Hụt hẫng với T+0

Hụt hẫng với T+0

(ĐTCK) Cơ chế giao dịch trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về được coi là “linh hồn” của Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên TTCK ban hành ngày 21/12/2015, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016.

Đây là các giải pháp mà giới đầu tư, các thành viên thị trường chờ đợi nhiều năm qua, với kỳ vọng khi được triển khai sẽ là “ngòi nổ” cho sự sôi động của thị trường nhờ vòng quay của dòng tiền được giải phóng. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký chứng khoán vừa cho biết, chưa xác định được thời điểm triển khai 2 nghiệp vụ trên.

Thông tin này khiến cả giới đầu tư và các thành viên thị trường hụt hẫng!

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty chứng khoán (CTCK) chia sẻ, từ lâu, Công ty đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng triển khai T+0 và bán chứng khoán chờ về. Hai nghiệp vụ này sẽ giúp thị trường sôi động và mang lại sức sống mới cho các CTCK. Trong đó, những công ty có khả năng tham gia triển khai 2 nghiệp vụ mới ngay từ đầu sẽ có cơ hội gia tăng khách hàng, cũng như doanh thu, lợi nhuận. Theo đó, sự phân hóa trong khối CTCK sẽ diễn ra nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc khối trung gian tài chính trên thị trường.

Trong khi đó, ý kiến từ giới đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân cho thấy, T+0 và bán chứng khoán chờ về là các nghiệp vụ mà nhà đầu tư đang có nhu cầu sử dụng cao. Họ cho rằng, những nghiệp vụ này sẽ mang lại lợi ích trực diện, sát sườn hơn nhiều so với các sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF, quỹ trái phiếu, quỹ bất động sản, hay tới đây là chứng khoán phái sinh.

Phó tổng giám đốc một CTCK cho biết, qua tiếp xúc gần đây với các nhà đầu tư nước ngoài, họ than phiền về phương thức giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam chậm được cải cách theo thông lệ quốc tế. Nếu T+0 và bán chứng khoán chờ về chậm được triển khai, họ có thể xem xét rút vốn đầu tư ra khỏi thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội ở những thị trường lân cận có phương thức giao dịch thông thoáng hơn. Thực tế, hai thị trường chứng khoán có lịch sử kém Việt Nam cả chục năm là Campuchia và Lào cũng đã cho phép bán chứng khoán chờ về.

Nhiều CTCK và nhà đầu tư mong rằng, cơ quản quản lý cần thúc đẩy hoàn thiện hệ thống thanh toán, bù trừ để sớm triển khai T+0, bán chứng khoán chờ về. Nên coi đây là ưu tiên hàng đầu trong triển khai các giải pháp cải cách thị trường chứng khoán năm nay. Trước hết, phải đưa ra định hướng triển khai rõ ràng để các CTCK xây dựng hệ thống phục vụ cho giao dịch T+0 và bán chứng khoán chờ về trong bài toán tổng thể về hạ tầng công nghệ phục vụ các sản phẩm mới, mà trước mắt là thị trường chứng khoán phái sinh.

Những cải cách về mặt cơ chế, chính sách cho thị trường chứng khoán trong thời gian qua là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý, nhưng cần nhanh chóng đưa những cải cách đó, điển hình là giải pháp T+0 và bán chứng khoán chờ về, vào áp dụng trong thực tế. Nếu vì khó mà dẫn đến việc triển khai chậm trễ, hoặc không có lộ trình cụ thể, thì những cải cách “trên giấy” đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư, dẫn đến những hệ quả không chỉ trong lĩnh vực chứng khoán, mà có thể đối với nhiều ngành, lĩnh vực khác và mục tiêu đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế có thể phải mất thêm nhiều năm mới đạt được.

Tin bài liên quan