Hàng trăm cổ phiếu “treo” giá trên sàn

Hàng trăm cổ phiếu “treo” giá trên sàn

(ĐTCK) Thống kê phiên 11/12/2018 cho thấy, có quá nửa số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không có giao dịch, trong đó không ít mã mất thanh khoản kéo dài.

Cụ thể, trên UPCoM có gần 70% trong tổng số 800 cổ phiếu đăng ký giao dịch không có giao dịch (đã loại trừ hơn 92 mã đang bị hạn chế giao dịch, tức chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần). Trên HNX, có 180 cổ phiếu trong tổng số 374 mã niêm yết không có giao dịch, chiếm tỷ lệ 48,1%. Còn trên HOSE, có 30 mã trong tổng số 375 cổ phiếu niêm yết không có giao dịch, chiếm tỷ lệ 8%.

“Thị trường chứng khoán luôn có hàng trăm cổ phiếu không có giao dịch, trong đó không ít mã mất thanh khoản kéo dài. Tình trạng này xuất hiện từ nhiều năm trước, phổ biến trong vài năm gần đây, khi các doanh nghiệp ồ ạt đăng ký giao dịch trên UPCoM, sau khi quy định pháp lý yêu cầu các doanh nghiệp đại chúng phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung”, môi giới tại một công ty chứng khoán cho biết.

Theo vị môi giới trên, nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp trên UPCoM thấp hơn nhiều so với hai sàn niêm yết, trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng công khai, minh bạch, nên thông tin về hoạt động kinh doanh của đa số doanh nghiệp trên sàn này đều thiếu và không được cập nhật.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Đây là hai yếu tố chính khiến nhà đầu tư ít quan tâm đến cổ phiếu trên UPCoM, dẫn đến tính thanh khoản thấp, hoặc không có giao dịch.

Thực trạng trên cũng như tình trạng doanh nghiệp sau cổ phần hóa chây ì lên sàn được cho là lý do dẫn đến việc Nhóm Thị trường vốn từng nêu kiến nghị nên bỏ sàn UPCoM và yêu cầu các doanh nghiệp đại chúng đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Hội nghị Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối năm 2016.

Tuy nhiên, sàn UPCoM có sứ mệnh riêng của nó. Dù điều kiện đăng ký giao dịch thấp, quy định công bố thông tin “lỏng”, nhưng UPCoM đã và đang có vai trò tạo ra thị trường giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết, là nơi tập dượt cho doanh nghiệp và giúp giao dịch của nhà đầu tư an toàn hơn so với thị trường tự do trước đây.

Với điều kiện niêm yết khá thấp và quy định buộc các doanh nghiệp đại chúng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM, nhà đầu tư chứng khoán phải chấp nhận tình trạng hàng thì nhiều (trên 1.500 mã giao dịch), nhưng đa dạng về chất lượng, hay nói cách khác là “vàng thau lẫn lộn”.

Để bớt rủi ro, nhà đầu tư phải tự sàng lọc cổ phiếu đầu tư. Thực tế, HNX đã có quy định về nhà tạo lập thị trường, phân bảng cổ phiếu trên UPCoM, nhưng mức độ nhận diện ra hàng tốt và dòng chảy của vốn vào các cổ phiếu tốt trên sàn này còn rất thấp.

Về phía nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, thanh khoản của cổ phiếu là yếu tố quan trọng hàng đầu thu hút dòng tiền, bên cạnh mức định giá hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh, tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp. Nhà đầu tư không “chê” doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, nếu doanh nghiệp minh bạch và có triển vọng phục hồi. Thông thường, cổ phiếu có thanh khoản thấp là do tính minh bạch của doanh nghiệp kém.

“Tôi mong doanh nghiệp các doanh nghiệp trên UPCoM thường xuyên công bố tình hình hoạt động, chứ đầu tư mà căn cứ vào các số liệu cũ từ 6 tháng đến 1 năm trước thì không thể an tâm rót vốn”, anh Long, nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán Tân Việt nói và cho hay, nhiều cổ phiếu có mức định giá P/E rất thấp, nhưng không dám mua vì thời gian chờ đợi thông tin mới từ doanh nghiệp quá lâu và thanh khoản nhỏ giọt, muốn bán cũng khó.

“Tôi theo dõi một số mã, giá thay đổi 100 - 200 đồng/cổ phiếu, nhưng do thị giá thấp nên tỷ lệ thay đổi giá tính theo phần trăm lên tới 10%. Cơ hội lướt sóng hấp dẫn, nhưng thanh khoản rất thấp”, anh Long chia sẻ.

Ở chiều ngược lại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lên sàn nên nhu cầu đầu tư ngày càng tập trung vào những doanh nghiệp lớn. Đây cũng là các doanh nghiệp được khối công ty chứng khoán tập trung phân tích, khuyến nghị giao dịch. Ngược lại, nhiều cổ phiếu khác có thanh khoản giảm dần.

Nhà đầu tư trên thị trường rất đa dạng, nhu cầu đầu tư, khả năng tài chính và khẩu vị rủi ro khác nhau. Doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, minh bạch thông tin thì cổ phiếu thanh khoản cao, mức định giá cao, ngược lại thì cổ phiếu thanh khoản thấp, mức định giá thấp. Cổ phiếu nào cũng có tính hấp dẫn riêng nếu các doanh nghiệp thường xuyên công bố tình hình hoạt động, ít nhất là kết quả kinh doanh hàng quý.

Kiến nghị với nhà quản lý, nhiều ý kiến cho rằng, để cải thiện thanh khoản trên UPCoM, những cổ phiếu tốt trên sàn này cần được đối xử công bằng như cổ phiếu trên sàn niêm yết. Cụ thể, cơ chế giao dịch ký quỹ (margin) cần sớm được áp dụng trên UPCoM, ít nhất là với khối doanh nghiệp đủ chất lượng trên sàn.

Tin bài liên quan