Cần cho phép CTCK được quản lý tiền ký quỹ giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư

Cần cho phép CTCK được quản lý tiền ký quỹ giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư

Gỡ nút thắt về quản lý tiền trên thị trường chứng khoán phái sinh

(ĐTCK) Từ 1/5/2017, Thông tư 23/2017/TT-BTC sửa đổi một số điều liên quan đến Thông tư 11/2016/TT-BTC về thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh sẽ có hiệu lực thi hành. Điểm được chờ đợi nhất trong văn bản này là việc gỡ nút thắt về quản lý tiền trên TTCK phái sinh theo hướng khả thi hơn, khi trước đó, Thông tư 11 quy định quá chặt, dẫn đến nhiều kiến nghị từ công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng, không thể triển khai.

Trước đó, Thông tư 11/2016/TT-BTC có quy định: “Thành viên bù trừ mở cho mỗi nhà đầu tư một tài khoản tiền gửi ký quỹ riêng biệt tại ngân hàng”.

Quy định này yêu cầu thành viên bù trừ phải mở cho mỗi nhà đầu tư một tài khoản tiền gửi ký quỹ riêng biệt tại ngân hàng. Khi văn bản ra đời, nhiều CTCK đã phản ánh, đây là điểm rất khó triển khai trên thực tế bởi một số nguyên nhân.

Thứ nhất, nếu CTCK thực hiện mở chi tiết cho mỗi nhà đầu tư một tài khoản ngân hàng thì sẽ gặp một cái khó là CTCK không có cơ chế tự động xử lý phong tỏa, chuyển tiền của nhà đầu tư để thực hiện các nghĩa vụ cho giao dịch chứng khoán phái sinh, do tài khoản được mở tại ngân hàng, đứng tên nhà đầu tư và do ngân hàng trực tiếp quản lý.

Bên cạnh đó, CTCK không thể cho nhà đầu tư vay margin được, vì quyền giải quyết tài sản thế chấp không thuộc CTCK, nên CTCK bị mất tính chủ động giải quyết thu hồi tiền đã cho vay. Do vậy, CTCK sẽ không tiến hành theo cách này được.

Thứ hai, nếu CTCK mở tài khoản tổng cho nhà đầu tư và yêu cầu ngân hàng chi tiết tiểu khoản tới từng nhà đầu tư thì thực tế hệ thống hiện tại của các ngân hàng không thể đáp ứng yêu cầu này. Nếu muốn thực hiện được, các ngân hàng sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn để nâng cấp hệ thống, mua phần mềm chuyên dụng, trong khi dự kiến các khoản thu phí không đủ để bù đắp chi phí.

Trước thực tế trên, nhiều CTCK đã phản ánh vướng mắc đến Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) để tổng hợp, đề xuất kiến nghị đến nhà quản lý.

Theo đó, VASB đã kiến nghị cần xem xét việc cho phép CTCK được quản lý tiền ký quỹ giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư dưới hình thức tài khoản tổng đứng tên CTCK tại ngân hàng.

Tiền ký quỹ của mỗi nhà đầu tư được quản lý chi tiết tại CTCK trên nguyên tắc chi tiết theo từng nhà đầu tư và được sử dụng theo đúng mục đích mà pháp luật quy định.

Cùng với đó, để chặt chẽ hơn, văn bản pháp luật có thể có thêm quy định CTCK có trách nhiệm cung cấp thông tin chi tiết về số dư, sao kê giao dịch phát sinh trên từng tài khoản nhà đầu tư khi có yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan chức năng.

Trước kiến nghị của các thành viên thị trường, văn bản mới do Bộ Tài chính ban hành đã không quy định “cứng” việc thành viên bù trừ phải mở cho mỗi nhà đầu tư một tài khoản tiền gửi ký quỹ riêng biệt tại ngân hàng (như tại Thông tư 11), mà chỉ quy định CTCK mở tài khoản tiền gửi ký quỹ cho nhà đầu tư tại ngân hàng đứng tên CTCK và CTCK có trách nhiệm quản lý, tách bạch tiền gửi ký quỹ tới từng nhà đầu tư. Theo đó, CTCK có thể mở một tài khoản tổng để quản lý toàn bộ tiền ký quỹ của nhà đầu tư.

Cùng với sự cởi mở này, chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) từng cho biết, Thông tư 23 có thêm 5 điểm mới nhằm tạo thuận lợi hơn cho các chủ thể tham gia TTCK phái sinh.

Chẳng hạn, cơ chế hỗ trợ vay và cho vay chứng khoán để thanh toán cho phép thành viên bù trừ (các CTCK) được sử dụng chứng khoán vay từ hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) để thanh toán theo quy chế của VSD.

Cùng với đó, quy định về thanh toán lãi/lỗ vị thế và thanh toán khi thực hiện hợp đồng  bổ sung thêm các trường hợp thanh toán lãi/lỗ vị thế tại ngày giao dịch, trước ngày giao dịch cuối cùng và trong ngày giao dịch cuối cùng, cũng như sửa đổi, bổ sung quy định việc thanh toán hợp đồng phái sinh dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở phải tuân thủ theo quy chế của VSD.

“Việc sửa đổi quy định này nhằm đảm bảo tính thống nhất với các quy định hiện nay và điều chỉnh các tình huống phát sinh trong thực tiễn”, bà Bình cho biết.

Thông tin từ Sở GDCK Hà Nội cho biết, phương án ra mắt TTCK phái sinh vào tháng 5 đang chờ các cơ quan chức năng như UBCK, Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét, quyết định. Về phía thành viên, dự kiến những ngày đầu khai mở thị trường sẽ có khoảng 10 công ty chứng khoán tham gia với vai trò tổ chức trung gian trên TTCK phái sinh. Các CTCK tiềm năng trong số này là SSI, HSC, MBS, VCBS, BSC…           

Tin bài liên quan