Góc nhìn khác về cơ hội bắt đáy chứng khoán

Góc nhìn khác về cơ hội bắt đáy chứng khoán

(ĐTCK) Không ít nhận định nhấn mạnh cơ hội mua vào khi thị trường chứng khoán xuống dốc đang được đưa ra, cổ vũ tinh thần của giới đầu tư. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, những tác động dài hạn mà dịch Covid-19 gây ra cũng như các yếu tố bất định bao phủ dày đặc trên thị trường khiến cơ hội này trở nên mong manh.

Bước vào năm 2020, nhà đầu tư đối diện với những khó khăn dễ nhận thấy: nền tảng kinh tế vĩ mô yếu hơn bởi chiến tranh thương mại, trái phiếu chính phủ trở nên ít vững chắc hơn khi lãi suất xuống thấp, thậm chí còn ở mức âm tại một số thị trường phát triển.

Trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn, nhưng cũng phản ánh nhiều rủi ro hơn.

Tiếp sau đó, sự bùng phát của dịch Covid-19 ở quy mô toàn cầu nhấn mạnh tới 2 yếu tố bất ổn: cấu trúc tăng trưởng của nền kinh tế thế giới yếu hơn và các ngân hàng trung ương không còn những giải pháp thực sự hiệu quả.

Khi virus lan rộng tới một số quốc gia, đặc biệt tại Hàn Quốc, Italy và Iran, các thành viên thị trường khó có thể làm ngơ trước thực tế rằng, cả nguồn cung và nhu cầu đều chịu tác động mạnh mẽ theo hướng tiêu cực.

Trong bối cảnh này, nhiều nền kinh tế lần lượt hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020, nhất là khu vực châu Á.

Dễ nhận thấy, các công ty là đối tượng nhận thức rõ rệt nhất các mối đe doạ hiện tại so với nhà kinh tế, giới chức quản lý hay giới đầu tư.

Một số công ty tạm ngừng công bố các kế hoạch sản xuất - kinh doanh, trong khi báo cáo mới nhất của Goldman Sachs về khu vực châu Á nhấn mạnh tới khả năng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, ít nhất trong quý I.

Xét cả ngắn hạn và dài hạn, các yếu tố khó đoán định vẫn bao trùm toàn cầu. Trong ngắn hạn, câu hỏi đặt ra là bao giờ dịch Covid-19 có thể được kiểm soát? Quá trình khôi phục tổn thất về vật chất và con người diễn ra như thế nào?

Trong dài hạn, các câu hỏi còn hóc búa hơn. Liệu việc kinh tế Trung Quốc trì trệ có tạo nên hiệu ứng domino với tác động mạnh tới các nền kinh tế đang phát triển?

Điều gì xảy ra với các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đang đóng vai trò trụ của cột của không chỉ nền kinh tế Đại lục, mà còn của chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu? Liệu các đứt gãy trong hệ thống kinh tế có làm bùng nổ khủng hoảng kinh tế thế giới?

Thông thường, các thành viên thị trường giữ vững niềm tin rằng, các ngân hàng trung ương luôn sẵn sàng và có nhiều biện pháp để hạn chế yếu tố bất ổn, thúc đẩy giá cả hàng hoá.

Theo đó, nếu nhà đầu tư đứng ngoài cuộc sẽ bỏ lỡ thời cơ mua vào khi thị trường đang xuống dốc nhanh chóng và không thu về lợi nhuận tích cực khi nền kinh tế bước vào guồng quay hồi phục.

Tuy nhiên, hiện tại, các ngân hàng trung ương không có nhiều dư địa để áp dụng các chính sách tiền tệ và thực tế, có những biện pháp không mang lại hiệu quả mong muốn.

Trong đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang đối diện với lãi suất âm, lạm phát không đạt được mục tiêu trong nhiều năm; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất năm 2020, mục tiêu lạm phát 2% vẫn rất “xa vời”; tại châu Á, nhiều ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục…

Khoảng cách được tích luỹ nhiều năm qua giữa giá trị của các loại tài sản và điều kiện suy yếu của nền kinh tế đang trở nên ngày càng sâu sắc và rõ rệt.

Mức giá giảm mạnh kích thích tâm lý mua vào, nhưng hoạt động “bắt đáy” hiện tại chỉ thích hợp với một số nhóm ngành.

Chờ đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cơ hội thu lời lớn nếu bắt đáy sẽ bị bỏ lỡ, nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội nhỏ hơn khác, trong khi rủi ro được giảm thiểu.

Tin bài liên quan