Hiệu ứng tháng Giêng

Hiệu ứng tháng Giêng

(ĐTCK) TTCK Việt Nam chào đón năm 2013 với hai phiên giao dịch mở màn tăng điểm, liệu có trở thành tháng Giêng thứ ba liên tiếp tăng điểm?

Hiệu ứng tháng Giêng (Janury Effect) là thuật ngữ trên TTCK thế giới chỉ việc thị trường thường có diễn biến khả quan hơn vào tháng đầu tiên của năm mới.

Tháng Giêng tại thị trường Mỹ

Theo thống kê trên TTCK Mỹ từ năm 1945 đến nay, nếu trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới thị trường tăng điểm, thì 74% là thị trường trong năm đó sẽ tăng với mức tăng trung bình trên 10,2%. Còn nếu tháng Giêng thị trường tăng thì 73% là thị trường sẽ tăng trong vòng 12 tháng sau đó. Vì thế, thuật ngữ “hiệu ứng Tháng Giêng” ra đời cho rằng, sự tăng giảm của TTCK vào tháng Giêng sẽ ảnh hưởng lớn đến xu hướng thị trường trong cả năm.

Hiệu ứng tháng Giêng ảnh 1

Tháng Giêng 2 năm vừa qua, VN-Index đều tăng điểm

Lý thuyết tài chính hành vi giải thích diễn biến khả quan của TTCK trong tháng Giêng như: vào dịp cuối năm, nhiều NĐT bán ra cổ phiếu để hiện thực hoá lợi nhuận hoặc cắt lỗ nhằm tránh phải nộp thuế, khiến thị trường giảm giá và bật lại trong tháng Giêng; đầu năm cũng là dịp người đi làm nhận được tiền thưởng sau cả năm làm việc nên có thể đầu tư trở lại TTCK, hỗ trợ cho thị trường tăng điểm; các nhà đầu tổ chức tái cơ cấu danh mục và giải ngân vào thị trường…

 

VN-Index tăng trung bình 5,47% trong tháng Giêng

Các con số thống kê cho thấy, giai đoạn năm 2001- 2012, vào tháng Giêng, TTCK Việt Nam thường diễn biến tích cực, dù có 6 lần tăng và 6 lần giảm. Quãng thời gian này có thể chia làm hai giai đoạn. Từ năm 2001 tới tháng Giêng năm 2006, lúc này quy mô TTCK khá nhỏ, mối quan tâm chung đối với TTCK còn hạn chế. VN-Index có đồng đều 3 lần tăng và 3 lần giảm trong tháng Giêng. Tuy nhiên, VN-Index đã có lúc tăng rất mạnh, lên tới 26,7% (năm 2004) hay 16,74% (năm 2001). Trong khi đó, năm mất điểm nhiều nhất trong tháng đầu tiên chỉ là 10,42% (năm 2002). Đây cũng là mức sụt giảm lớn nhất của VN-Index vào tháng Giêng trong suốt 12 năm qua.

 

Giai đoạn 2, từ đầu năm 2007 tới năm 2012, lúc này quy mô của TTCK Việt Nam đã thay đổi, mối quan tâm của cả xã hội với TTCK tương đối cao. VN-Index cũng có 3 lần tăng và 3 lần giảm trong tháng đầu tiên của năm. Vào tháng Giêng năm 2007, VN-Index tăng 40,48% - mức tăng ấn tượng nhất trong 1 tháng từ trước tới nay. Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế , 3 năm liên tiếp sau đó, VN-Index đều mất điểm trong tháng Giêng, với tỷ lệ cao nhất là 8,36% vào năm 2008. Hai năm 2011 và 2012 gần đây, bất chấp tình hình vĩ mô không khả quan, VN-Index đều có diễn biến tích cực trong tháng Giêng. Tính trung bình, VN-Index tăng 5,47%/năm vào tháng Giêng kể từ khi TTCK Việt Nam ra đời.

Hiệu ứng tháng Giêng ảnh 3

 

Hiện tượng chưa được giải thích thuyết phục

TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc cho biết, hiệu ứng tháng Giêng là một hiện tượng trên TTCK nhiều nước. Có nhiều cách giải thích, nhưng chưa có lý giải nào thực sự thuyết phục và khoa học. Với TTCK Việt Nam có lịch sử non trẻ, con số thống kê diễn biến của VN-Index trong 12 năm chưa nói lên được điều gì về hiệu ứng này. Chẳng hạn, có giai đoạn TTCK chịu sự thu hẹp biên độ nên các con số thông kê trung bình không phản ánh đúng diễn biến thị trường, chưa kể có một số thời điểm đặc biệt như tháng 1/2007, thị trường ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thuận lợi hội tụ, dẫn tới mức tăng của VN-Index quá lớn, nên ảnh hưởng mạnh tới kết quả thống kê trung bình.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBS cho rằng, các thống kê về diễn biến TTCK tháng 1 hàng năm là các chuỗi số thời gian không có chu kỳ. TTCK Việt Nam thường có diễn biến khả quan trong những tháng đầu năm, bởi thời gian này hay có thông tin cả vi mô lẫn vĩ mô hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, tác động thực tế của các thông tin này đến đâu cần có thời gian kiểm chứng. Theo quan sát của ông Lân, hiện tại chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư lướt sóng gia nhập thị trường, chưa thấy xuất hiện các gương mặt NĐT tổ chức tầm cỡ. Tâm lý chung hiện nay của giới đầu tư là sẵn sàng chạy theo các nhóm cổ phiếu khi có thông tin õỗ trợ và ngược lại, sẵn sàng bán ra chốt lời hoặc cắt lỗ ngay khi TTCK có dấu hiệu điều chỉnh.

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Maybank KimEng (MBKE)

 

Xét về tính chu kỳ 12 năm qua, VN-Index có diễn biến khá đồng đều khi có 6 lần tăng và 6 lần giảm trong tháng Giêng. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, TTCK 

 

Việt Nam đều có diễn biến khả quan trong tháng đầu tiên của năm mới. Nếu xem xét kỹ có thể thấy, lý do thị trường bật lại vì trước đó đã giảm quá sâu trong năm trước.

 

Hai phiên giao dịch đầu tiên của năm 2013, VN-Index đều tăng điểm, nhưng giới đầu tư nên lưu ý rằng, TTCK Việt Nam đã có mức phục hồi tương đối trong tháng 12/2012. Vì vậy, dựa trên yếu tố chu kỳ, thị trường khó có khả năng tiếp tục duy trì diễn biến khả quan trong cả tháng 1/2013, nếu không có các thông tin hỗ trợ thị trường. Cuối tháng, nhiều khả năng giới đầu tư sẽ bán ra trên diện rộng để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nếu thị trường đi xuống thì mức sụt giảm sẽ không quá lớn, do phần lớn thông tin xấu đã phản ánh vào giá cổ phiếu.

 

 

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt

 

Nếu quan sát kỹ diễn biến thị trường có thể thấy, những năm gần đây, TTCK thường ẩn chứa nhiều cơ hội từ tháng Giêng đến giữa năm. Đỉnh của giá cổ phiếu thường rơi vào tháng Ba. Theo tôi, điều này có lý do từ một số nguyên nhân. Về dòng tiền, đầu năm, tín dụng ngân hàng tương đối rộng mở trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh và một phần chảy vào chứng khoán, nâng đỡ thị trường. Sau đó, vào giữa năm, tùy theo tình hình tổng kết dư nợ cho vay mà chiếc van tín dụng sẽ đóng hay tiếp tục mở ảnh hưởng đến chứng khoán. Những tháng đầu tiên của năm mới, TTCK cũng nhận được nhiều thông tin hổ trợ như các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh năm cũ, chia cổ tức, đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh cho năm mới.

 

 Vào đầu năm nay, các công ty bất động sản đã vay nợ ngân hàng khá lớn, nhiều doanh nghiệp chưa thể trả được nợ, nên các nhà băng đang hướng tới các đối tượng khác để đẩy mạnh việc cho vay, trong đó có cho vay cá nhân, kinh doanh chứng khoán. Hiện tại, các nhà đầu tư lướt sóng đang giao dịch mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, khi họ bán ra chốt lời mã này thì dòng tiền lại chảy vào các mã khác chưa tăng giá. Đây là một tín hiệu tích cực, vì dòng tiền vẫn ở lại với thị trường.