HOSE kiến nghị với Quốc hội về Thông tư 36

HOSE kiến nghị với Quốc hội về Thông tư 36

(ĐTCK) Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã gửi đến Quốc hội 4 kiến nghị chính liên quan đến phát triển TTCK trong buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vào cuối tuần trước.

Theo HOSE, TTCK qua 15 năm phát triển đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả. Cụ thể, qua các đợt phát hành, doanh nghiệp huy động được 141.000 tỷ đồng, tính theo giá trị vốn hóa cuối năm 2014 thì tương đương khoảng 368.000 tỷ đồng, chiếm 37,4% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Trung bình cứ 1 cổ phiếu sau khi lên niêm yết, doanh nghiệp phát hành thêm được 1 cổ phiếu mới. Đến cuối năm ngoái, 6 ngân hàng niêm yết đã tăng 57,5% quy mô cổ phiếu so với trước khi lên niêm yết. Vì thế, HOSE kiến nghị, cần quyết liệt thực hiện chính sách cổ phần hóa.

Rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp vừa qua, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT HOSE cho rằng, cần sử dụng tổ chức tư vấn bảo lãnh phát hành theo thông lệ quốc tế để các đợt IPO thành công hơn.

“Chúng ta đang làm ngược lại so với thế giới, là cứ đưa ra bán một khối lượng cổ phần nhất định, mà không đánh giá thị trường có hấp thụ được lượng cổ phần này hay không”, ông Trà nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo HOSE, cổ phần hóa cần gắn với niêm yết theo thông lệ quốc tế. Cần đưa các tổng công ty, tập đoàn lớn như Vinatex, Đạm Cà Mau, Vietnam Airlines… lên niêm yết thẳng như trước đây để nâng cao vị thế doanh nghiệp, uy tín quốc gia. Đồng thời, việc niêm yết trên TTCK cũng thúc đẩy các doanh nghiệp này tiếp tục nâng cao tính minh bạch, trình độ quản trị kinh doanh, quảng bá thương hiệu cũng như thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HOSE cho biết, trong quá trình hội nhập ASEAN, TTCK Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng nhất trong khu vực, vì có khối lượng doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa đồ sộ chưa lên sàn chứng khoán.

Liên quan đến tiến trình tái cấu trúc TTCK, HOSE cũng đề xuất việc hợp nhất 2 sở GDCK cần tiến hành sớm; đồng thời, tái cấu trúc hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là thị trường cổ phiếu tập trung. Việc tập trung thị trường cổ phiếu có thể làm ngay để tăng sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam, đặc biệt vốn đầu tư quốc tế, bên cạnh giải pháp về nới sở hữu đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ có ngay một thị trường cổ phiếu duy nhất với giá trị vốn hóa khoảng 55 tỷ USD (so với 48 tỷ USD của HOSE hiện nay).

Liên quan đến Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước, HOSE khuyến nghị, nên có lộ trình thực hiện cho các ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu tránh tạo ra cú sốc cho TTCK. Về quan điểm quản lý, theo HOSE, cần xem việc nhà đầu tư chứng khoán sử dụng vốn vay ngân hàng làm vốn lưu động cho hoạt động giao dịch mua bán cổ phiếu hàng ngày là bình thường. Vốn đầu tư cổ phần, góp vốn đầu tư là nguồn vốn dài hạn. Cung cấp vốn lưu động cho hoạt động đầu tư ngắn hạn là chức năng của thị trường tiền tệ, có cần thiết giới hạn tỷ lệ hay không? 

Một điểm cần đánh giá lại trong Thông tư 36, theo HOSE, là tỷ lệ vốn vay ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn nâng lên tới 60%. Như vậy, thị trường tín dụng đã làm thay chức năng của thị trường vốn.

Tại buổi làm việc, Đại biểu Quốc hội TP. HCM Trần Du Lịch nhấn mạnh, không để thị trường tiền tệ làm thay chức năng của thị trường vốn.

“Các ngân hàng đang “một mình một chợ” trong cấp vốn trung và dài hạn, nên lãi suất giảm chậm. TTCK phải là kênh huy động vốn chính. Nếu không thay đổi được cấu trúc này thì không thể tái cấu trúc được thị trường tài chính”, ông Lịch nói.

Ông Trần Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chia sẻ, yêu cầu của nền kinh tế Việt Nam là cần phát triển thị trường tài chính đồng bộ và hiệu quả. Lo lắng nhất hiện nay là thị trường tiền tệ phát triển theo kiểu truyền thống, còn thị trường vốn phát triển còn khiêm tốn so với các chỉ số của nền kinh tế.

Theo ông Sinh, tín hiệu đáng mừng trên TTCK là giá trị giao dịch bình quân hàng ngày năm sau cao hơn năm trước, giá trị vốn hóa tăng, số công ty niêm yết tăng, đã có sự đồng hành của TTCK với thị trường tiền tệ trong huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Vì vậy, ông Sinh kiến nghị, các chính sách phát triển thị trường vốn cần phải cởi mở hơn nữa để tiếp tục mở rộng kênh huy động vốn cho thị trường.

Tin bài liên quan