Giao dịch trái phiếu chuyên biệt: Những con số ấn tượng

(ĐTCK) Ngày 2/6/2008, thị trường trái phiếu chuyên biệt ra đời đúng vào giai đoạn thị trường tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn: lạm phát tăng cao, thị trường tiền tệ biến động mạnh, lãi suất tăng nóng… Trái phiếu chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các yếu tố thuộc về môi trường vĩ mô, trực tiếp là lãi suất, do vậy cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) hồi tháng 5 và tháng 6/2008 đã tác động không nhỏ tới xu hướng giao dịch của loại công cụ tài chính này.

Từ tháng khai sinh…

Mức lạm phát cao khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng lãi suất cơ bản lên 12% vào ngày 19/5 cùng với quyết định bãi bỏ trần lãi suất đã xúc tác cho cuộc đua lãi suất của các NHTM, khiến cho lợi suất yêu cầu của nhà đầu tư đối với trái phiếu tăng cao để bù đắp.

Lợi suất chiết khấu của trái phiếu chính phủ (TPCP) cuối tháng 5/2008 lên tới 25%, thậm chí 30% đối với loại có thời gian đáo hạn 5 năm trở lên. Giá trái phiếu giai đoạn này giảm mạnh xuống dưới mệnh giá, chỉ còn khoảng 75.000 đồng/TP với mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 5 năm và 80.000 đồng/TP, kỳ hạn hơn 5 năm. Đầu tháng 6/2008, động thái tăng lãi suất cơ bản từ 12%/năm lên 14%/năm của NHNN đã tiếp thêm "dầu" vào cuộc đua lãi suất, lãi suất huy động VND có lúc lên tới 20%/năm, đẩy tỷ lệ chiết khấu TPCP lên cao, đặc biệt là trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng, có thời gian đáo hạn 2 - 3 năm. Giá của những trái phiếu loại này trở nên "siêu rẻ", chỉ còn được giao dịch ở mức 65.000 đồng/TP. Đây thật sự là giai đoạn "bùng nổ" của thị trường giao dịch trái phiếu Việt Nam, trong đó chủ yếu là các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư nước ngoài (ĐTNN) bán ra, còn các NHTM Việt Nam mua vào.

đến hơn 4 tháng "cọ sát"

Từ đầu tháng 7/2008, khi tác động của gói 8 giải pháp bước đầu phát huy tác dụng thì mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm dần, đặc biệt kể từ tháng 10/2008, khi NHNN thay đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, với 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản. Điều này khiến lợi suất chiết khấu của trái phiếu cũng giảm dần, thể hiện rõ nét trong các phiên đấu thầu gần đây:

Tỷ lệ giao dịch cổ phiếu và trái phiếu tại HASTC từ 2/6 tới 14/11/2008  
Tỷ lệ giao dịch cổ phiếu và trái phiếu tại HASTC từ 2/6 tới 14/11/2008  
Tỷ lệ giao dịch cổ phiếu và trái phiếu tại HASTC từ 2/6 tới 14/11/2008  

Tới nay, lãi suất huy động tại các NHTM khoảng 14%/năm, trong khi lợi suất trái phiếu ở mức 15 - 16%/năm. Đối với các NHTM, chủ thể chiếm đa số giao dịch trái phiếu trên thị trường thì lãi suất cho vay chỉ còn 17%/năm cộng với nhiều rủi ro ẩn chứa trong cho vay đã khiến nhiều ngân hàng tối ưu hóa số vốn huy động vào đầu tư trái phiếu. Như vậy, các NHTM trong nước vẫn coi trái phiếu là công cụ tài chính khá an toàn và hiệu quả. Nếu trước kia, "sân chơi" trái phiếu chỉ dành cho các quỹ ĐTNN, NHTM thì nay, có thêm sự góp mặt của cả các CTCK với số tiền đầu tư có lúc hàng trăm tỷ đồng.

Ngược hẳn với xu hướng mua vào trái phiếu của các NHTM và CTCK trong nước, từ khi thị trường trái phiếu chuyên biệt đi vào hoạt động thì nhà ĐTNN, mà cụ thể là các quỹ ĐTNN liên tục bán ròng hàng tỷ đồng trái phiếu mỗi phiên. Mặt bằng lãi suất giảm cộng với xu hướng bán tháo trái phiếu của khối ngoại đã làm giảm lợi suất trái phiếu, đẩy giá trái phiếu tăng lên trong những phiên gần đây. Ngày càng có nhiều mã trái phiếu được giao dịch trên mệnh giá. Các NHTM đã mua trái phiếu giai đoạn giá thấp hồi tháng 5, 6 đang có cơ hội thu lãi lớn, trong khi không ít nhà đầu tư hối tiếc vì bỏ lỡ cơ hội có được mức sinh lời không nhỏ.

Cơ hội trong tương lai

Tính đến ngày 14/11, có 507 mã trái phiếu niêm yết trên HASTC, trị giá theo mệnh giá gần 154.702 tỷ đồng, đạt trên 11% GDP, cho thấy, TPCP là một trong những kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế. Mặt khác, trong 3 năm qua, tỷ lệ lãi TPCP Việt Nam luôn cao hơn mặt bằng quốc tế, do vậy TPCP Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà ĐTNN, đặc biệt phải kể tới các quỹ đầu tư trái phiếu quốc tế.

Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, thị trường trái phiếu chuyên biệt đã thể hiện rõ tầm quan trọng của mình với khối lượng và giá trị giao dịch luôn chiếm từ 50% tổng giao dịch của HASTC trở lên.

 Cùng dự định phát hành thêm khoảng 27.000 - 28.000 tỷ đồng TPCP trong năm 2008 và 36.000 tỷ đồng TPCP (tương ứng 1,99% GDP) năm 2009 thì khối lượng và giá trị lưu hành của TPCP sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu của nhà đầu tư đối với công cụ tài chính này.

Trong tương lai, thị trường TPCP phát triển sẽ tạo điều kiện cho trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Giao dịch trái phiếu chuyên biệt: Những con số ấn tượng ảnh 3