Năm 2015, HNX vinh danh 30 DN có số điểm minh bạch cao nhất trên bảng chấm

Năm 2015, HNX vinh danh 30 DN có số điểm minh bạch cao nhất trên bảng chấm

Giúp doanh nghiệp vượt lên chính mình

(ĐTCK) Với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, gần 20 doanh nhân, doanh nghiệp niêm yết đã được xướng tên trong Lễ vinh danh các doanh nhân đoạt CUP Thánh Gióng nhân ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay. 

Trong niềm vui của các DN nhận giải trên toàn quốc, có niềm vui của những người đang làm ngành chứng khoán - một ngành non trẻ nhưng không ngừng thúc đẩy văn hóa kinh doanh minh bạch và hỗ trợ các DN quản trị hiệu quả để vươn lên. 

Giúp doanh nghiệp vượt lên chính mình

Tháng 11, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức một hội thảo đặc biệt nhằm công bố Báo cáo kết quả chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch 2016. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, HNX thực hiện chương trình này với tầm nhìn xuyên suốt: DN muốn đứng vững phải minh bạch và phải nâng tầm quản trị lên mức chuyên nghiệp.

Đáp lại những nỗ lực của Sở, ba năm gần đây, câu chuyện về quản trị công ty trở thành một tâm điểm nổi bật, nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các DN niêm yết và DN đại chúng. Các DN dần nhận ra rằng, một hệ thống quản trị hiệu quả chính là cơ sở vững chắc cho cả bộ máy vận hành, là yếu tố tạo dựng lòng tin và góp phần thúc đẩy việc phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế hiệu quả hơn.

Trong một hai năm đầu tiên thực hiện Chương trình đánh giá chất lượng minh bạch, các DN còn nhiều bỡ ngỡ với việc "bị" chấm điểm thì HNX đã chia sẻ thông điệp: bên cạnh việc DN phải nâng chất chính mình, nhà quản lý sẽ góp sức xây dựng lớp nhà đầu tư hiểu biết, xây dựng môi trường minh bạch, thân thiện để cùng tương tác, hỗ trợ các DN vươn lên.

Trong một cuộc làm việc tại Báo Đầu tư mới đây, Chủ tịch CTCP TNG ông Nguyễn Văn Thời chia sẻ, chính việc đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HNX, phải theo quy chuẩn minh bạch và có một lần bị xử phạt hành chính do chậm công bố thông tin, mà Công ty ông đã có sự thay đổi căn bản.

Cụ thể, Công ty hiện đại hóa hệ thống thông tin nội bộ, cập nhật thông tin định kỳ hàng tháng đến nhà đầu tư, tạo nên văn hóa minh bạch trong mọi khâu, mọi hoạt động. Doanh nhân Nguyễn Văn Thời vừa được nhận CUP Thánh Gióng cùng với nhiều doanh nhân khác năm nay như Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So (DN niêm yết trên HNX), Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong Nguyễn Quốc Trường (DN niêm yết trên HNX), Tổng giám đốc CTCP Giao thông Quảng Nam Nguyễn Tuấn Anh (DN niêm yết trên HNX), Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành (DN niêm yết trên HOSE), Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng (DN niêm yết trên HOSE)…  

Xây dựng cộng đồng DN niêm yết chất lượng chính là mục tiêu hàng đầu trong công cuộc đẩy mạnh phát triển TTCK Việt Nam. Để hỗ trợ DN, việc xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch, thân thiện sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài - những tổ chức, cá nhân luôn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng thực tế mức độ đầu tư vốn ngoại còn rất thấp.

Cùng với đó, khi cộng đồng nhà đầu tư hiểu biết rõ về quyền và trách nhiệm của mình, họ sẽ tăng cường giám sát, chất vấn, buộc DN phải sử dụng vốn hiệu quả hơn. Theo quan điểm này, Chương trình chấm điểm minh bạch của HNX đã không ngại chỉ ra những việc DN còn yếu, còn thiếu, đồng thời cũng không ngại nêu ra các câu hỏi để các DN “chấm điểm” lại chính HNX hàng năm.

Cách tương tác đa chiều như vậy cùng tinh thần lắng nghe DN, hiểu DN và cùng hợp tác tạo dựng môi trường tốt hơn cho DN, đã khiến sự kiện công bố kết quả chấm điểm của HNX nhận được sự quan tâm và chờ đợi của nhiều DN đại chúng và công chúng đầu tư.

4 năm nay, Chương trình của HNX mới chấm điểm khối DN niêm yết, nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng, HNX nên mở rộng không gian chấm sang khối DN trên sàn UPCoM. Lý do là sàn UPCoM hiện đã thu hút trên 300 DN đưa cổ phiếu vào giao dịch và nhiều DN trên sàn đủ điều kiện niêm yết. Chính các DN UPCoM rất cần được chấm điểm minh bạch để biết rõ điểm mạnh, điểm yếu, thêm nỗ lực vượt lên chính mình để hướng đến các nấc thang cao hơn trong tương lai (niêm yết trên sàn HNX, HOSE hoặc các Sở GDCK ASEAN). 

Nền kinh tế cần DN, cần TTCK lớn lên

Tháng 4/2016, trong cuộc làm việc với ngành chứng khoán, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ một thông điệp: “5 năm tới, nền kinh tế nước ta cần một lượng vốn rất lớn để duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong bối cảnh vốn vay ưu đãi giảm dần, vốn cấp mới từ ngân sách rất ep hẹp, thì nguồn vốn từ thị trường, cụ thể từ hệ thống ngân hàng thương mại và TTCK trở nên rất quan trọng. TTCK phải bật lên, trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, song song với kênh dẫn vốn ngắn hạn là hệ thống ngân hàng”.

Cũng theo Phó thủ tướng, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết của Quốc hội 2016-2020 đều đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó thị trường tài chính phải phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Theo đó, Chính phủ mong muốn thúc TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn để thị trường tiền tệ làm đúng chức năng dẫn vốn ngắn hạn, giảm áp lực vốn ngắn hạn tài trợ cho các hoạt động dài hạn như hiện nay.

Là lĩnh vực non trẻ nhất của thị trường tài chính Việt Nam, TTCK mở cửa năm 2000 với 2 DN lên niêm yết. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đến nay, TTCK đã thu hút trên 1.000 DN giao dịch trên HOSE, HNX và sàn UPCoM, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu hiện khoảng 71,5 tỷ USD, tương đương gần 40% GDP tính theo năm 2015.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu sôi động, điểm đặc biệt là thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) có sự phát triển rất ấn tượng. Thị trường TPCP chính thức trở thành một thị trường chuyên biệt từ năm 2009 do HNX vận hành, phát triển đột phá, không chỉ giúp Ngân sách huy động vốn mà còn cung cấp chỉ báo quan trọng để định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Như Chủ tịch UBCK Vũ Bằng chia sẻ, thị trường trái phiếu chính phủ tại Việt Nam được đánh giá là thị trường phát triển nhanh nhất khu vực Đông Á và ASEAN, do có tốc độ tăng trưởng bình quân về quy mô niêm yết đạt trên 20%/năm.

Theo thống kê, trong khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn được huy động qua TTCK Việt Nam kể từ khi mở cửa, riêng nguồn vốn huy động từ qua thị trường TPCP đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Những sáng kiến cải thiện hạ tầng thị trường, đặc biệt là việc đưa tất cả trái phiếu chào bán qua sàn đấu giá, đã khiến việc huy động dòng vốn này ngày càng rẻ hơn (lãi suất thấp dần) và kỳ hạn ngày càng dài hơn.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch HĐQT HNX cho biết, nếu như năm 2014, kỳ hạn trung bình TPCP khoảng 3,2 năm, thì đến nay đã được kéo dài đến 4,68 năm. Nếu tính riêng kỳ hạn bình quân của công cụ vay nợ là trái phiếu Kho bạc Nhà nước, con số hiện nay (tính đến tháng 9/2016) đạt 5,18 năm.

So với chính mình, TTCK Việt Nam đã tiến một bước rất xa, nhưng nhìn sang các thị trường trong ASEAN, quy mô vốn, sức hấp dẫn các dòng vốn chuyên nghiệp, khả năng hội nhập của TTCK Việt Nam còn rất hạn chế. Làm thế nào để các DN và theo đó là TTCK bật lên và hội nhập? Đó là một trong các vấn đề Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra tại cuộc làm việc với ngành chứng khoán, với mong muốn TTCK Việt Nam trong tương lai không xa sẽ làm đúng vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí mới đây, bà Hoàng Lan cho biết, ở vị thế của Sở, HNX sẽ tiếp tục nâng cấp thị trường trái phiếu hướng theo thông lệ quốc tế, đồng thời hỗ trợ các DN niêm yết, DN đang tập sự niêm yết (trên sàn UPCoM) minh bạch, quản trị chuyên nghiệp. 2 năm gần đây, Chính phủ quyết tâm đưa các DN đại chúng lên sàn khiến khối lượng công việc của các Sở GDCK nhằm phục vụ và hỗ trợ các DN tuân thủ các chuẩn mực trên TTCK ngày một lớn. Dù áp lực, nhưng lãnh đạo HNX tin rằng, sự minh bạch và chuyên nghiệp sẽ góp sức xây dựng cộng đồng DN khỏe mạnh, góp sức xây dựng thị trường vốn Việt Nam xứng tầm.                   

Tin bài liên quan