Vietravel tiền thân là công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải, được cổ phần hóa năm 2014. Ngày 27/9/2019, 12,6 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán VTR của Vietravel chào sàn UPCoM, với giá tham chiếu 40.000 đồng/cổ phiếu.
Dựa vào vị thế và uy tín thương hiệu, cùng kế hoạch mở rộng đầu tư sang lĩnh vực hàng không còn nhiều tiềm năng, với chuyến bay đầu tiên dự kiến cất cánh trong quý II/2020, Vietravel tự tin, giá cổ phiếu VTR sẽ không dừng lại ở mức 40.000 đồng/cổ phiếu.
Thực tế, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu này đã tăng hết biên độ 40% cho phép, đạt 56.000 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng trần thêm 15%/phiên trong 3 phiên tiếp theo, lên mức 85.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 3/10.
Tuy nhiên, chuỗi ngày lao dốc xuất hiện sau đó, đến ngày 22/10, giá cổ phiếu VTR sụt giảm còn 51.000 đồng/cổ phiếu và xu hướng chung từ đó đến nay là giảm dần đều, đóng cửa phiên giao dịch 20/11 ở mức 45.100 đồng/cổ phiếu.
Cuối ngày 30/10, trên website của Vietravel đăng tải báo cáo tài chính quý III/2019, với kết quả lợi nhuận tăng trưởng, nhưng yếu tố này không giúp giá cổ phiếu phục hồi.
Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, trong quý III/2019, Vietravel lãi sau thuế 24,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 18,1 tỷ đồng, vì sao giá cổ phiếu vẫn giảm?
Hoạt động của Vietravel có gì bất thường, hay do nhà đầu tư quan ngại giá cổ phiếu VTR ngày chào sàn được định giá cao…?
Đại diện công bố thông tin của Vietravel chia sẻ, giá cổ phiếu là do thị trường quyết định, ngoài tầm kiểm soát của Công ty.
Trao đổi với phóng viên, một số nhà đầu tư cho biết, họ quan ngại về áp lực trả nợ và lãi vay của Vietravel, trong khi lĩnh vực hàng không mà Công ty đang theo đuổi có mức độ cạnh tranh cao.
Thời điểm cuối quý III/2019, Vietravel có nợ ngắn hạn 1.239,5 tỷ đồng, tăng so với mức 926,8 tỷ đồng đầu năm; nợ dài hạn 749,6 tỷ đồng so với mức 56,3 tỷ đồng đầu năm.
Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, nợ phải trả của Công ty tăng gấp đôi, từ hơn 983,1 tỷ đồng lên 1.989,1 tỷ đồng.
Trong tháng 9, Vietravel đã phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, huy động vốn cho dự án hàng không, với lãi suất cố định 9,25%/năm trong 15 tháng đầu, sau đó là 11%/năm.
Tuy thị trường hàng không còn nhiều tiềm năng, nhưng việc Vietravel theo đuổi tham vọng tham gia thị trường bằng cách lập Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines và có kế hoạch khai thác vào cuối quý II, đầu quý III/2020, trong bối cảnh cạnh tranh ngày một gay gắt là điều khiến nhà đầu tư thận trọng.
Trên thực tế, từng có hãng hàng không “gãy cánh” khi cố chen chân vào thị trường này.
Ngoài ra, quy mô của Vietravel nhỏ, vốn điều lệ 126 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thời điểm cuối tháng 9/2019 là 254,1 tỷ đồng, áp lực nguồn vốn để theo đuổi lĩnh vực hàng không là rất lớn.
Trong khi đó, riêng khoản phải trả lãi trái phiếu (700 tỷ đồng) trong năm đầu tiên (tháng 9/2019 - 9/2020) là gần 65 tỷ đồng, lớn hơn lợi nhuận đạt được năm 2018 (58 tỷ đồng).
Theo báo cáo thường niên 2018, trong cơ cấu cổ đông của Vietravel, cổ đông cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo, sở hữu 78,9% cổ phần, tiếp đến cổ đông chiến lược là Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch và lữ hành quốc tế Sài Gòn sở hữu 16,22% cổ phần, còn lại là cổ đông Ban chấp hành Công đoàn và cổ phiếu quỹ.
Trong số các cổ đông cá nhân có tên trong Hội đồng quản trị Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị nắm giữ lượng cổ phiếu cao nhất, với tỷ lệ 9,07%.