Hơn 100 công ty đã về đích sớm

Hơn 100 công ty đã về đích sớm

(ĐTCK) Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, năm 2017 đầy thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khép lại, với việc chỉ số VN-Index đã liên tục thiết lập những đỉnh cao mới chưa từng thấy kể từ đầu năm 2008. Tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã cán đích và tiếp tục nỗ lực vượt kế hoạch đề ra.

11 tháng thăng hoa của thị trường

Trong thời gian qua, VN-Index duy trì đà leo dốc chủ yếu nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và có tỷ trọng cao trong chỉ số. Vì vậy, không loại trừ sẽ có những phiên chốt lời trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm, VN-Index sẽ không giảm sâu trong tháng cuối năm và khá lạc quan cho triển vọng của năm 2018 do các yếu tố vĩ mô thuận lợi như: (1) Tín dụng sẽ gia tăng trong các tháng cuối năm; (2) thị trường ngoại hối ổn định và được hỗ trợ từ thặng dư thương mại; (3) Chính phủ tiếp tục đưa ra nhiều chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cao 6,5-6,7% cho năm 2018, song song với kiềm chế lạm phát ở mức thấp.

Dù có thể cho rằng, ảnh hưởng tích cực của “tháng APEC 2017” với nhiều ký kết thỏa thuận quan trọng đã mang tới triển vọng tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp nói riêng, cũng như phát triển kinh tế ở Việt Nam nói chung, thì nhân tố chính kích thích thị trường tăng mạnh vẫn là sự tăng giá đáng kinh ngạc của cổ phiếu VNM trên sàn giao dịch, sau khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đấu giá thành công trong đợt thoái vốn. Cụ thể, Quỹ Jardine C&C đã mua trọn 3,3% số lượng cổ phiếu VNM ở mức giá 186.000 đồng/cổ phần.

Những điều trên chứng tỏ, dòng vốn ngoại luôn dồi dào và sẵn sàng vào thị trường Việt Nam. Vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam trong quý III/2017 đạt 441 triệu USD. Riêng trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE),  trong 11 tháng của năm 2017, khối ngoại đã mua ròng trên 1 tỷ USD. Trong đó, ngành thực phẩm và đồ uống vẫn là ngành dẫn đầu trong việc thu hút vốn ngoại.

Hơn 100 công ty hoàn thành kế hoạch

Về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, thống kê của chúng tôi tính đến hết quý III/2017 cho thấy, có hơn 100 công ty niêm yết đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017 và gần 200 công ty đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Bên cạnh đó, quý IV vẫn là quý chiếm tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận cao của các ngành tiêu dùng, tài chính… nhờ vào mùa mua sắm cuối năm. Ngoài ra, cơ hội cũng sẽ đến từ hoạt động tiếp tục thoái vốn của SCIC, vốn được dự báo sẽ thúc đẩy nhanh hơn rất nhiều trong tháng cuối năm 2017. Với thành công ấn tượng trong lần bán vốn gần nhất của SCIC tại Vinamilk, chúng tôi cho rằng, điều này sẽ tạo ra những “cơ hội lớn” cho các đợt thoái vốn tiếp theo tại BMP, FPT, DMC… và đây cũng là những cơ hội “khó có lại” trong tương lai.

Năm 2017, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng rõ ràng tăng trưởng tốt và được kỳ vọng cao hơn trong năm 2018. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của 12 ngân hàng niêm yết tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ vào thu nhập lãi tăng trưởng 26% và thu nhập phí tăng 48%. Chúng tôi tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao 18 - 20% cho năm 2018.

Chưa kể, triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2018 còn nhờ vào quyết tâm cao trong việc xử lý nợ xấu, tái cấu trúc tổ chức tín dụng yếu kém, giảm sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng và nâng cao chất lược cán bộ chủ chốt trong ngành ngân hàng.

Cụ thể, Nghị Quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực từ tháng 8/2017 đã đưa ra nhiều chính sách mới thiết thực nhằm tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu cũng như tài sản đảm bảo. Việc này càng giúp khai thông dòng vốn vào nền kinh tế, giúp cho triển vọng năm 2018 thêm tích cực.

Tin bài liên quan