Gợi mở phương án Nhà nước chỉ giữ 1 cổ phiếu đặc biệt

Gợi mở phương án Nhà nước chỉ giữ 1 cổ phiếu đặc biệt

(ĐTCK) Lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho rằng, để TTCK phát triển, Nhà nước nên giảm tỷ lệ sở hữu ở mức đủ hấp dẫn các nhà đầu tư lớn tham gia thị trường. Từng bước nghiên cứu áp dụng Nhà nước chỉ sở hữu 1 cổ phiếu đặc biệt ở hầu hết các DN thuộc những ngành nghề mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối.

Lên sàn lợi nhuận tăng, giá trị vốn hóa tăng mạnh

Kiến nghị của Vietnam Airlines đến lãnh đạo ngành tài chính, chứng khoán dẫn câu chuyện của chính DN này từ khi cổ phần hóa cho đến khi tìm được cổ đông chiến lược và lên sàn.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, năm 2017, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tổng công ty dự kiến sẽ đạt 2.289 tỷ đồng, giúp DN đạt mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân/năm tính từ sau khi hoàn tất cổ phần hóa (năm 2015) lên tới 185,11% (xem bảng).

• Vốn CSH (Vốn NN) tại thời điểm xác định GTDN là 10.567 tỷ VNĐ
• ĐVT: tỷ VNĐ, riêng hệ số nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu đơn vị là “Lần”
Sau khi chuyển sang CTCP và hoàn thành lựa chọn cổ đông chiến lược, hiệu quả sản xuất kinh doanh và các chỉ số TC của VNA đã được cải thiện vượt bậc và toàn diện 

Đặc biệt, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần vào tháng 4/2015, tháng 5/2016, Tổng công ty này đã chọn được đối tác chiến lược là ANA Holdings Inc (Nhật Bản), góp sức cho Vietnam Airlines tiếp tục bước vững và đạt kết quả kinh doanh vượt trội năm 2016, 2017 vừa qua.

Trên sàn, cổ phiếu của DN này được đăng ký giao dịch trên UPCoM từ tháng 1/2017. Tại thời điểm lên sàn, Chủ tịch Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh chia sẻ, việc lên sàn là thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ông cũng cho biết, lên sàn để làm quen với các chuẩn mực minh bạch, sẵn sàng chủ động cho quá trình hội nhập.

Một giá trị khác Vietnam Airlines đánh giá cao là vốn hóa thị trường. Vốn hóa của DN đã tăng mạnh từ 1,1 tỷ USD tại thời điểm chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (năm 2015) lên mức 1,9 tỷ USD vào nửa cuối tháng 1/2018. Ở quy mô này, Công ty có vốn hóa cao hơn hãng Garuda Indonesia (0,62 tỷ USD) và hãng Thai Airways (1,24 tỷ USD).

Tuy nhiên, so với quy mô các DN cùng ngành khác thì vẫn còn thấp hơn khá nhiều. Chẳng hạn, hãng AirAsia có quy mô vốn hóa 2,71 tỷ USD, hãng Singapore Airlines có vốn hóa 9,01 tỷ USD, hãng Japan Airlines là 11,97 tỷ USD, hãng Air China là 16,79 tỷ USD…

Giảm sở hữu Nhà nước: Lợi ích nhiều bên

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, đưa cổ phiếu lên sàn, Tổng công ty có sự thuận lợi trong việc gia hạn hoặc tăng hạn mức tín dụng từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế từ hệ thống thông tin được cung cấp công khai và đầy đủ.

Hai năm hiện diện trên sàn, hiệu quả hoạt động kinh doanh tăng cao đã giúp Tổng công ty có lợi nhuận trả cổ tức cho cổ đông và tăng tích lũy vốn chủ sở hữu. TTCK cũng mang đến cho Vietnam Airlines một kênh huy động vốn mới, với định hướng lâu dài sẽ sử dụng nguồn này để thực hiện chiến lược mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ hiệu quả thực tiễn sau cổ phần hóa, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng, để TTCK Việt Nam phát triển và bản thân các DN có động lực đổi mới, việc giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các DNNN xuống mức đủ hấp dẫn các nhà đầu tư lớn tham gia vào thị trường là rất cần thiết.

Trong tương lai, cần từng bước nghiên cứu áp dụng cơ chế Nhà nước chỉ sở hữu 1 cổ phiếu đặc biệt ở hầu hết các DN thuộc những ngành nghề mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối, nhưng cổ phiếu đó có quyền phủ quyết một số vấn đề trọng yếu tại doanh nghiệp..

Liên quan đến ý tưởng Nhà nước nên tính phương án chỉ nắm giữ 1 cổ phiếu đặc biệt, năm 2015, khi phương án nới tỷ lệ đầu tư của khối ngoại lên 100% trên TTCK (trừ trường hợp ngành nghề bị hạn chế) được đưa ra bàn thảo, ông Lê Hải Trà, phụ trách điều hành Hội đồng quản trị HOSE từng nêu quan điểm Việt Nam nên xem phương án "cổ phiếu vàng" như tại một số thị trường quốc tế.

Theo đó, Nhà nước chỉ nắm 1 cổ phiếu tại DN (phần còn lại được đại chúng hóa), nhưng có quyền xem xét và phủ quyết những vấn đề trọng yếu. Cách làm này tạo quyền tự chủ tối đa trong kinh doanh cho các cổ đông đại chúng, nhưng vẫn giữ được vai trò của Nhà nước tại các DN loại đặc biệt. Tuy nhiên, cho đến nay, khung pháp lý tại Việt Nam chưa định hình sản phẩm này.

Sản phẩm có tính khả thi trước mắt là chứng quyền có bảo đảm, một dạng chứng khoán phái sinh, với dự kiến sẽ ra đời vào quý I/2018 trên TTCK Việt Nam.        

Tin bài liên quan