Hiệu quả doanh nghiệp đi xuống, gọi vốn mới khó khả thi

Hiệu quả doanh nghiệp đi xuống, gọi vốn mới khó khả thi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kế hoạch gọi vốn của hai doanh nghiệp ngành bất động sản là CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC) và CTCP Kinh doanh và phát triển Bình Dương (TDC) vấp phải thách thức từ bối cảnh thị trường và chính nội tại doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, IJC sẽ phát hành 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông bên ngoài thông qua đấu giá trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhằm huy động 800 tỷ đồng để đầu tư giai đoạn tiếp theo Dự án Sunflower và Dự án Aroma.

Trong khi đó, TDC dự kiến phát hành 35 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá trên sàn HOSE để huy động 350 tỷ đồng. Trong đó, 200 tỷ đồng được dùng để đầu tư phát triển dự án; 150 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Kế hoạch tăng vốn mạnh của các doanh nghiệp này diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của cả hai doanh nghiệp đang cho thấy dấu hiệu kém khả quan.

Bức tranh tài chính đi xuống

IJC vừa công bố báo tài chính quý II/2020 với doanh thu 204,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 40,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 44,1% và 65,5% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 1.541,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 156,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 146,1% và giảm gần 16% so với cùng kỳ 2019.

Trong 6 tháng đầu năm, biên lợi nhuận của IJC giảm mạnh từ 51% về chỉ còn 19,4%; biên lợi nhuận ròng giảm từ 29,6% về 10,1%.

Trong thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2020, doanh nghiệp có phát sinh đột biến doanh thu chuyển nhượng quyền sử dụng đất Dự án Khu đô thị IJC là 1.219,3 tỷ đồng cho Công ty mẹ là Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp. (Tính tới thời điểm tháng 3/2020, BCM đang sở hữu  78,8% vốn điều lệ tại IJC).

Đây không phải lần đầu tiên IJC có doanh thu chuyển nhượng dự án cho công ty mẹ. Trong năm 2019, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 593,1 tỷ đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lô K4 và K10 dự án Khu đô thị IJC.

Đáng chú ý, các giao dịch chuyển nhượng này có lợi nhuận rất khiêm tốn. Trong thời điểm có chủ trương thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp tại IJC, xuất hiện nhiều giao dịch chuyển tài sản quay về Công ty mẹ như vậy.

Cùng với đà đi xuống của lợi nhuận, dòng tiền hoạt động kinh doanh của IJC cũng ghi nhận con số âm.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, IJC ghi nhận dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm tới 166,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 178,2 tỷ đồng. Để bù đắp dòng tiền thiếu hụt, trong kỳ, Công ty đã phải huy động 236,2 tỷ đồng, chủ yếu là tiền đi vay để bổ sung vốn cho doanh nghiệp.

Các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tai thời điểm cuối tháng 6 lên tới 1.499,3 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng tài sản. Lượng tiền mặt chỉ có 146,6 tỷ đồng, chiếm 2,2% tổng tài sản, lượng tiền mặt khá khiêm tốn.

Giá trị khoản mục người mua trả tiền trước chỉ có 18,7 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng nguồn vốn. Thông thường, đối với doanh nghiệp bất động sản, lượng người mua trả tiền trước là dấu hiệu chỉ báo cho công tác bán hàng cũng như khả năng ghi nhận doanh thu trong tương lai.

Con số khiêm tốn này cho thấy các dự án của IJC chưa cho dòng tiền cũng như doanh thu trong tương lai gần.  

TDC cũng báo cáo lợi nhuận sau thuế quý II sụt giảm tới 42% so với cùng kỳ, chỉ đạt 14,1 tỷ đồng dù doanh thu tăng 172,4%, đạt 304,5 tỷ đồng.

Trong quý II, mặc dù doanh thu tăng trưởng 172,4%, nhưng lợi nhuận gộp lại giảm tới 11,7%. TDC có thuyết minh cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm (doanh thu chưa trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu), tăng chủ yếu do doanh thu bất động sản tăng 28,4%, đạt 350 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, TDC phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho là 30,3 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, mảng bất động sản đóng góp doanh thu lớn cho Công ty nhưng lợi nhuận không tương xứng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng bất thường 56,9%, lên mức 30,6 tỷ đồng. Những yếu tố này khiến 6 tháng đầu năm 2020, dù doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 468,9 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế là 21,3 tỷ đồng, chỉ tăng 11,5%.

Tại ngày 30/6/2020, tổng phải thu ngắn hạn và dài hạn của TDC là 800,7 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản; lượng tiền mặt chỉ có 64,8 tỷ đồng.

Dòng tiền mặt thấp là câu chuyện được duy trì nhiều năm qua ở doanh nghiệp này. Nhìn lại báo cáo tài chính của TDC những năm trước, chỉ tiêu này lần lượt là 31,7 tỷ đồng vào năm 2016; 35,1 tỷ đồng vào năm 2017; 32,7 tỷ đồng vào năm 2018 và năm 2019 là 59,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao. Cụ thể, năm 2016 cổ tức là 10,5%, năm 2017 là 11%, năm 2018 là 12% và năm 2019 là 10%. Không khó để nhận thấy, TDC hầu như lấy gần hết lợi nhuận để chia cho cổ đông hiện hữu.

Diễn biến cũng tương tự tại IJC, cổ tức năm 2016 là 8%, năm 2017 là 10%, năm 2018 là 12%, năm 2019 là 10% và dự kiến năm 2020 là 10%.

Tại thời điểm 31/3/2020, lượng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn ngắn của Công ty là 78,4 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng tài sản; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 442,2 tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Khó gọi vốn mới từ bên ngoài

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

Cả TDC và IJC đều đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực có độ nhạy cảm đặc biệt với chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế. Điều đó có thể thấy rõ qua kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của hai doanh nghiệp.

Đặc điểm chung của hai doanh nghiệp này là sở hữu quỹ đất chưa khai thác nhiều năm, trong khi dùng gần như toàn bộ lợi nhuận thu được để chia cho cổ đông, lượng tiền mặt rất thấp.

Tính tới thời điểm 30/6/2020, IJC có tồn kho là 3.864,7 tỷ đồng, chiếm 57,88% tổng tài sản. Doanh nghiệp thuyết minh chủ yếu là chi phí dở dang của các công trình xây dựng nhà phố, khu thương mại, nhà biệt thự, nhà chung cư.

Cùng thời gian, TDC có tồn kho là 3.439,8 tỷ đồng, chiếm 57,5% tổng tài sản. Doanh nghiệp có thuyết minh chủ yếu là chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang. Đây là thách thức lớn đối với hai doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 và ngân hàng siết dòng vốn vào lĩnh vực này.

Thời điểm hiện tại, khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đang bắt đầu xuất hiện, tâm lý của nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Dòng tiền đang tìm kiếm vào các kênh “trú ẩn” an toàn như trái phiếu, vàng, kênh đầu tư cổ phiếu vì thế kém đi sức hút.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng chủ yếu thực hiện những giao dịch mang tính chất “đánh nhanh rút nhanh”, nên kế hoạch huy động vốn của IJC và TDC với nhà đầu tư bên ngoài khó khả thi.

Tin bài liên quan