Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Hạ lãi suất, thị trường chứng khoán có thực được hưởng lợi?

(ĐTCK) Cùng chung xu hướng của nhiều nước trên thế giới nhằm hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với tác động của dịch Covid-19, ngày 12/5, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua NHNN có động thái như vậy. Câu hỏi là liệu điều này có nắn dòng tiền vào chứng khoán, thay vì gửi tiết kiệm?

Xu thế chung

Hạ lãi suất điều hành cũng là hướng đi chung của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngoài hai lần cắt lãi giảm suất liên tiếp, còn đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt khác bao gồm mua lại ít nhất 500 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 200 tỷ USD trái phiếu chứng khoán được thế chấp trong các tháng tới.

Chưa kể Fed còn tuyên bố sẽ triển khai một loạt chương trình mua tài sản không giới hạn quy mô và mở rộng hợp tác với nhiều ngân hàng trung ương nước ngoài để cung cấp thanh khoản cho đồng USD.

Ở Việt Nam, trong bối cảnh dù dịch bệnh đã được đẩy lùi nhưng rõ ràng những ảnh hưởng để lại còn rất lớn và cần sự phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại. Nhiều ngành nghề, doanh nghiệp sau thời gian ngưng trệ cần một nguồn vốn rẻ hơn để có thể mạnh dạn quay lại sản xuất.

Ông Dương Kỳ Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam (VIS) cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành là một biện pháp hỗ trợ mạnh thúc đẩy hoạt động kinh doanh gia tăng thông qua kênh tín dụng và cùng nhiều biện pháp đồng bộ khác như giãn nợ, kiểm soát tỷ giá, có thể hỗ trợ cả nền kinh tế hồi phục dần trên diện rộng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện vẫn được kiểm soát ở mức thấp, vì vậy, động thái bơm tiền vào nền kinh tế không gây ra sự lo ngại như đợt khủng hoảng 10 năm trước.

Mức lãi suất cho vay thấp hơn được kỳ vọng sẽ giúp thúc doanh nghiệp tận dụng vay thêm phục vụ mở rộng và nâng cao sản xuất. Điều này sẽ giúp duy trì và cải thiện tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất.

Với các ngân hàng thương mại, lãi suất điều hành của NHNN giảm có thể coi là một tín hiệu để lãi suất trên thị trường giảm theo. Khi một số ngân hàng thương mại vay vốn từ NHNN giảm được chi phí đầu vào sẽ kéo lãi suất tiền gửi và cho vay đi xuống.

Tuy nhiên, đánh giá cụ thể tác động của việc hạ lãi suất điều hành của NHNN, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, việc hạ lãi suất mua kỳ hạn (reverse repo) từ 3,5%/năm xuống 3%/năm và các lãi suất chính sách khác như lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu nhìn chung sẽ không có nhiều tác động tới lãi suất ngắn hạn trên thị trường 1 ở thời điểm hiện tại, do về bản chất, hoạt động này của NHNN đa phần được thực hiện để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn để có điều kiện hạ lãi suất cho vay cho các đối tượng ưu đãi.

Trong khi đó, thanh khoản hệ thống vẫn ở mức dồi dào, thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp (trung bình khoảng 2%/năm) kể từ đầu năm và lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm chỉ ở khoảng 3%/năm - thấp hơn rất nhiều so với lợi suất của các thị trường cận biên.

Hạ lãi suất, thị trường chứng khoán có thực được hưởng lợi?  ảnh 1

Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng.

Đối với việc hạ trần lãi suất huy động của các kỳ hạn dưới 6 tháng, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Phân tích, KBSV, sau thời điểm NHNN hạ lãi suất điều hành lần 1 năm 2020 vào tháng 3 vừa qua, đã xuất hiện xu hướng giảm từ 50 - 100 điểm phần trăm của lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng.

Đây là cơ sở để kỳ vọng lãi suất huy động trung hạn trong thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng giảm, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng tăng cường cắt giảm chi phí huy động để có thể bù đắp cho sự sụt giảm NIM do tác động của các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp mùa Covid-19 (bên cạnh việc thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động khác).

“Xu hướng hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới, khi nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp còn ở mức yếu, kết hợp với các nỗ lực của NHNN nhằm hạ lãi suất cho vay”, ông Bình nói.

Hạ lãi suất, thị trường chứng khoán có thực được hưởng lợi?  ảnh 2

Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm.

Một thực tế là nhu cầu tín dụng các doanh nghiệp đang có sự sụt giảm mạnh, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm chỉ còn 1,32% (so với mức tăng trưởng 4,5% cùng kỳ năm trước).

Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, với cho vay mới ở doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 1%, nông nghiệp tăng 0,3%, trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại - dịch vụ - du lịch, tiêu dùng... đều giảm mạnh.

Trong khi đó, đối với các khoản tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tính đến ngày 8/5/2020, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đạt 130.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ đạt 1.08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với dư nợ cho vay lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630.000 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với mức cam kết ban đầu là khoảng 300.000 tỷ đồng.

TTCK có thực hưởng lợi?

Việc hạ lãi suất điều hành, theo nhiều chuyên gia chứng khoán có thể tạo ra tâm lý tốt hơn nhưng chưa đủ để tạo xu thế tăng bền vững cho TTCK.

Theo bà Lê Minh Thùy, Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, động thái liên tục giảm lãi suất điều hành đã cho thấy chủ trương nhất quán của Chính phủ trong việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Thị trường có thể nhìn nhận đây là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, do đó tạo ra tâm lý tốt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tác động của việc giảm lãi suất điều hành sẽ không quá lớn do chính sách tiền tệ Việt Nam quản lý cung tiền chủ yếu qua tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán.

Ngoài ra, các nghiệp vụ tái chiết khấu, tái cấp vốn với NHNN không được sử dụng thường xuyên và nguồn vốn từ nghiệp vụ này chủ yếu là vốn ngắn hạn, do đó giảm lãi suất điều hành không có tác động lớn lên mặt bằng lãi suất cho vay do một phần lớn các khoản cho vay là nợ dài hạn.  

Thông thường, mặt bằng lãi vay có thể giảm ở các khoản cho vay ngắn hạn, còn đối với các khoản cho vay trung dài hạn lãi suất khó có thể giảm thêm.

Các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lưu động sẽ hưởng lợi khi lãi suất cho vay ngắn hạn giảm.

Đối với các ngân hàng thương mại, việc hạ lãi suất điều hành và giảm thêm lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới biên lãi suất so với thời điểm trước khi giảm lãi suất điều hành, vì các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất cho vay do chi phí vốn đầu vào rẻ hơn.

Bên cạnh đó, ngân hàng chỉ giảm lãi suất cho vay đối với một số khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, chứ không giảm đồng đều cho mọi khách hàng.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay dự kiến khó giảm thêm đối với các khoản cho vay trung dài hạn vì lãi suất điều hành chỉ có tác động tới nguồn vốn ngắn hạn.

Biên lãi suất cả năm 2020 dự báo giảm so với năm 2019 do ngân hàng cắt giảm lãi suất đối với cả khoản vay ngắn và trung dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi chi phí vốn chỉ giảm ở các khoản huy động ngắn hạn, còn mức giảm ở các khoản huy động trung dài hạn không lớn. 

“Chứng khoán luôn kỳ vọng tương lai. Trong bối cảnh giá chứng khoán đã điều chỉnh 20 - 30% so với đầu năm thì nhà đầu tư có sự lạc quan dựa trên yếu tố quan trọng nhất là kinh tế sẽ sớm trở lại nhịp sống bình thường sau khi Việt Nam khống chế dịch thành công và thậm chí hưởng lợi nhiều hơn so với nhiều quốc gia khác”, ông Dương Kỳ Hiệp nói và cho rằng, khi mặt bằng lãi vay giảm thì lãi suất huy động cũng có xu hướng giảm tương ứng.

Mức trần lãi suất tiền gửi 6 tháng thời gian vừa được điều chỉnh có thể xem tác động tích cực cho nhóm ngân hàng thương mại vì chi phí huy động vốn trung bình sẽ thấp hơn, đặc biệt là ở những ngân hàng dùng các kỹ thuật miễn phí chuyển khoản để thu hút các dòng tiền chuyển khoản ngắn hạn.

Tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện nay lãi suất trung bình 4,5 - 4,7% với tổng tiền gửi chiếm khoảng 25 - 30% tổng số tiền gửi ngân hàng.

Như vậy, đối với các ngân hàng việc hạ lãi suất cho vay không bị ảnh hưởng nhiều mà có thể kéo tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Lợi nhuận ròng của các ngân hàng trong năm nay khó có thể đạt cao như các năm trước mà khả năng giảm khoảng 15 - 20%, nhưng nếu so với mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại thì một số cổ phiếu ngân hàng vẫn còn tính hấp dẫn.

Quyết định giảm lãi suất và đưa ra các gói vay ưu đãi trong thời gian qua nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn bởi Covid-19 là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang có những khoản vay lớn để tập trung đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp đang tăng cao. Những doanh nghiệp có khoản vay lớn chủ yếu nằm trong nhóm ngành dầu khí, bất động sản, thép…

Nhưng có một thực tế là không phải doanh nghiệp nào cũng sớm được tiếp cận những ưu đãi này.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn do nhiều ngân hàng vẫn lo sợ rủi ro nợ xấu vì Covid-19 nên lãi suất huy động nhiều khả năng cũng sẽ giảm theo để duy trì NIM.

Nếu NHNN tiếp tục có các động thái quyết liệt hơn trong việc hạ lãi suất huy động thì mới thực sự tác động mạnh tới TTCK.

Tin bài liên quan