Đến với TTCK đầu Xuân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển TTCK nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước.

Đến với TTCK đầu Xuân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển TTCK nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước.

Hai nửa con đường vốn, cho đất nước đi lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 20 năm tạo dựng, Việt Nam có thị trường chứng khoán với quy mô 200 tỷ USD, thu hút hàng triệu người tham gia và là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp phát triển thành doanh nghiệp lớn. 

Đó là bề nổi của thành công, của hạnh phúc. Trên con đường xây nên thị trường, còn có những niềm hạnh phúc lặng thầm, song hành và lan tỏa, xuyên suốt chiều dài không phải 20 năm, mà nhiều hơn thế…

Có một con đường vốn lặng thầm…

Trước ngày TTCK Việt Nam khai mở (20/7/2000), TSKH Lê Văn Châu, vị Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đầu tiên rời vị trí lãnh đạo, trao quyền điều hành cho ông Nguyễn Ðức Quang, Chủ tịch UBCK thứ hai tại Việt Nam.

Từ thời điểm này, ông Lê Văn Châu tham gia Tổ cố vấn kinh tế đối ngoại và thị trường tài chính của Thủ tướng (2000-2006) và sau đó làm Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (từ 2003-nay).

Trong các hoạt động lớn của TTCK Việt Nam, người tham dự luôn thấy sự hiện diện của ông - một bậc cao niên đẹp đẽ, an nhiên với nụ cười đôn hậu thường trực. Ông rất ít khi phát biểu, nhưng thường xuyên dành những lời động viên cho các thành viên thị trường.

20 năm sau ngày biết ông, tôi mới hiểu, vì sao ở vị Chủ tịch UBCK đầu tiên luôn toát lên vẻ đẹp thầm lặng, sâu thẳm.

Ðược Ðảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Ðộc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, nhưng ông Lê Văn Châu chưa bao giờ kể về những phần thưởng cao quý đó.

Cho đến khi vào tuổi của những hiền nhân, ông Châu nghĩ đến đồng đội, đến những nỗ lực tuyệt mật một thời để thực hiện bằng được việc xây một con đường tiền tệ theo sáng kiến của cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng.

Ông quyết định viết sách. Cuốn sách “Huyền thoại con đường tiền tệ trong kháng chiến chống Mỹ” được xuất bản ngay trước thềm TTCK Việt Nam tròn 20 năm khai trương hoạt động, truyền tải ý nguyện trao lại cho thế hệ trẻ hôm nay nguồn cảm hứng và tự hào vô tận về trách nhiệm thiêng liêng đối với Tổ quốc, với dân tộc mà bao thế hệ người Việt đã xả thân, góp sức xây dựng, giữ gìn và phát triển nên.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã đi vào sử sách Việt Nam và thế giới như một huyền thoại. Trên các mặt trận quân sự, ngoại giao, chính trị…, đã có nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu, tư liệu được công bố, nhưng “mặt trận kinh tài” rất ít được biết đến.

Như ông Châu chia sẻ, đây là mặt trận tuyệt mật do tính chất công việc phải thực hiện thời đó, đó là huy động, chế biến, chi viện tài chính cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Nhiều trăm triệu USD đã được chi viện cho chiến trường miền Nam thông qua một con đường thầm lặng, đầu gọi vốn là B29, nơi ông Châu làm việc, đầu nhận vốn là N2683, tại chiến trường miền Nam. Tổ chức B29 có danh nghĩa Cục Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, nhưng về điều hành, B29 chịu sự chỉ đạo đơn tuyến như nguyên tắc hoạt động của tình báo.

B29 được sử dụng tổ chức và nghiệp vụ điều hành của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để mở rộng quan hệ đại lý với các ngân hàng quốc tế tại các thị trường như Paris - Hong Kong - London - Rome - Tokyo - Bruxelles - Stockholm - Zurich - Geneve - Phnom Penh - Moscow - Berlin - Bắc Kinh - Quảng Châu…

Phần lớn các ngân hàng nước ngoài này là ngân hàng, đại lý của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, được B29 vận dụng để làm nhiệm vụ công khai về thanh toán, nhưng thực tế là gom góp các nguồn tài trợ và bí mật chi viện cho chiến trường miền Nam.

Với vai trò là tùy viên kinh tế Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh, ông Lê Văn Châu là “trung tâm của 3 trung tâm”, kết nối các đầu mối ở Hồng Kông với Quảng Châu và Hà Nội. Là một mắt xích trên con đường tiền tệ ấy, ông Châu chia sẻ: “Cho đến nay, vẫn rất ít người biết rằng, trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, có một số cán bộ ưu tú của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Ngoại thương được cử vào miền Nam và ra nước ngoài, với nhiệm vụ tìm mọi cách tạo kênh tài chính bí mật, xuyên qua nhiều quốc gia, nhiều vùng, sẵn sàng đối mặt với rủi ro, nguy hiểm, để cung cấp kịp thời nguồn tài chính mà chiến trường cần, đất nước cần”.

Nét độc đáo của tổ chức này là ở chỗ, lấy cái công khai làm bình phong cho cái bí mật, tức là mọi hoạt động của cái bí mật đều lấy danh nghĩa của cái công khai!

Con đường vốn thầm lặng đã huy động, chế biến và chu chuyển các loại tiền từ nguồn viện trợ công khai hoặc âm thầm từ các quốc gia trên toàn thế giới trong tròn 1 thập kỷ (1965-1975). Dòng chảy vốn chảy một cách bí mật, an toàn, không xảy ra thiếu hụt hay lộ bí mật nghiệp vụ, lộ cơ sở bí mật.

Ðó là điều tuyệt vời, có một không hai trên thế giới. Ðảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 tổ chức B29, N2683 và C32 (Ban Ngân tín R thuộc Trung ương Cục miền Nam), ghi nhận kênh tài chính đặc biệt ấy là con đường huyền thoại, cùng với con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, con đường Hồ Chí Minh trên bộ, con đường xăng dầu, góp sức cho miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước.

Không chỉ làm nhiệm vụ huy động, chế biến tiền và luân chuyển tiền kịp thời cho chiến trường miền Nam, B29 còn thực hiện các hoạt động kinh doanh trên thị trường tài chính quốc tế, góp thêm nhiều chục triệu USD tiền lãi cho Trung ương.

Con đường vốn thầm lặng được xây lên từ tài năng và tình yêu Tổ quốc của một thế hệ những người cách mạng ưu tú. Khi chiến tranh qua đi, công cuộc tái thiết nền kinh tế cần thêm nhiều con đường mới, mà một trong số đó là xây một con đường vốn minh bạch, kết nối cung - cầu vốn cho phát triển, đó là xây TTCK Việt Nam. 

Hai nửa con đường vốn, cho đất nước đi lên ảnh 1

Hệ thống giao dịch chứng khoán thử nghiệm diễn ra vào năm 1998.

… Làm nền xây con đường vốn minh bạch

Sau 2 năm đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành dự khuyết Ngân hàng Thế giới tại Washington, Hoa Kỳ, ông Châu trở về Việt Nam đảm nhận vị trí Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thời đó (năm 1990), đất nước vừa thoát thai cơ chế bao cấp, bước sang giai đoạn Ðổi mới.

Hệ thống ngân hàng quy mô còn nhỏ, 5 ngân hàng lớn nhất cũng chỉ có vốn khoảng 20 triệu USD, không đủ khả năng để mở rộng và tạo kênh tài chính cho phát triển kinh tế. Cách tạo nguồn tài chính cho ngân sách chỉ xoay quanh việc phát hành công trái cho dân, hoàn toàn chưa có khái niệm thị trường vốn.

Làm thế nào để giải được bài toán tìm vốn cho phát triển kinh tế, đó là một trong những trăn trở thường trực của Ðảng và Nhà nước, nhất là Tổng Bí thư Ðỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ.

Bối cảnh nền kinh tế lúc đó khiến ông Lê Văn Châu mạnh dạn đề xuất ý tưởng xây dựng TTCK, bởi đây chính là thị trường có khả năng tạo vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Kiến nghị này được lãnh đạo cao nhất của Ðảng và Nhà nước rất quan tâm.

Trong một số lần xuất hiện trên báo chí, ông Lê Văn Châu đã chia sẻ, cái khó nhất khi nêu đề xuất xây dựng TTCK Việt Nam là việc phải trả lời được 2 câu hỏi mà Bộ Chính trị đưa ra. Rằng, Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa thì xây dựng TTCK để làm gì? Thứ hai, tính chất giai cấp của TTCK là như thế nào?

“Tôi đã trình bày trong một cuộc họp của Bộ Chính trị rằng, TTCK ra đời là sản phẩm của loài người. Bất kỳ chế độ xã hội nào biết vận dụng nó để tạo ra vốn dài hạn thì thị trường sẽ phục vụ cho lợi ích của giai cấp, của dân tộc đó. Liên Xô cũng đã ra đời TTCK và năm 1990, Trung Quốc cũng mở cửa TTCK. Ðó là thực tiễn sinh động của các nền kinh tế vận động theo quy luật phát triển”. Ông Châu nói và cho biết, cuộc họp kết thúc bằng việc Bộ Chính trị đồng ý đề xuất, chỉ đạo Chính phủ triển khai xây dựng TTCK Việt Nam. Ðó là năm 1991, cách đây sắp tròn 3 thập kỷ.

Năm 1996, UBCK ra đời, là Cơ quan trực thuộc Chính phủ. Năm 2000, Chính phủ khai trương TTCK Việt Nam và đưa Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào hoạt động với người Giám đốc đầu tiên là ông Vũ Bằng (nguyên Chủ tịch UBCK, hiện nay làm thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ).

20-30 năm nữa, mọi hoạt động kinh tế sẽ đều đi qua TTCK. Lúc đó, nền kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ hoàn chỉnh và TTCK sẽ thực sự là nhân tố cốt lõi, là phong vũ biểu của nền kinh tế.TSKH Lê Văn Châu

Năm 2005, Chính phủ mở cửa Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội với người Giám đốc đầu tiên là ông Trần Văn Dũng (hiện nay là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). Thị trường UPCoM cùng thị trường trái phiếu chuyên biệt vận hành vào năm 2009. Năm 2017, sàn phái sinh khai trương. Trong chiều dài vận hành TTCK, các sản phẩm như chứng chỉ quỹ, chỉ số, chứng quyền..., lần lượt ra đời.

Nền tảng pháp lý cao nhất, Luật Chứng khoán, được xây dựng lần thứ 3, tạo khung pháp lý cho những bước chuyển đổi của TTCK. Bên cạnh việc xây dần các cấu phần TTCK, các chế tài để ngăn chặn các hành vi sai trái, phá hoại niềm tin của nhà đầu tư, gây rủi ro đổ vỡ thị trường cũng dần được định hình.

Năm 2015, Quốc hội ban hành Luật Hình sự, theo đó, trong lĩnh vực chứng khoán, ngoài 3 tội danh đã có (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, tội thao túng giá chứng khoán), Luật 2015 bổ sung thêm một tội danh mới, đó là tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.

Việc bổ sung này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo khung pháp lý răn đe, phòng ngừa và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động của TTCK Việt Nam. 

Trong lần đến với TTCK đầu xuân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, phát triển TTCK là một chủ trương lớn và nhất quán của Ðảng, Nhà nước.

Trong đánh giá của Thủ tướng đương nhiệm, TTCK Việt Nam thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu tăng mạnh, huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tăng, một vài năm gần đây, Việt Nam được ghi danh là quốc gia có mức huy động vốn qua kênh chứng khoán thành công nhất Ðông Nam Á.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá rằng, TTCK Việt Nam đã trở thành bệ phóng cho thành công của nhiều doanh nghiệp lớn, hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa và quan trọng hơn là cùng với hệ thống tín dụng của ngân hàng tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Thực tế, khi TTCK đi vào hoạt động ổn định và tăng trưởng, rất nhiều ngân hàng (như ACB, Sacombank, Eximbank, VietinBank…), cùng các doanh nghiệp niêm yết (như SSI, HSC, Hòa Phát, FPT, DHG, VHC…) đã phát hành cổ phần, cổ phiếu, gọi được vốn từ công chúng đầu tư để trở thành những tên tuổi lớn trên thương trường.

Huy động vốn cho ngân sách nhà nước cũng trở nên chủ động và hiệu quả hơn nhiều kể từ khi Việt Nam có thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt.

Các loại trái phiếu kỳ hạn dài, 10 năm, 15 năm, thậm chí 30 năm, đều có thể huy động dễ dàng với lãi suất giảm dần, hiện chỉ còn dưới 2%/năm với kỳ hạn 5 năm, dưới 3%/năm với kỳ hạn 10-15 năm…

Bài toán khó trong gọi vốn cho đầu tư phát triển đất nước của hai, ba thập niên trước đã tìm được lời giải hiệu quả, thông qua sự vận hành của TTCK Việt Nam.

Dù vẫn còn đó những khiếm khuyết, yếu kém cần cải tổ, nhưng đánh giá của người đứng đầu Chính phủ đã cho thấy, vị thế, vai trò của TTCK sau 20 năm đã được ghi nhận xứng đáng. Một số vị nguyên thủ quốc gia khi sang thăm Việt Nam đã dành thời gian đến thăm Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và dành lời khen tặng cho nỗ lực xây dựng thành công TTCK của Việt Nam.

Trong chiều dài 20 năm, nhiều doanh nhân, nhà đầu tư chia sẻ, bước khởi đầu, không ai hình dung hay dám ước mơ về những doanh nghiệp trăm triệu USD, tỷ USD, nhưng theo thời gian, có hàng trăm doanh nghiệp lớn lên, nhờ sự tiếp sức từ huy động vốn qua TTCK để đạt tới tầm vóc lớn. Trên sàn niêm yết, hiện có trên 30 doanh nghiệp vượt qua con số tỷ USD vốn hóa, không chỉ dẫn đầu ngành hoạt động, mà còn vươn tầm ghi danh thứ hạng so với khu vực và thế giới như Vingroup, Vietcombank, Vinamilk, Vietjet, Novaland, Masan, MBBank, ACB, FPT…   

Ông Lê Văn Châu chia sẻ, ông rất hạnh phúc khi chứng kiến 20 năm đầu tiên của TTCK Việt Nam. Ông tin rằng, 20-30 năm nữa, mọi hoạt động kinh tế sẽ đều đi qua TTCK. Lúc đó, nền kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ hoàn chỉnh và TTCK sẽ thực sự là nhân tố cốt lõi, là phong vũ biểu của nền kinh tế.

TSKH Lê Văn Châu, vẫn cốt cách ấy, đã chia sẻ một tầm nhìn tương lai về TTCK Việt Nam từ góc nhìn của một người từng trải. Ông viết sách giải mã huyền thoại con đường tiền tệ, như một cách tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho thế hệ tiếp nối, xây con đường vốn minh bạch đi đến ngày thành công tại Việt Nam.       

Tin bài liên quan