Hiệu quả doanh nghiệp niêm yết nhìn từ kết quả quý I

Hiệu quả doanh nghiệp niêm yết nhìn từ kết quả quý I

(ĐTCK) Tính đến ngày 24/4, đã có 353 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý I/2020. Cụm từ “ảnh hưởng bởi Covid-19” được nhiều doanh nghiệp dùng như lời trần tình với cổ đông về kết quả sụt giảm trong quý này…

Nhiều doanh nghiệp đầu ngành chịu sự suy giảm hiệu quả

Dịch bệnh Covid-19 dẫn đến hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm, cộng thêm đà lao dốc cực mạnh của giá dầu khiến kết quả kinh doanh quý I/2020 của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Hiệu quả doanh nghiệp niêm yết nhìn từ kết quả quý I  ảnh 1

10 DN có lỗ lớn quý I/2020 (tỷ đồng).

Theo đó, doanh thu của GAS khoảng 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 2.600 tỷ đồng, giảm lần lượt 6,6% và 31% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý I/2020, với doanh thu 1.491 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 201,5 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biến động bất lợi của giá dầu cũng khiến “đại gia” ngành xăng dầu Petrolimex (PLX) gặp khó. Kết quả kinh doanh quý I/2020 cho thấy, doanh thu của PLX đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận âm 572 tỷ đồng.

Bức tranh kinh doanh của PLX trong 2020 được dự báo khó khăn khi chính Petrolimex dự kiến giảm lãi khoảng 1.000 tỷ đồng so với năm 2019. Năm 2019, PLX đạt lợi nhuận trước thuế 5.771 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018 và vượt 10% kế hoạch năm.

Trong đó, mức lợi nhuận tăng trưởng của năm 2019 chủ yếu từ hoạt động kinh doanh của một số công ty con như CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex (lãi tăng 53%) và Tổng công ty Gas Petrolimex lãi tăng 26%.

Ðến cuối 2019, tổng tài sản của Petrolimex ở mức 61.883 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 63%, chủ yếu là tiền, tương đương tiền và tiền gửi. Tài sản dài hạn gần 23.015 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định hơn 15.401 tỷ đồng.

Dù vậy, dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm mạnh được ví như 2 “gọng kìm” kéo PLX đi xuống ngay quý đầu năm 2020.

Với nhà đầu tư, cần lưu ý rằng, PLX đang có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 4.945 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2019), bên cạnh quỹ đầu tư phát triển hơn 1.190 tỷ đồng và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu gần 1.340 tỷ đồng, cùng gần 3.926 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Không cần đến khi các doanh nghiệp đưa ra con số chính thức, giới đầu tư cũng đã sớm dự liệu được bức tranh của những ngành chịu sự “càn quét” mạnh mẽ của Covid-19.

Càng là doanh nghiệp đầu ngành thì mức độ ảnh hưởng càng lớn. Ðơn cử, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) quý I/2020 có doanh thu hợp nhất ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm tới 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, đồng thời ước lỗ tới 2.383 tỷ đồng.

Dù ở thời điểm này, dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát tốt, các chuyến bay nội địa đang dần mở lại với cường độ dày hơn, nhưng bức tranh chung của các doanh nghiệp ngành hàng không khó có thể sáng ngay được.

HVN từng đưa ra dự báo, năm 2020 chỉ đạt tổng doanh thu  38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch và ước lỗ tới 19.651 tỷ đồng. Nếu mức lỗ nêu trên xảy ra thực, thì khả năng “âm” vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là có thể, bởi tính đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của HVN là gần 18.600 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Top đầu ngành thủy sản cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), quý I/2020, lãi ròng giảm hơn 50% còn 152 tỷ đồng với nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá bán giảm. Về kế hoạch kinh doanh 2020, VHC đã xây dựng hai kịch bản.

Kịch bản thứ nhất, Công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tương ứng giảm 10%, còn 1.063 tỷ đồng.

Trong khi ở kịch bản xấu hơn, doanh thu và lãi sau thuế của VHC dự kiến chỉ đạt 6.450 tỷ đồng và 800 tỷ đồng. Ðây cũng là năm đầu tiên mà VHC đặt kế hoạch lãi đi lùi kể từ khi niêm yết.

Nhóm ngành ngân hàng cũng nhìn thấy trước khả năng chịu thiệt hại từ Covid-19. Sau năm 2019 ghi nhận lợi nhuận đạt kỷ lục, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố lợi nhuận trước thuế quý I đạt 5.222 tỷ đồng, giảm 11,14% so với cùng kỳ. Ðáng lưu ý, nợ quá hạn tính đến 31/3/2020 tại Vietcombank đã vượt 11.250 tỷ đồng, tăng 2.886 tỷ đồng, tương đương với 34,5% so với cuối năm 2019.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ quý I/2020.

Theo đó, Ngân hàng này đạt mức lợi nhuận hợp nhất 2.196 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ 2019 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ðiểm tích cực ở MB là trong quý I/2020, Ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ theo nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông 2019 và bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo được thăng dư vốn cổ phần lên gần 1.200 tỷ đồng.

Việc này đã giúp MB nâng hệ số an toàn vốn (CAR) hợp nhất tăng lên trên 11% (tỷ lệ an toàn vốn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước là 8%).

Với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, lãnh đạo MB dự báo quý II sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn cho các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp.

Lợi thế của những doanh nghiệp giàu tiền mặt

Hiệu quả doanh nghiệp niêm yết nhìn từ kết quả quý I  ảnh 2

10 DN có lợi nhuận cao quý I/2020 (tỷ đồng).

Trong bối cảnh các doanh nghiệp hàng không đều báo lỗ lớn thì Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lại đi ngược dòng với lợi nhuận quý I/2020 ước đạt 1.857 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư muốn hiểu rõ nguồn lợi nhuận của ACV đến từ đâu.

Thực tế, lợi nhuận của ACV chủ yếu đến từ khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ dòng tiền tích lũy 31.000 tỷ đồng của ACV, đây cũng là doanh nghiệp đang có số tiền mặt lớn nhất tính đến thời điểm này trên 3 sàn giao dịch.

Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của ACV đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch đặt ra trong năm nay; lợi nhuận cả năm ước chỉ đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch 2020. Lý do lợi nhuận cả năm dự báo thấp hơn quý I/2020 được ACV lý giải do ảnh hưởng suy thoái toàn thị trường sẽ diễn ra mạnh mẽ trong quý II và có thể cả quý III/2020.

Theo lãnh đạo ACV, doanh nghiệp này hiện chưa bị mất cân đối dòng tiền, nhưng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử hàng không.

ACV là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác cảng hàng không, vì vậy, khi các hãng hàng không không hoạt động, không sử dụng dịch vụ của ACV, doanh nghiệp không thể gia tăng doanh số, lợi nhuận.

Tuy nhiên, với vai trò nhà quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước, ACV phải đảm bảo việc duy trì vận hành hệ thống cảng hàng không liên tục và an toàn.

Doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn tiếp theo là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) với 29.390 tỷ đồng, chiếm hơn 47% tổng tài sản. Không chỉ có nguồn tiền mặt dồi dào, lợi nhuận chưa phân phối của GAS cũng rất lớn. Vị trí tiếp theo là Vingroup, đang nắm giữ 19.368 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng, nằm trong Top 10 doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất trên thị trường.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, hiện có 48 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 4,7%) có chỉ số tiền mặt ròng trên vốn hóa thị trường lớn hơn 100%; 412 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 40,2%) có lượng tiền mặt ròng dương.

Không phải lúc nào lượng tiền mặt cao cũng có nghĩa là doanh nghiệp đó đang hoạt động tốt, bởi doanh nghiệp mở rộng kinh doanh liên tục thì khó duy trì được lượng tiền mặt để không.

Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn hoặc khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp nào càng nắm nhiều tiền mặt càng có lợi thế đứng vững.

Ðại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề khan hiếm nguồn cung và suy giảm tổng cầu.

Tuy nhiên, theo một khía cạnh khác, đại dịch này giống như một sự chọn lọc tự nhiên, mở ra các cơ hội mới trong kinh doanh, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh để có thể chiếm lĩnh thị phần, bỏ xa đối thủ của mình.              

Tin bài liên quan