Nawaplastic Industries dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu 
tại BMP lên 53,49%

Nawaplastic Industries dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu tại BMP lên 53,49%

Gọi tên cổ đông mới mùa đại hội 2018

(ĐTCK) Nửa đầu năm nay, thị trường chứng kiến nhiều sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu cổ đông lớn ở các doanh nghiệp niêm yết đầu ngành. Các cổ đông mới này cũng đã có những bước tiến sâu hơn vào hoạt động quản trị, điều hành tại doanh nghiệp.

Câu chuyện hoạt động, chiến lược kinh doanh và những vấn đề xoay quanh hai doanh nghiệp hàng đầu ống nhựa xây dựng là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong vẫn luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Từng có chung cổ đông lớn là Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd - công ty nhựa thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan - nhưng hậu thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hai doanh nghiệp này lại có những ngã rẽ khác biệt.

Nawaplastic Industries thoái toàn bộ vốn tại Nhựa Tiền Phong, dồn lực để thâu tóm Nhựa Bình Minh. Sau khi mua lại phần vốn của SCIC tại Nhựa Bình Minh, Nawaplastic Industries tiếp tục đăng ký mua vào 2.865.100 cổ phiếu BMP bằng phương pháp khớp lệnh trên sàn hoặc giao dịch thỏa thuận từ ngày 14/5 đến ngày 12/6/2018. Dự kiến, sau giao dịch này, Nawaplastic sẽ sở hữu khoảng 44,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 54,39% vốn điều lệ của Nhựa Bình Minh.

Tại Đại hội cổ đông thường niên vào cuối tháng 4 vừa qua, cổ đông lớn đã bước sâu hơn vào Hội đồng quản trị Nhựa Bình Minh nhiệm kỳ 2018 - 2023, với việc chiếm 3/5 số ghế. Đây là tỷ lệ áp đảo trong Hội đồng quản trị, giúp một nhóm cổ đông sở hữu gần như có thể quyết tất các nội dung trong thẩm quyền của Hội đồng quản trị.

Theo nhận định các công ty chứng khoán, Nawaplastic Industries tham vọng xây dựng một chuỗi giá trị tổng hợp trong ngành nhựa tại Việt Nam thông qua việc thâu tóm Nhựa Bình Minh - doanh nghiệp sản xuất có hệ thống phân phối tốt.

Diễn biến đáng chú ý là những ngày cuối tháng 2/2018, Tập đoàn SCG đã chính thức khởi công Dự án lọc hóa dầu Long Sơn có quy mô 5,4 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Một trong số sản phẩm đầu ra của dự án là hạt nhựa, nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm nhựa plastic khác.

Thị trường kỳ vọng, với tư cách cổ đông lớn, chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành nhựa, Nawaplastic Industries, công ty con của SCG sẽ có những hỗ trợ cho Nhựa Bình Minh về nguyên liệu đầu vào, khi mà hiện nay 70% nguyên liệu nhựa của Việt Nam phải nhập khẩu. Chi phí đầu vào thấp hơn sẽ là lợi thế rất lớn cho Nhựa Bình Minh, giúp Công ty có thể gia tăng sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Trong khi đó, tại Nhựa Tiền Phong, sau khi Nawaplastic Industries thoái vốn, các cổ đông nội bộ, cụ thể hơn là chính những lãnh đạo Công ty đã gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp. Điều này không quá bất ngờ, đã nằm trong dự báo của nhiều chuyên gia phân tích.

Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, đây là cách mà Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong chống lại sự thâu tóm của nhà đầu tư Thái Lan thông qua chiến lược, chiến thuật cứng rắn nhưng cũng rất khôn khéo. Đặc biệt, Nhựa Tiền Phong đã rất thành công trong việc mời gọi được đối tác lâu năm là Công ty TNHH Hóa chất Sekisui, Nhật Bản trở thành cổ đông lớn.

Sekisui chính thức sở hữu 15% vốn Nhựa Tiền Phong ngay sau khi Nawa hoàn tất thoái vốn. Trước đó, Sekisui cũng đã trở thành đối tác chiến lược và nâng tỷ lệ sở hữu trên 25% vốn tại CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam, công ty con của Nhựa Tiền Phong. Đại hội cổ đông bất thường cuối năm 2017 của Nhựa Tiền Phong đã bầu bổ sung 1 thành viên Hội đồng quản trị, do đại diện cổ đông lớn Sekisui Chemical (Nhật Bản) giới thiệu

Cái bắt tay của hai ông chủ lớn mới mà không mới của Nhựa Tiền Phong được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho Công ty và đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác vốn đã được hình thành vững chắc trước đó.

Cụ thể, Nhựa Tiền Phong có vai trò như một kênh phân phối các sản phẩm của Sekisui Chemical, bao gồm sản phẩm hố ga và hộp kiểm tra bằng nhựa PVC cho các dự án ODA của Nhật ở Việt Nam và các dự án khác. Ngược lại, Công ty nhận được sự hỗ trợ về công nghệ mới và thiết bị hiện đại từ doanh nghiệp hàng đầu của Nhật.

Một diễn biến “thay máu đổi chủ” nổi bật trên thị trường phải kể đến nữa là tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB). Sau thâu tóm, Thaibev đã đưa người vào Hội đồng quản trị Sabeco tại Đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 5 vừa qua.

Theo đó, ba đại diện của Thaibev được bầu vào Hội đồng quản trị Sabeco. Tại Đại hội, ông Koh Poh Tiong, đại diện của Thaibev đã bày tỏ mong muốn đưa thương hiệu Sabeco vươn tầm quốc tế thông qua hệ thống phân phối rộng khắp trên thế giới của Thaibev, F&N, đưa thương hiệu “bia Sài Gòn”, “bia 333” ra khắp các thị trường mà Thaibev hiện diện.

Hậu thâu tóm của cổ đông ngoại, Ban điều hành Sabeco được tiến hành “thay máu” toàn bộ dàn phó tổng giám đốc, chỉ giữ lại Tổng giám đốc Nguyễn Thành Nam. Ba trên bốn nhân sự của Ban điều hành Sabeco hiện là  người của Thaibev.

Sabeco là công ty bia lớn nhất Việt Nam với thị phần 40%. Tính đến cuối năm 2017, Công ty có 26 nhà máy bia trên cả nước, tổng công suất 2 tỷ lít/năm. Tỷ trọng xuất khẩu chưa đáng kể trong doanh thu của Sabeco.

Theo đó, với việc Thaibev đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều kỳ vọng doanh thu của Sabeco sẽ có sự tăng trưởng đáng kể. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), ngoài việc mở rộng thị trường, Thaibev còn có thể giúp Sabeco cải thiện biên lợi nhuận trong dài hạn khi biên lợi nhuận của SAB hiện tại còn thấp hơn nhiều so với các công ty bia đầu ngành khác trong khu vực.

Đợt thoái 34,71% vốn của SCIC tại CTCP Dược phẩm Domesco vẫn chưa diễn ra như kế hoạch, nhưng danh tính “ông chủ lớn” của DMC bên cạnh cổ đông Nhà nước được dự báo không ai khác ngoài Tập đoàn Abbott, Mỹ.

Hiện ông lớn này đang sở hữu 51,69% vốn khi nhận chuyển nhượng gần 17,95 triệu cổ phiếu DMC từ CFR International SpA vào cuối tháng 12 vừa qua. Hoạt động kinh doanh của DMC có nhiều cải thiện khi có sự tham gia điều hành của cổ đông lớn, ngoài việc đẩy mạnh các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, DMC còn được trợ giúp trong việc xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường như Peru, Venezuela.

Đáng chú ý, mới đây, DMC đã ký thỏa thuận mua bán hàng hóa với Công ty Dược Glomed - được xem là một trong những nhà sản xuất dược phẩm nội địa hàng đầu Việt Nam. Công ty này đã được Abbott hoàn tất việc mua lại vào tháng 9/2016.

Việc CTCP Dược Hậu Giang (DHG) đang đẩy nhanh các thủ tục để có thể nới room lên 100% ngay trong năm 2018 cũng thu hút sự chú ý của thị trường. Sau khi nhóm cổ đông nước ngoài thoái vốn năm 2016, DHG chào đón cổ đông Taisho, Nhật Bản - tập đoàn nằm trong Top 5 doanh nghiệp dược lớn nhất Nhật Bản, sở hữu 24,44% vốn DHG. Hiện tại, SCIC (đang sở hữu 43,31% cổ phần) và Taisho là hai cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp dược này.

Nhiều dự đoán, Taisho sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại DHG khi SCIC có kế hoạch thoái vốn. Hiện Taisho đang tham gia tư vấn và hỗ trợ DHG nâng cấp các dây chuyền sản xuất chiến lược khác đạt tiêu chuẩn PIC/S, PMDA và GMP-EU. Khi nhà máy DHG đạt được các tiêu chuẩn trên sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho công tác xuất khẩu của Công ty.

Còn nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch chào đón đối tác chiến lược mới, nhiều doanh nghiệp khác cũng trong lộ trình thoái bớt vốn nhà nước, đây là cơ hội để các tổ chức trong nước và nước ngoài có thể tham gia.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, công tác thoái vốn, IPO doanh nghiệp nhà nước gần đây có phần trầm lắng hơn do ảnh hưởng bởi diễn biến chung của thị trường chứng khoán, nhưng thị trường giảm lại là một trong những động lực để tăng trở lại trong trung hạn.

Dự báo, nửa cuối năm, sẽ có thêm nhiều đợt thoái vốn Nhà nước cũng như những đợt bán vốn ở các doanh nghiệp tư nhân, khi đó, câu chuyện tái cơ cấu cổ đông sẽ tiếp tục có sự thay đổi đáng kể.

Tin bài liên quan