Năm 2018, Chính phủ dự định bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước với khối lượng gấp 6,5 lần năm 2017

Năm 2018, Chính phủ dự định bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước với khối lượng gấp 6,5 lần năm 2017

Hiệu ứng “ngược” khi chất hàng lên sàn thoái vốn

(ĐTCK) Phiên giao dịch sáng 28/6/2018, diễn biến kịch tính xảy ra tại cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera. Lượng cổ phần thoái vốn nhà nước ập ra sàn, đồng thời với lực bán của khối ngoại, đã kéo cổ phiếu này giảm giá sàn, mức giảm lớn nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Từ câu chuyện của VGC

Kết thúc phiên 28/6, VGC khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị, giá giảm xuống còn 21.500 đồng/cổ phiếu, Nhà nước không thành công trong việc thoái 80 triệu cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu tại Viglacera về 36% (giá khởi điểm chào bán là 26.000 đồng/cổ phần).

Với các nhà đầu tư khác, “thoái vốn nhà nước” với lượng hàng lớn trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm như một “vòng kim cô” kìm hãm giá VGC.

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2018 của Viglacera, nhiều câu hỏi từ phía cổ đông đã được đặt ra cho Ban chủ tọa về việc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty. Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Viglacera cho biết, khác với đấu giá ra công chúng, chỉ có người mua và biết được sức cầu trước phiên đấu giá, bán cổ phiếu qua sàn không tính được các yếu tố khác như lượng cung đến từ các nguồn khác trên thị trường.

Thực tế, trong phiên xả hàng hôm 28/6, ngoài Bộ Xây dựng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng mạnh tay xả hàng.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, việc chào bán cổ phiếu VCG của cổ đông nhà nước diễn ra đến ngày 21/7, nếu việc chào bán không thành công thì Viglacera sẽ báo cáo lại Bộ Xây dựng và có thể xin gia hạn thêm 60 ngày. Sau 60 ngày, việc chào bán tiếp tục không thành công thì sao? Đã có cổ đông đặt câu hỏi như vậy.

Cũng như bất kỳ hoạt động nào, thoái vốn nhà nước gắn chặt với diễn biến trên thị trường thứ cấp và có tác động lớn tới quyết định của các nhà đầu tư. VGC được đánh giá là cổ phiếu tốt và có tiềm năng tăng trưởng.

Trước đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng, cổ đông lớn của Viglacera là Dragon Capital cho biết, Quỹ sẽ “tham chiến” mua thêm cổ phiếu VCG để tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 25%. Tuy nhiên, biến động thị trường đã khiến quỹ này hành động khác. Họ đã bán ra cổ phiếu VGC, giảm tỷ lệ sở hữu từ trên 17% xuống còn 11%.

“Tại sao người ta lại bán vào thời điểm nhiều hàng như thế, chính chúng tôi cũng không lý giải được”, ông Minh chia sẻ với cổ đông.

Theo quy định, kết quả định giá doanh nghiệp Viglacera có hiệu lực trong thời hạn 6 tháng. Như vậy, kể từ thời điểm phê duyệt phương án thoái vốn vào cuối tháng 5, việc thoái vốn VGC với kết quả định giá như trên có thể diễn ra chậm nhất đến đầu quý IV năm nay. Trường hợp bán không thành công, nếu muốn tiếp tục thoái vốn, Nhà nước phải thực hiện lại toàn bộ các thủ tục phức tạp, tốn phí thời gian và công sức mà chưa biết có đạt kết quả hay không?

Đến 3 doanh nghiệp họ dầu khí

Thị trường những ngày này còn e ngại lượng cung hàng đến từ 3 ông lớn ngành dầu khí vừa triển khai chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hồi đầu năm 2018 là Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil và PV Power. Theo quyết định mới đây của Chính phủ, cả 3 doanh nghiệp này đều tạm dừng việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, chuyển sang bán cổ phần qua sàn chứng khoán để giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Nguyên do là các doanh nghiệp có 3 tháng để vừa tiến hành IPO và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược kể từ thời điểm phương án cổ phần hóa được phê duyệt. Tuy nhiên, với quãng thời gian ngắn ngủi đó, không doanh nghiệp nào hoàn thành và việc gia hạn thời gian chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đã không được Chính phủ chấp thuận.

Điều đáng nói là so với lượng cung khi IPO, lượng hàng thoái vốn qua sàn tới đây (nếu theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt cho từng doanh nghiệp) là rất lớn. Đơn cử, tại Lọc hóa dầu Bình Sơn, lượng cổ phần IPO là 241,5 triệu đơn vị, chiếm 7,79% vốn điều lệ, trong khi lượng cổ phần chuyển từ bán cho nhà đầu tư chiến lược sang bán qua sàn lên tới 49% vốn điều lệ. Tương tự, lượng cổ phần IPO của PV Oil chiếm 20%, lượng cổ phần dự kiến bán qua sàn chiếm 49% vốn điều lệ; lượng cổ phần IPO của PV Power chiếm 20%, lượng vốn dự kiến bán qua sàn xấp xỉ 29% vốn điều lệ.

So với giá IPO, cổ phiếu của 3 doanh nghiệp trên đều đang thấp hơn nhiều giá trúng thầu bình quân, đồng nghĩa với những nhà đầu tư xác định đi dài hạn với doanh nghiệp đang lỗ nặng, trong đó có không ít quỹ đầu tư.

Công sức mà bản thân 3 doanh nghiệp trên bỏ ra cũng như công sức của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bỏ ra để tìm hiểu, đánh giá về doanh nghiệp là không nhỏ.

 Nhà nước sẽ thoái vốn tại Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil và PV Power qua sàn chứng khoán

Theo ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch PV Power, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cần qua các bước khảo sát, mời chào, ký thỏa thuận ràng buộc/không ràng buộc, trình lên Thủ tướng xét duyệt danh sách ngắn. Phía PV Power đã tiếp xúc 100 đối tác, ký thỏa thuận không bảo mật với 30 đối tác cả trong lĩnh vực tài chính lẫn năng lượng. Ở vòng danh sách ngắn, PV Power đã có đối tác từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của PV Power, khi cổ đông chất vấn, ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng giám đốc PV Power cho biết, việc tìm kiếm các nhà đầu tư nhằm huy động nguồn vốn tổng cộng 10.000 tỷ đồng trong vòng 3 tháng là “không cách nào thực hiện được”.

Trao đổi với báo giới, ông Hồ Công Kỳ nói rằng, ông rất tiếc cho Taekwang Ind. (Hàn Quốc), lãnh đạo cấp cao nhất của tập đoàn này đã nhiều lần trao đổi và trực tiếp sang làm việc với Tổng công ty. Nay chuyển sang bán cổ phần qua sàn, nếu Nhà nước cho phép bán theo lô lớn, Taekwang Ind. cho hay, họ có thể tiếp tục theo đuổi cuộc chơi. Tuy nhiên, đó có thể là phép ngoại giao trên bàn gặp gỡ.

Ngoài một lượng cung lớn tung ra thị trường, việc thay đổi phương thức bán cổ phần tại Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil và PV Power khiến cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần của 3 doanh nghiệp này có cảm giác “bị hớ”. Nguyên do là bỏ vốn với niềm tin và tính toán rằng, các doanh nghiệp sẽ có nhà đầu tư chiến lược để gia tăng năng lực tài chính và cải thiện năng lực quản trị, gia tăng hiệu quả hoạt động.

Nay với động thái mới, cả 3 doanh nghiệp đều có phần vốn nhà nước (PVN đại diện chủ sở hữu) rất lớn, đủ để chi phối và thông qua mọi quyết định quan trọng của doanh nghiệp. Bên lề cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên của các doanh nghiệp, nhiều cổ đông chia sẻ quan điểm, những nội dung như chia cổ tức, niêm yết, kết hoạch sản xuất - kinh doanh… theo ý chí của cổ đông PVN sẽ khó có sự đột phá.

Những doanh nghiệp trên được kỳ vọng sẽ trở thành điển hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước xuống mức thấp nhất có thể ngay khi cổ phần hóa, đã không thành.

Tránh hiệu ứng ngược trên thị trường

Tại cuộc hội thảo về thoái vốn nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến bày tỏ rằng, sau tiếng vang của thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco, có một tâm lý ngầm xuất hiện là việc thoái vốn sẽ chạy đua về giá, tức càng bán được giá cao càng tốt. Trong khi đó, theo ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính, Ngân hàng Thế giới, trong mỗi thương vụ thoái vốn nhà nước, cần làm rõ mục tiêu thoái vốn là vì tiền, hay vì lý do nào khác.

Với 3 doanh nghiệp dầu khí đề cập ở trên, nếu thoái vốn qua sàn, nhà đầu tư sẽ không chịu bất cứ một ràng buộc hay cam kết nào khác, trong khi mua chiến lược, họ phải đáp ứng nhiều yêu cầu khá ngặt nghèo như nắm giữ cổ phần ít nhất 5 - 10 năm, chấp thuận để doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm…

Không chỉ khó bán được cổ phần, việc ồ ạt thoái vốn qua sàn có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình cổ phần hóa, thậm chí định hướng dài hạn trong tái cơ cấu nền kinh tế. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Chính phủ dự định bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước với khối lượng gấp 6,5 lần năm 2017.

Năm 2017, Chính phủ đã thu về 135.600 tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD, từ bán cổ phần, nhưng với diễn tiến như hiện tại, mục tiêu trên không dễ thực hiện trong nửa cuối năm 2018.

Ngoài phương thức thoái vốn qua sàn, thị trường gần đây không thấy có tiến triển về những phương thức chào bán hiện đại theo thông lệ của thế giới như dựng sổ, chào bán cạnh tranh theo lô…

Cung cầu lệch pha, thị trường cơ sở diễn biến xấu, những thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có quy mô rất lớn như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, BIDV, Petrolimex, Viglacera, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Bến Thành Corp, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam… khó có thể đến đích như kỳ vọng. 

Tin bài liên quan