Hàng trăm công ty niêm yết loay hoay với yêu cầu “phân vai” lãnh đạo

Hàng trăm công ty niêm yết loay hoay với yêu cầu “phân vai” lãnh đạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vẫn còn hàng trăm công ty niêm yết chưa tách bạch vị trí chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc, dù thời hạn chỉ còn vài ngày.

Bổ nhiệm người cũ và không thực quyền

Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa có Tổng giám đốc mới, ông Lê Viết Hiếu, hiện là con trai Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hải. Việc ông Hiếu được bổ nhiệm Tổng giám đốc HBC ở tuổi 28 không khiến giới đầu tư ngạc nhiên.

Bởi lẽ, ông Hiếu hay bất kỳ ai ngồi vào ghế Tổng giám đốc thì doanh nghiệp cũng khó có gì đổi khác so với trước. Việc làm này được thị trường nhìn nhận đơn giản là nhằm đáp ứng yêu cầu tách bạch hai chức danh cao nhất trong doanh nghiệp quy định tại Nghị định 71/2017/NÐ-CP.

Nhiều doanh nghiệp đã và dự báo sẽ có các động thái tương tự nhằm đáp ứng yêu cầu trên. Trong làn sóng thay “tướng” này, nhiều khả năng sẽ có một điểm chung, đa phần tổng giám đốc được bổ nhiệm là người cũ trong doanh nghiệp, thay vì một nhân vật mới.

Lý giải điều này, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết chia sẻ, đây chỉ là quyết định nhằm đáp ứng yêu cầu và quy định của luật. Thực chất, chủ tịch vẫn đảm nhận mọi phần việc quan trọng trong công ty.

“Tôi bảo với tổng giám đốc mới rằng, chú ngồi ghế tổng giám đốc nhưng anh vẫn quyết chính. Khi nào chú đủ sức đảm đương, anh sẽ lui lại để chú làm”, ông chủ tịch kể về việc phân vai trong doanh nghiệp.

Ðó là một doanh nghiệp niêm yết có quy mô không nhỏ, ông chủ tịch được đánh giá là người cầu tiến, chịu khó học hỏi, có chính kiến và không ham quyền lực.

Ông cho biết, với thị trường và khung khổ pháp lý hiện tại, miếng bánh thị phần cho những doanh nghiệp như công ty ông không thể mở rộng, sau khi sáng lập và đưa doanh nghiệp vào khung khổ, bộ máy đó cứ chạy đều đều, cá nhân ông còn cảm thấy nhàn tản bởi “hết việc để làm”.

Theo quy định mới, doanh nghiệp phải “mọc” thêm một ông tổng giám đốc, nhưng không có việc cho nhân sự này làm.

Một số doanh nghiệp từng tốn kém nguồn lực, thậm chí mất nhân tài khi thực hiện việc tách bạch hai chức danh một cách hình thức.

Chẳng hạn, tại một tập đoàn công nghệ thông tin liên tục có sự thay đổi tổng giám đốc trong các năm gần đây, trong đó bao gồm cả người già và người trẻ.

Một nguồn tin am hiểu về doanh nghiệp kể, quyền lực và các quyết định quan trọng của tập đoàn vẫn nằm trong tay chủ tịch.

Cụ thể, gần chục năm trước, một tổng giám đốc trẻ được bổ nhiệm. Anh này thực sự là một người tài, khi đảm nhận công việc, anh muốn được hành động và quyết định như một tổng giám đốc thực thụ nên mâu thuẫn sau đó nảy sinh và anh buộc phải chọn cách ra khỏi tập đoàn. Ðến người thứ hai, vốn chỉ nắm quyền và hiểu biết ở một mảng hoạt động của tập đoàn, đảm nhận ghế tổng giám đốc nhưng thực sự không biết mình phải làm gì.

Người thứ ba vốn là bạn thân của chủ tịch tập đoàn. Ông này có thể nhường nhịn mọi chuyện, chấp nhận làm “cái bóng” tổng giám đốc. Nhưng môi trường xung quanh và những người không hiểu nội tình doanh nghiệp không để cho ông “hiền” mãi như vậy.

Vô tình, họ buông ra những câu “ơ, em tưởng việc này anh phải quyết chứ”, “việc này anh không có quyền quyết à, anh làm tổng giám đốc cơ mà”...

Ðến một ngày, sức ép lớn quá, ông mệt mỏi và để mọi chuyện an lành, ông quyết định rời vị trí. Thay vào đó, một nhân sự trẻ được bổ nhiệm và hiện nay, giới đầu tư thấy vai trò của anh này rất mờ nhạt trong tập đoàn.

Câu chuyện trên cho thấy, khi yêu cầu tách bạch chức danh lãnh đạo trong doanh nghiệp không được thực hiện thực chất, hoặc không có môi trường để thực hiện thực chất, thì chính doanh nghiệp rơi vào cảnh “lợi bất, cập hại”.

Chủ tịch một công ty khi đề cập đến quy định này đã tỏ ra lo lắng, bởi nếu buộc phải dựng lên một tổng giám đốc “hờ”, được giao ký một số loại giấy tờ, người đó sẽ nắm được những việc quan trọng trong công ty. Chẳng may vì một chuyện nào đó khiến tổng giám đốc này phật lòng, nội bộ bất hòa, thì bí mật doanh nghiệp có nguy cơ bị phơi bày, đó thực sự là một thảm cảnh.

“Không thể phủ nhận tác động quan trọng của những thông lệ được cho là tốt, hiện đại ở các nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh và thực tế kinh doanh ở mỗi nơi mỗi khác. Khi bản chất và hình thức của một sự việc khác nhau, sớm muộn sẽ xuất hiện vấn đề và hệ quả là gây rắc rối cho doanh nghiệp”, vị chủ tịch doanh nghiệp nêu quan điểm.

Theo đó, các thông lệ quản trị tốt nên khuyến khích thực thi và có các hình thức vinh danh, trao thưởng cho các doanh nghiệp làm tốt. Song những doanh nghiệp chưa thực hiện được do thấy chưa phù hợp, nên cân nhắc việc luật hóa và bắt buộc thực hiện, cũng như áp đặt “cây gậy” xử phạt.

Trông người, ngẫm ta

Tách bạch hai chức danh lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp lâu nay được giới chuyên gia nhìn nhận là thông lệ quản trị tốt trên thế giới, dẫn chiếu theo các quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Hội đồng quản trị do chủ tịch hội đồng quản trị đứng đầu, chức năng chính là hoạch định chiến lược và giám sát thực hiện, còn ban tổng giám đốc/giám đốc do tổng giám đốc/giám đốc đứng đầu, giữ vai trò vận hành doanh nghiệp, thực hiện chiến lược do hội đồng quản trị đề ra.

Tuy nhiên, chưa có một tài liệu nào chứng minh các doanh nghiệp thực sự tốt và thực sự vận hành theo cách trên.

Có quan điểm lập luận, nếu quyền lực trong ngân hàng không nằm trong tay một người vừa đảm nhận chức danh chủ tịch vừa kiêm nhiệm tổng giám đốc thì đã không xảy ra câu chuyện đau lòng như vụ Ngân hàng Ðại Dương, Ngân hàng Xây dựng...

Nhưng ý kiến khác phản bác, vậy tại sao ở ACB, “bầu” Kiên không đảm nhận ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng chẳng nắm ghế Tổng giám đốc, vẫn có thể “lũng đoạn” ngân hàng này?

Ở một số công ty cổ phần, cả chủ tịch và tổng giám đốc chỉ mang “danh hờ”, chứ không thực sự tham gia vào công tác quản trị doanh nghiệp.

Quay trở lại quan niệm về vai trò của chủ tịch và tổng giám đốc công ty theo OECD, có những doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng chưa thực sự vận hành như vậy.

Tại Vinamilk, giới phân tích chứng khoán cho rằng, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc là người dẫn dắt, hoạch định chiến lược và thực thi chiến lược của Công ty, chứ không phải bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Công ty hoạch định chiến lược, còn bà Liên tổ chức thực hiện chiến lược.

Tại VietJet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty là người hoạch định chiến lược và dẫn dắt thực thi chiến lược, chứ không phải bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty.

Nhìn rộng ra thế giới, ở các nền kinh tế phát triển, đơn cử Mỹ, vẫn có những doanh nghiệp lớn, đang niêm yết, không bắt buộc phải tách bạch hai chức danh lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp.

Tra cứu dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả trong danh sách Fortune 500 năm 2020 hiện vẫn có sự kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc như Mark Zuckerberg tại Facebook, Jeff Bezos tại Amazon, Mike Wirth tại Chevorn Corp, Larry Culp tại General Electric, W Rodney McMullen tại Kroger Co, Michael S Dell tại Dell Inc, David S Taylor tại Procter&Gamber Co,…

Tin bài liên quan