Một bộ phận nhà đầu tư đang tìm đến dịch vụ ủy thác đầu tư của các cá nhân và tổ chức đầu tư

Một bộ phận nhà đầu tư đang tìm đến dịch vụ ủy thác đầu tư của các cá nhân và tổ chức đầu tư

Hé mở câu chuyện về dịch vụ quản lý tài sản

(ĐTCK) Không đủ thời gian để quản lý tài khoản chứng khoán, hoặc nếu có thì cũng thiếu thông tin định giá cổ phiếu hoặc giao dịch theo cảm xúc dẫn đến thua lỗ, nhiều nhà đầu tư lựa chọn phương án ủy thác tài khoản cho cá nhân hoặc tổ chức đầu tư với lợi nhuận kỳ vọng cam kết.

Gửi tài khoản cho broker

Nhiều môi giới chứng khoán đang quản lý tài khoản cá nhân của khách hàng theo hình ủy thác đầu tư. Việc ủy thác này về mặt pháp lý tuy không chính thức nhưng khá phổ biến, dựa trên sự tin tưởng của nhà đầu tư dành cho môi giới hay người nhận ủy thác.

Cụ thể, môi giới chứng khoán sẽ là người đặt lệnh mua - bán chứng khoán cho khách hàng. Sau thời hạn ủy thác đầu tư, chủ tài khoản và môi giới sẽ phân chia lợi nhuận theo phương án cam kết trước.

Anh Nguyễn Sơn, mở tài khoản tại công ty chứng khoán của một ngân hàng cho biết, anh có hai sự lựa chọn khi ủy thác đầu tư cho môi giới.

Thứ nhất, môi giới không chia sẻ rủi ro thì khi kết thúc thời gian ủy thác, lợi nhuận từ 10% trở xuống khách hàng hưởng hết, lợi nhuận 10 - 20%, môi giới được thưởng 10% lợi nhuận, tỷ suất đạt 20 - 30% môi giới nhận 15%. Còn nếu lợi nhuận đạt trên 30%, môi giới nhận 25%.

Thứ hai là khách hàng và môi giới cùng chia sẻ rủi ro thì tỷ lệ lợi nhuận mà chủ tài khoản cho môi giới hưởng là 20% nếu tỷ suất 10 - 20%, 30% nếu tỷ suất lợi nhuận trên 20%. Nhưng nếu lợi nhuận âm theo tỷ lệ trên thì môi giới cũng chịu khoản lỗ theo tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ lợi nhuận được chia.

Không ít môi giới ở các công ty chứng khoán nhận ủy thác đầu tư của khách hàng theo hình thức ăn chia lợi nhuận. Tùy vào mức độ chịu rủi ro mà mỗi giới nhận tài khoản giá trị tài sản lớn hay nhỏ.

Môi giới N, có thâm niên 2 năm chia sẻ: “Không ít khách hàng không có thời gian nhìn bảng điện mỗi ngày muốn ủy thác đầu tư, nhưng chúng tôi chỉ dám nhận khách hàng có giá trị tài khoản dưới 1 tỷ đồng. Có khách ủy thác tới 3 tỷ đồng, nhưng thời gian ủy thác ngắn dưới 2 năm, chúng tôi không dám nhận”.

Theo các môi giới, sở dĩ nhà đầu tư muốn ủy thác đầu tư vì tin rằng việc tìm kiếm lợi nhuận cao hơn lãi suất tiết kiệm trên thị trường chứng khoán là không khó, nếu đeo bám thị trường và có thông tin đầy đủ về doanh nghiệp.

Mức lợi nhuận nhà đầu tư kỳ vọng thường vào khoảng 10% trong 3 tháng, 15% trong 6 tháng hay 20% trong một năm tùy theo giá trị tài khoản.

Theo thông tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, có những nhóm môi giới kiểm soát tổng giá trị tài khoản khách hàng bao gồm cả ủy thác đầu tư và tài khoản môi giới có giá trị lớn, có thể chiếm đến 1% thị phần trong một phiên giao dịch. Nhóm này cũng thể kiểm soát tỷ lệ đáng kể cổ phiếu của một công ty niêm yết quy mô vừa.

Công ty chứng khoán chớp cơ hội

Trong khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ từ vài trăm triệu đồng cho đến vài chục tỷ đồng sử dụng dịch vụ ủy thác đầu tư của cá nhân môi giới hay nhóm môi giới thì một bộ phận nhà đầu tư bắt đầu tìm đến dịch vụ quản lý tài sản của tổ chức đầu tư.

Gần đây, Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) bắt đầu đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm SSI Prestige, dành cho khách hàng có tài sản lớn. Theo đó, khách hàng có tiền và chứng khoán trị giá 5 tỷ đồng trở lên có thể ủy thác SSIAM đầu tư trong thời hạn 1 năm với hai cách thức là ủy thác ngay trên tài khoản giao dịch chứng khoán hiện tại hoặc chuyển giao tài sản về SSIAM. Phí quản lý tài khoản là 0,5 - 1,5% giá trị tài sản ròng, tùy giá trị tài khoản dưới 10 tỷ đồng và trên 10 tỷ đồng.

Khách hàng tùy theo mức độ chịu rủi ro có thể lựa chọn đầu tư tăng trưởng tối đa, đầu tư 100% vào cổ phiếu, hay đầu tư kết hợp giữa cổ phiếu và chứng khoán có thu nhập cố định. Khách hàng chịu mức độ rủi ro thấp đầu tư 100% tài khoản vào chứng khoán có thu nhập cố định.

Công ty quản lý quỹ sẽ nhận thưởng 20% phần vượt lợi nhuận kỳ vọng của khách hàng.

Được biết, SSIAM đang quản lý tài sản khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng cá nhân trong nước chiếm 5%, tương đương giá trị tài sản 5 tỷ đồng. Một môi giới sản phẩm cao cấp SSI Prestige cho biết, ban đầu, rất ít khách hàng sử dụng sản phẩm này vì họ thích tự giao dịch.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, phần vì không có thời gian, hoặc cảm thấy giao dịch không hiệu quả khi thị trường nhiều biến động hoặc mua bán theo cảm xúc nên một số nhà đầu tư đã chuyển tài khoản cho SSIAM quản lý.

“Khi nhà đầu tư có giá trị tài khoản khá lớn thì mục tiêu của họ là phòng ngừa rủi ro, chứ không phải kiếm siêu lợi nhuận. Vì thế, tỷ suất lợi nhuận hợp lý trong khi có thời gian dành cho gia đình, cho công việc làm ăn khác là lựa chọn của một số nhà đầu tư”, môi giới của SSIAM cho biết. Từ tháng 7/2016 đến nay, hiệu quả đầu tư của danh mục SSI Prestige đạt 35,9%.

Theo nghiên cứu của hãng East & Partners Asia, đến tháng 5/2017 tại châu Á có khoảng 30% nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao là khách hàng của các ngân hàng tư nhân và các công ty quản lý quỹ. Tỷ lệ người tự quản lý tài sản đã giảm xuống còn 47% cùng kỳ 2 năm trước.

Theo thông tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, không ít đại gia trên thị trường chứng khoán cũng là những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thường sử dụng dịch vụ quản lý tài khoản từ các nhân viên môi giới. Các nhà đầu tư này thường đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu và giao cho môi giới tự cân đối tài khoản để đặt lệnh mua bán phù hợp.

Họ chỉ quyết định vùng giá mua và khối lượng chung, chứ không quá quan tâm đến từng lệnh mua bán. Có đại gia bất động sản còn thuê hẳn một nhân viên tâm phúc để thay mặt mình làm việc với công ty chứng khoán.

Một thông tin thường được các môi giới truyền tai nhau trên thị trường nhằm thu hút sự chú ý về một cổ phiếu nào đó là lệnh mua từ tài khoản của thành viên ban lãnh đạo công ty niêm yết. Những nhà đầu tư này thường mua cổ phiếu của công ty cùng ngành nghề kinh doanh với doanh nghiệp mà họ đang quản lý, bởi với sự am hiểu ngành, am hiểu hiểu đối tác và đối thủ kinh doanh họ định giá được giá cổ phiếu của doanh nghiệp khác cùng ngành.

Điển hình là nhóm đại gia ngành thép, những người thạo tin về giá thép nguyên liệu, đại gia ngành bất động sản biết rõ giá trị của quỹ đất các dự án của doanh nghiệp cùng ngành….

Khi giá trị tài khoản lớn, lại thiếu thời gian để giao dịch thì việc sử dụng dịch vụ ủy thác hay quản lý tài khoản của đại gia là tất yếu. Tuy nhiên, đến nay, những dịch vụ vẫn chưa được chính thức hóa. Và về cơ bản tài khoản đứng tên đại gia thì môi giới chỉ được ủy quyền mua – bán, chứ không thể chuyển tiền hay chứng khoán ra bên ngoài.

Theo dự báo, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh và các triệu phú, tỷ phú tự thân xuất hiện ngày càng nhiều,  dịch vụ quản lý tài sản sẽ ngày càng phát triển và chuyên nghiệp hơn hiện nay.

Tin bài liên quan