Giao dịch chứng khoán sáng 4/5: Sôi động cổ phiếu thị trường, VN-Index giằng co nhẹ

(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư thận trọng cao độ khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm trong phiên sáng đầu tiên của tháng 5. Mặc dù có màn đảo chiều khá tích cực trong nửa đầu phiên sáng, nhưng lực bán thường trực khiến VN-Index nhanh chóng thoái lui và trở lại với sắc đỏ.
Giao dịch chứng khoán sáng 4/5: Sôi động cổ phiếu thị trường, VN-Index giằng co nhẹ

Mặc dù khối ngoại bán ròng hơn 6.800 tỷ đồng trong tháng 4, nhưng dòng tiền nội tham gia khá tích cực, đặc biệt là dòng tiền mới chảy mạnh vào thị trường, với gần 32.000 tài khoản được mở mới trong tháng 3, đã giúp VN-Index hồi phục và lần lượt dành lại các mốc kháng cự.

Tính chung trong tháng 4, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 106 điểm, tương ứng tăng hơn 16%, lên mức 769,11 điểm; còn HNX-Index tăng 14,2 điểm, tương ứng tăng 15,32% và kết thúc phiên cuối cùng của tháng tại mức 106,84 điểm.

Bước sang tháng 5 với hiệu ứng hay được nhắc tới là “Sell In May, Go Away” - “Bán trong tháng 5 và biến khỏi thị trường”, do thường là khoảng thời gian thiếu vắng thông tin hỗ trợ, khiến cho tâm lý giao dịch không quá tích cực và nhà đầu tư cũng hạn chế giải ngân hơn.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng, xu hướng thị trường sẽ chuyển biến xấu hơn hoặc ít nhất sự tích cực của tháng 4 cũng giảm đi. Tháng "Sell In May" đã tới và dù tỷ lệ tăng/giảm tháng 5 trong lịch sử khá cân bằng, tháng tồi tệ nhất của TTCK Việt Nam thường là tháng 11.  

Ông Khánh nhấn mạnh thêm, do mức tăng quá mạnh trong tháng 4 bất chấp kinh tế đi xuống, giai đoạn phục hồi vẫn còn là một ẩn số nên khả năng chốt lời sẽ mạnh lên, thanh khoản đang yếu dần.

Trong phiên giao dịch sáng đầu tiên của tháng 5, áp lực bán gia tăng ngay khi mở cửa, tiếp tục đẩy thị trường đi xuống. Tuy nhiên, khi tiệm cận vùng giá 760 điểm, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên.

Sau hơn 1 giờ, chỉ số VN-Index đã lấy lại gần 10 điểm và le lói sắc xanh, nhưng dòng tiền tham gia khá hạn chế khiến thị trường không thể đi xa. Chỉ số VN-Index lình xình đi ngang trong khoảng thời gian ngắn và dần thoái lui trước áp lực bán thường trực.

Thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ nhưng do áp lực bán không dồn dập khiến VN-Index tiếp tục duy trì trạng thái điều chỉnh nhẹ.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1 điểm (-0,13%) xuống 768,11 điểm với 105 mã tăng và 223 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 171,49 triệu đơn vị, giá trị 2.055,3 tỷ đồng, tăng 23% về khối lượng nhưng giảm 7,43% về giá trị so với phiên sáng 29/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với hơn 16 triệu đơn vị, giá trị hơn 349 tỷ đồng.

Nhóm bluechip khá phân hóa với 11 mã tăng, 2 mã đứng giá và 17 mã giảm. Trong đó, một số mã như VNM, HPG, MSN, MWG, NVL, POW, ROS có mức giảm hơn 1%, còn lại VCB, VPB, VRE, SAB, BVH… chỉ điều chỉnh nhẹ.

Trái lại, một số mã lớn đóng vai trò hỗ trợ, giúp thị trường không giảm quá sâu như VHM +1,7% lên 64.700 đồng/CP, GAS +1,9% lên 64.600 đồng/CP, SBT +4,7% lên 14.400 đồng/CP, trong nhóm ngân hàng có HDB đảo chiều hồi phục tích cực khi +2,4% lên 21.150 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đáng chú ý là họ nhà FLC. Trong khi FLC thoát sắc xanh mắt mèo nhưng vẫn giảm sâu cùng ROS, HAI cũng ngấp nghé sàn, thì AMD, FIT dừng chân giảm hết biên độ. Cụ thể, FLC -6% xuống 2.810 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 13,3 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường; ROS -5,1% xuống 3.570 đồng/CP và khớp 7,64 triệu đơn vị…

Trong khi đó, sau công bố lãi quý I/2020 đạt 25 tỷ đồng, tăng 341% so với cùng kỳ, cổ phiếu ITA đã đảo chiều tăng vọt cùng thanh khoản lớn. Hiện ITA +5,8% lên sát mức giá trần 2.560 đồng/CP và khớp lệnh 10,15 triệu đơn vị, chỉ đứng sau FLC về thanh khoản.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng khiến HNX-Index tiếp tục mất điểm

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,58 điểm (-0,54%), xuống 106,26 điểm với 32 mã tăng và 43 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,93 triệu đơn vị, giá trị 172,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 14,83 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 giao dịch không mấy tích cực khi phần lớn đều đứng giá tham chiếu như NVB, PVB, PVC, NRC, MBS, DHT, DTD… hay điều chỉnh nhẹ ACB, SHB, VCG, VCS, CEO, BVS…, chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh.

Cụ thể DGC +2,2% lên 27.400 đồng/CP, CAP +2% lên 31.300 đồng/CP, PVS +0,9% lên 11.700 đồng/CP, TNG +3,3% lên 12.700 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sau 8 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu KLF đã để mất sắc tím và tạm chốt phiên sáng nay tại mốc tham chiếu 2.400 đồng/CP, khớp 3,82 triệu đơn vị. Trong khi đó, HUT cũng đứng giá tham chiếu sau phiên tăng trần trước đó và dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 4,12 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trên UPCoM, giao dịch khá rung lắc nhưng với áp lực bán gia tăng cuỗi phiên khiến thị trường cũng khoác áo đỏ.

Thị trường UPCoM giảm 0,13 điểm (-0,25%), xuống 52,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,52 triệu đơn vị, giá trị 70,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,97 triệu đơn vị, giá trị gần 56,8 tỷ đồng.

Hai mã LPB và BSR dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM, với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,97 triệu đơn vị và 1,16 triệu đơn vị. Tạm chốt phiên sáng, LPB +1,43% lên 7.100 đồng/CP, còn BSR +1,69% lên 6.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, nhiều mã lớn như VGI, ACV, BCM, MCH, QNS… giao dịch dưới mốc tham chiếu, đã gia tăng gánh nặng cho thị trường.

Tin bài liên quan