Với nhiều đặc tính ưu việt như: không bị giới hạn T+3, có thể giao dịch trong ngày và quay vòng, tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, chưa kể việc để giúp giảm thiểu chi phí đầu tư một số công ty chứng khoán còn tiến hành miễn phí giao dịch cho khách hàng, lẽ ra thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam phải là ‘thỏi nam châm’ hút mạnh nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường.
Đã có những thời điểm thị trường này đầy hưng phấn và phát triển bùng nổ, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Thế nhưng trong những tuần gây đây, thị trường chứng khoán cơ sở èo uột, thanh khoản thấp, tâm lý nhà đầu tư chán nản đã lây lan sang cả thị trường phái sinh.
Số liệu tổng hợp được từ Bloomberg cho thấy, giá trị giao dịch trung bình của rổ chỉ số VN30 trong 4 tuần qua ở mức thấp, trung bình chỉ đạt 1.412 tỷ đồng, giảm khoảng 30% so với hồi giữa tháng 3. Đặc biệt phiên giao dịch ngày 19/4 chỉ đạt vỏn vẹn 947,7 tỷ đồng, bằng 49,7% giá trị giao dịch trung bình của rổ chỉ số VN30 trong tháng 3/2019.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, thống kê của HNX cho thấy, trong vòng 1 tháng qua khối lượng hợp đồng phái sinh giao dịch cũng đã giảm 30%, tương đương mức giảm của giá trị giao dịch của rổ VN30.
Cụ thể, trong tuần trước (từ 23-26/4) trung bình một phiên giao dịch số lượng hợp đồng thực hiện chỉ là 73.562 hợp đồng, trong khi ba tuần trước đó (tuần giao dịch bắt đầu từ ngày 25/3), khối lượng hợp đồng giao dịch trung bình mỗi phiên là 106.739 hợp đồng.
Cũng giống như ở rổ chỉ số VN30, trong vòng 1 tháng qua, phiên giao dịch hôm thứ Sáu tuần trước (19/4) là phiên giao dịch tệ nhất của thị trường chứng khoán phái sinh. Tổng số lượng hợp đồng giao dịch trong phiên này chỉ ở mức 56.298 hợp đồng, giảm 35% so với ngày trước đó.
Khối lượng này chỉ bằng 45% so với phiên giao dịch “đỉnh cao” của 4 tuần vừa qua vào ngày 26/3. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng số lượng hợp đồng giao dịch của phiên ngày 26/3 cũng chỉ tương đương mức giao dịch bình quân của những tháng trước đó.
Ngoài việc phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán cơ sở, cụ thể là VN30, thì cơ cấu nhà đầu tư hiện chưa hợp lý cũng ảnh hưởng lớn tới diễn biến của thị trường chứng khoán phái sinh.
Thống kê của HNX cho thấy, tỷ trọng của nhà đầu tư cá nhân trong nước trên thị trường chứng khoán phái sinh hiện vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, mặc dù đã giảm so với những tháng trước đó nhưng tổng khối lượng giao dịch của đối tượng nhà đầu này trong tháng 3 vẫn chiếm tới 97,64%. Việc thiếu vắng sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức chính là một trong những hạn chế lớn nhất của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam hiện nay.
Mục tiêu cơ bản của nhà quản lý thị trường khi đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh là tạo ra những sản phẩm giúp nhà đầu tư phòng vệ rủi ro. Thế nhưng ở Việt Nam, quy mô thị trường còn ở mức rất khiêm tốn, số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện vẫn chiếm đa số, cả trên thị trường chứng khoán cơ sở lẫn thị trường chứng khoán phái sinh, tâm lý đầu cơ vẫn rất thịnh hành.
Đây là những nhân tố dẫn tới việc tại nhiều thời điểm tâm lý của nhà đầu tư cá nhân ảnh hưởng lớn tới diễn biến của thị trường, bất chấp yếu tố cơ bản của thị trường và cổ phiếu có như thế nào. Đây là điều không thể tránh khỏi đối với bất kỳ một thị trường chứng khoán nào ở vào giai đoạn phát triển như thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.