Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đo lường quy mô tài chính của một doanh nghiệp (DN), cho biết trong tổng nguồn vốn của DN thì nợ chiếm bao nhiêu phần trăm. Nợ của DN bao gồm cả nợ ngắn hạn và nợ dài hạn. Tổng nguồn vốn của DN gồm các khoản nợ của DN và vốn chủ sở hữu - vốn cổ phần của cổ đông (gồm cổ phần thông thường, cổ phần ưu đãi, các khoản lãi phải trả và nợ ròng). Công thức tính như sau:

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu = Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu.

Nợ và vốn chủ sở hữu là 2 nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một DN. Hai nguồn vốn này có những đặc tính riêng biệt và mối quan hệ giữa chúng được sử dụng rộng rãi để đánh giá tình hình tài chính của công ty.

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của DN và làm thế nào DN có thể chi trả cho các hoạt động. Thông thường, nếu hệ số này lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của DN được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại thì tài sản của DN được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu. Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì DN ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của DN càng lớn.

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là DN đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên DN có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là DN càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao. Các chủ nợ hay ngân hàng cũng thường xem xét, đánh giá kỹ hệ số nợ (và một số hệ số tài chính khác) để quyết định có cho DN vay hay không. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ cũng có một ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập DN. Do đó, DN phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo một tỷ lệ hợp lý nhất.

Vừa qua, có thông tin về một tổng công ty nhà nước có hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới trên 8 lần và sau đó, thông tin này được lý giải là tổng công ty đã triển khai nhiều dự án bất động sản có hiệu quả kinh tế cao. Với điều kiện phần vốn nhà nước còn hạn chế, đơn vị đã huy động thêm nguồn vốn kinh doanh từ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ chung cư để thực hiện các dự án này. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành về chế độ và nội dung báo cáo quyết toán tài chính của DN thì các khoản thu từ việc huy động nguồn vốn kinh doanh như trên khi chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu và kết quả sản xuất - kinh doanh thì không tính vào phần vốn chủ sở hữu, mà phải tính vào khoản nợ phải trả, mặc dù thực chất đây không phải là khoản nợ phải trả dẫn đến hệ số trên rất cao so với ngành. Vì thế, việc nghiên cứu, theo dõi các chỉ số tài chính khác cũng như phương pháp hạch toán kế toán và các thông tin liên quan để kết luận tình hình tài chính của DN cũng là vấn đề nhà đầu tư cần hết sức lưu ý.