Lợi ích lớn nhất mà doanh nghiệp nhận được là sự tín nhiệm từ cổ đông. Có những doanh nghiệp làm IR tốt trở thành thước đo, sự cam kết để có thể thuận lợi làm việc với các đối tác chiến lược. IR không thể tách rời công tác quản trị, bởi sự gắn kết này góp phần giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu lớn, tạo ra những giá trị dài hạn cho cổ đông.

Có những doanh nghiệp thực hiện đơn thuần vì cổ đông, nhưng chính sự sáng tạo của doanh nghiệp đã được vinh danh.

Dĩ nhiên, những doanh nghiệp có công tác IR tốt nhất, ngoài việc phải bảo đảm chấp hành đầy đủ và kịp thời các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán thì còn phải vượt qua được vòng đánh giá khắt khe về hoạt động IR từ các định chế tài chính chuyên nghiệp, cũng như nhận được sự bình chọn nhiều nhất từ cộng đồng nhà đầu tư.

Tin bài liên quan