Việt Nam - Hàn Quốc hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hàn Quốc chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Hàn tại Hà Nội

Việt Nam - Hàn Quốc hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hàn Quốc chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Hàn tại Hà Nội

Gọi vốn từ xứ Kim Chi

(ĐTCK) Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc vào giữa tháng 4 tới nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường trao đổi, thúc đẩy và hỗ trợ mạnh hơn dòng vốn từ xứ Kim Chi chảy vào thị trường tài chính Việt Nam.

Những lĩnh vực ưu tiên gọi vốn

Sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hàn Quốc Mun Che In, hai quốc gia vừa chính thức đưa ra tuyên bố chung gồm 23 điểm, trong đó, thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư là một nội dung quan trọng. Các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên gọi vốn từ Hàn Quốc là công nghiệp hỗ trợ, điện tử, năng lượng, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hiện đại, cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh, khu công nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

Tuyên bố khẳng định: “Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng quy mô lớn cũng như sự quan tâm của Hàn Quốc đối với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại”. Cùng với đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác công nghệ trong tài chính, mở rộng việc tham gia thị trường của các công ty tài chính.

Ngay sau tuyên bố chung, Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc sắp được ngành tài chính Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều tập đoàn, tổng công ty trong các ngành cần gọi vốn từ xứ sở Kim Chi này. Trong danh sách tham gia Đoàn công tác của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng có nhiều cái tên đáng chú ý như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện GENCO 1, 2, 3, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cùng nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV… nhằm mở rộng cơ hội gọi vốn.

Thực tế, vốn đầu tư từ Hàn Quốc đến Việt Nam từ năm 1992 khi hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoai giao. Đến hết năm 2017, Hàn Quốc có hơn 6.400 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 58 tỷ USD. Tuy nhiên, đa số các dự án này đều là đầu tư trực tiếp. Các hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính thông qua góp vốn cùng phát triển với doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ khoảng 50 dự án.

DN đầu tiên gọi vốn gián tiếp từ Hàn Quốc là Ngân hàng TMCP Á Châu vào năm 2008. Sang năm 2009, Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát nhận khoản đầu tư 2,8 triệu USD từ Hàn Quốc (năm 2018, DN này nhận thêm khoản đầu tư gần 16 triệu USD từ Valuesystem, Hàn Quốc).

Hai năm trở lại đây, dòng vốn Hàn Quốc gia tăng đầu tư vào DN Việt Nam, nhưng khoản đầu tư lớn nhất cũng mới chỉ có quy mô 100 triệu USD (Mirea Asset Value đầu tư vào Novaland). Làm thế nào để kích hoạt dòng chảy vốn đầu tư gián tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam là chủ điểm trọng tâm trong hội nghị xúc tiến đầu tư ngành tài chính tới đây.

“Bên nhau để tạo nên những việc tốt lành”

Chính phủ Hàn Quốc đã công bố Chính sách hướng Nam xác định Việt Nam sẽ là quốc gia ưu tiên nhận đầu tư trong khu vực ASEAN. Hai quốc gia hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào năm 2020. Tổng thống Hàn Quốc đã khẳng định sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển giữa 2 nước để đóng góp vào mục tiêu đã định.

Trong Diễn đàn Việt Nam - Hàn Quốc vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc đã nhắc tới cơ duyên xứ Kim Chi góp phần làm nên hình ảnh Việt Nam thông qua nhiều hoạt động và ông cho rằng, nếu “Việt Nam và Hàn Quốc cùng bên nhau, chúng ta sẽ tạo ra được nhiều việc tốt lành”.

Trên TTCK, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên giúp đỡ Việt Nam xây dựng TTCK giai đoạn đầu khai mở thị trường. Sở GDCK Hàn Quốc mở cửa trước TTCK Việt Nam hơn 4 thập kỷ. Hiện tại, Sở GDCK Hàn Quốc là đối tác cung cấp hệ thống công nghệ thông tin tích hợp trên toàn TTCK Việt Nam (Sở GDCK TP.HCM, Sở GDCK Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán).

Trên cương vị Chủ tịch Sở GDCK TP.HCM vào năm 2016, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Sở GDCK Hàn Quốc để nâng cấp nền tảng công nghệ trên TTCK Việt Nam.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc sẽ giới thiệu các chính sách mới trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, những biện pháp thúc đẩy cổ phần hóa và thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Nhiều công ty chứng khoán hàng đầu như HSC, SSI, VNDS, VCBS, MBS cùng một số công ty quản lý quỹ lớn như Dragon Capital, Eastpring Investments… dự kiến sẽ góp mặt thực thi nỗ lực gọi dòng vốn gián tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam, nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác trong lĩnh vực tài chính của hai quốc gia.

Tin bài liên quan