Mối lo “ế” cổ phiếu
Lên sàn chứng khoán ngõ hầu huy động được vốn cổ phần nhằm giảm gánh nặng phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, nhưng thực tế đang cho thấy, doanh nghiệp không dễ huy động được nguồn vốn dài hạn.
“Công ty làm ăn có lãi, nhưng một phần do cổ phiếu giảm dưới mệnh giá, nên phương án phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu đã được Ðại hội đồng cổ đông thông qua từ năm 2017 đến nay vẫn không thể triển khai. Một lần nữa, Hội đồng quản trị phải trình đại hội năm nay thông qua phương án tăng vốn này để triển khai trong năm 2019, hoặc đầu năm 2020.
Tuy phương án tăng vốn cổ phần được hoãn, lùi như vậy, nhưng khả năng vẫn khó thành công, nên chúng tôi đã tính đến phương án phát hành trái phiếu, mà thực chất là chẳng khác gì đi vay ngân hàng với hạn mức khoảng 200 tỷ đồng để có vốn triển khai một số dự án mới”, tổng giám đốc một công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chia sẻ.
Lãnh đạo Công ty Chứng khoán An Phát (APG) cho biết, năm 2019, Công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 340 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2018 và phát hành ra đại chúng.
Tuy nhiên, trước thời điểm diễn ra Ðại hội bất đồng cổ đông thường năm 2019, Hội đồng quản trị APG đã bổ sung kế hoạch phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu để dự liệu cho sự thất bại của phương án phát hành ra đại chúng, nhằm đáp ứng nhu cầu có thêm vốn cho hoạt động của Công ty và phương án bổ sung này đã được đại hội thông qua.
Thực tế cho thấy, lượng vốn mà các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) huy động được qua phát hành thêm cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm 2019 tuy tăng trưởng mạnh, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn khá thấp.
Cụ thể, năm 2017, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE huy động được 28.066 tỷ đồng qua phát hành thêm cổ phiếu, con số này giảm mạnh xuống còn 16.538 tỷ đồng trong năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp huy động được 19.386 tỷ đồng vốn cổ phần.
Con số tổng hợp của Bộ Tài chính ở bình diện toàn thị trường cho thấy, giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cả cổ phiếu lẫn trái phiếu trong năm 2018 tăng 35,4% so với năm 2017, nhưng cũng chỉ đạt gần 64.900 tỷ đồng. Con số này là quá nhỏ so với tỷ lệ tín dụng/GDP năm 2018 theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là khoảng 134%.
Tỷ trọng cung ứng vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế tính theo giá trị phát hành thực tế trong năm qua tăng đáng kể so với năm 2017, nhưng cũng chỉ chiếm 14% tổng cung ứng vốn. Ðiều đó cho thấy, các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng.
Ðường vòng vay vốn ngân hàng?
Trong bối cảnh lượng vốn doanh nghiệp huy động được qua phát hành cổ phiếu ở mức thấp, thì tốc độ huy động vốn qua kênh trái phiếu lại tăng nhanh từ đầu năm đến nay. Ðáng chú ý, sức cầu lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phần nhiều đến từ khối ngân hàng.
Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng đang niêm yết, các ngân hàng thương mại là nhà đầu tư chủ lực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Với lượng tiền huy động được dồi dào, các ngân hàng ưa thích đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp vì thu được lợi nhuận khá tốt với mặt bằng lãi suất trái phiếu từ 12 - 13%/năm và khoản đầu tư vào trái phiếu có sự linh hoạt. Xu hướng này dự kiến tiếp diễn trong thời gian tới nên các doanh nghiệp sẽ gia tăng chọn kênh trái phiếu để gọi vốn.
Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp bán trái phiếu cho ngân hàng, ở một khía cạnh nào đó chẳng qua là họ đi đường vòng để vay vốn của ngân hàng.
“Các đợt phát hành trái phiếu hiện tại đa phần là phát hành riêng lẻ, với điều kiện cũng như hồ sơ phát hành đơn giản hơn nhiều so với phát hành cổ phiếu để tăng vốn, nên giúp doanh nghiệp nhanh có vốn. Ðiều này khiến nhiều doanh nghiệp chọn kênh gọi vốn qua phát hành trái phiếu.
Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất huy động vốn trái phiếu được đẩy lên 13 - 14%/năm, nên hút mạnh vốn của nhà đầu tư cá nhân. Ðiều này càng khiến cho doanh nghiệp gọi vốn qua bán cổ phiếu thêm khó khăn”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp khó gọi vốn qua kênh cổ phiếu.
Một nguyên nhân khác, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán ví von, một số doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ thích biến nhà đầu tư thành “máy ATM”, chứ không thực sự coi cổ đông là ông chủ.
Khi hút được tiền về thì doanh nghiệp tiêu theo ý muốn của mình, mà đôi khi không theo chủ trương đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Quá trình sử dụng vốn kém minh bạch, thậm chí khuất tất, nên ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, khiến họ không mặn mà tham gia các đợt doanh nghiệp phát hành cổ phiếu.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định rõ ràng về chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá, cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp khó gọi thêm vốn cổ phần.
Ðể thúc đẩy kênh huy động vốn cổ phần, nhiều ý kiến cho rằng, cần sự vào cuộc của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý. Theo đó, doanh nghiệp cần chứng tỏ với nhà đầu tư về sự minh bạch, đáng tin cậy trong các đợt phát hành và sử dụng đồng vốn huy động hiệu quả, qua đó gia tăng lợi ích cho công ty cũng như cổ đông.
Ở phía nhà quản lý, trực tiếp là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cần gia tăng sức ép để các doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị công ty, đồng thời tăng không gian cho doanh nghiệp huy động vốn qua phát hành cổ phiếu bằng cách sửa đổi các quy định pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán và doanh nghiệp, đặc biệt là các quy định về cho phép doanh nghiệp huy động vốn qua chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá, nới trần sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài…
Cần cho phép doanh nghiệp chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá
TS. Trần Hồng Nguyên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Hiện có rất nhiều công ty đại chúng đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán có giá cổ phiếu giao dịch thấp hơn mệnh giá. Tính đến tháng 5/2019, có hơn 600 trên tổng số 1.500 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên HNX và HOSE có giá giao dịch cổ phiếu dưới mệnh giá, chiếm tỷ lệ 40% tổng số niêm yết và đăng ký giao dịch. Ðiều này khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chào bán cổ phiếu để huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Xuất phát từ thực tế trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trong việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, tôi ủng hộ việc dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) định ra nguyên tắc: trong trường hợp giá giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, giá chào bán do tổ chức phát hành phối hợp với tổ chức bảo lãnh phát hành (nếu có) xác định trên cơ sở nhu cầu của thị trường.
Việc cho phép doanh nghiệp chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá sẽ phản ánh đúng bản chất của doanh nghiệp, phản ánh đúng quy luật cung cầu trên thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế khi giá chào bán cổ phiếu của doanh nghiệp sát hơn, phù hợp với giá thị trường.
Ðối với các quy định về điều kiện, hồ sơ chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá sẽ giao Chính phủ quy định để có cơ sở triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc bổ sung quy định này sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Doanh nghiệp như quy định về vốn điều lệ tại Khoản 29, Ðiều 4; Ðiểm a, Khoản 1, Ðiều 110 quy định về các hành vi bị cấm tại Ðiều 17, trong đó có hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.
Như vậy, Chính phủ cần rà soát, xem xét nội dung của dự thảo Luật Chứng khoán với dự kiến sửa đổi Luật Doanh nghiệp đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 để xử lý các vấn đề nêu trên đảm bảo tính thống nhất của luật.
Huy động vốn cổ phần, doanh nghiệp cần chia sẻ quyền và lợi ích với nhà đầu tư
Nhà đầu tư Nguyễn Văn Mạnh, Nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng
Với lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ở mức 13 - 14%/năm cùng với điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ đã được cởi mở, rõ ràng đang gia tăng sức hút với dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân tham gia vào kênh đầu tư trái phiếu. Ðiều này càng khiến cho doanh nghiệp khó bán thêm cổ phiếu để huy động vốn.
Việc thiếu cơ chế cho phép doanh nghiệp được chào bán cổ phần dưới mệnh giá để huy động vốn cũng khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong gọi vốn thông qua kênh cổ phiếu. Cơ chế thị trường là thuận mua, vừa bán, nên nhà quản lý không nên can thiệp, mà hãy trao quyền cho bên mua và bên bán quyết định. Bởi vậy, nhà quản lý cần khắc phục bất cập này.
Về phía doanh nghiệp, để phát hành thêm cổ phiếu thành công, cần chia sẻ quyền và lợi ích với nhà đầu tư, đưa ra những đợt phát hành thực sự cần thiết, tránh tình trạng lạm dụng vốn.