Giao dịch chứng khoán sáng 28/5: Gãy cánh

Giao dịch chứng khoán sáng 28/5: Gãy cánh

(ĐTCK) Đang băng băng thẳng tiến, tưởng chừng VN-Index sẽ lên chinh phục lại mốc 870 điểm, nhưng khi vừa qua ngưỡng 865 điểm, áp lực bán ra tăng đã khiến VN-Index gãy cánh quay lại vùng 860 điểm.

Trong phiên hôm qua, sau khi được kéo lên 875 điểm từ khá sớm, áp lực chốt lời đã đẩy VN-Index về sát điểm xuất phát, nhưng sau đó nỗ lực có thêm một lần nảy trở lại gần mức giá trên.

Lực cung chốt lời khá mạnh xuất hiện sau giờ nghỉ trưa, đẩy VN-Index xuống dưới tham chiếu và tiếp tục lùi sâu đến khi đóng cửa, mất gần 12 điểm xuống 857 điểm.

Theo nhận định của MBS thì thị trường điều chỉnh giảm là điều bình thường vì sau hơn 3 tuần tăng liên tiếp, các cổ phiếu đã có mức tăng bình quân từ 20 đến 30% sẽ kích thích các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 28/5, sự phân hóa mạnh có thể nhìn rõ chỉ sau hơn 30 phút giao dịch. VN-Index được kéo lên từ sớm và lùi xuống dưới tham chiếu sau đó, trước khi bật trở lại vùng giá cao tại trên 860 điểm.

Độ rộng thị trường nhìn chung khá cân bằng, nhưng điểm tích cực là đa số các cổ phiếu đang có thanh khoản cao nhất HOSE đều tăng, cộng thêm trợ lực từ nhóm bluechip trong rổ VN30, khi có trên dưới 25 mã xanh, mặc dù đa số biên độ tăng chỉ trên dưới 1%.

ITA vẫn đang là cổ phiếu hút mạnh dòng tiền nhất, khi hơn 1 giờ giao dịch đã có gần 13 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ITA, sáng nay EVG và TNI cũng nổi sóng, khi tăng kịch trần từ sớm, trong đó, EVG đang dư mua giá trần hơn 1,5 triệu đơn vị.

Vọt lên vào giữa phiên lên trên 865 điểm nhờ một số mã lớn nới đà đi lên như VHM, VCB, BID, nhưng sau đó, cũng chính những mã này hạ độ cao đã gián tiếp khiến VN-Index quay đầu đi xuống và tạm kết phiên ở trên 860 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 166 mã tăng và 176 mã giảm, VN-Index tăng 4,00 điểm (+0,47%), lên 861,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 173,8 triệu đơn vị, giá trị 2.966 tỷ đồng, giảm 18% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,5 triệu đơn vị, giá trị 294 tỷ đồng.

Như đã đề cập, một số mã lớn sau khi tăng tốt nửa đầu phiên lên đã hạ thấp độ cao về cuối phiên với VHM chỉ còn +0,3% lên 74.900 đồng; VCB +1,4% lên 84.100 đồng; BID +1,4% lên 40.350 đồng.

Một số bluechip trong rổ VN30 vẫn còn tăng khá có CTD +4,6% lên 77.500 đồng; VRE +2,2% lên 26.050 đồng; STB +1,5% lên 10.250 đồng.

Còn lại chỉ nhích nhẹ như VPB +1,1%; CTG +0,9%; VIC +0,1%; VNM +0,4%; CTB +0,5%; MSN +0,3%, và HPG, GAS và SSI đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản HPG vẫn cao nhất nhóm với hơn 8,1 triệu đơn vị khớp lệnh; STB có 7,4 triệu đơn vị; VPB và CTG có hơn 4 triệu đơn vị. Nhóm VRE, POW, SSI, ROS có từ 2,5 triệu đến 3,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường ITA giao dịch sôi động nhất với hơn 16 triệu đơn vị khớp lệnh, dẫn đầu sàn HOSE, tăng lên mức giá trần 3.410 đồng và còn dư mua giá trần hơn 2,9 triệu đơn vị.

2 mã TNI và EVG giữa vững sắc tím, khớp 3,28 triệu đơn vị và 2,2 triệu đơn vị. Mặc dù giao dịch tại TNI đáng chú ý hơn, khi có thời điểm bị bị đẩy xuống mức giá sàn.

Còn lại phân hóa mạnh, với sắc xanh tại HSG, OGC, DXG, DBC, HAG, HBC, TVB, HHS, DAH,..trong đó, HSG thanh khoản cao nhất với 5,5 triệu đơn vị.

Trong khi TCH, LDG, SZC, KBC, GVR, HQC, DIG, FRT tạm kết phiên trong sắc đỏ, khớp từ 0,83 triệu đến 1,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất có sự phân hóa mạnh, nhưng nhờ cặp đôi ngân hàng lớn là ACB và SHB đứng vững đã góp phần lớn giúp HNX-Index tăng khá.

Theo đó, SHB +3,7% lên 23.000 đồng; ACB +0,9% lên 23.000 đồng. Đóng góp khác còn có DGC +3,4% lên 36.700 đồng; CEO +1,4% lên 7.500 đồng, cùng 2 mã nhỏ AAV, DST tăng kịch trần

Phần còn lại chia đôi ngả với TNG, SHS, MBG, HUT, ART, AMV, PLC, HKB đứng tham chiếu.

Trong khi PVS -1,6% xuống 12.600 đồng; NVB -2,5% xuống 8.000 đồng; MBS -1% xuống 10.300 đồng; TAR -3,4% xuống 25.500 đồng; TIG -1,5% xuống 6.500 đồng, KLF giảm sàn xuống 1.800 đồng.

Khớp lệnh cao nhất sàn là SHB với hơn 6,68 triệu đơn vị; PVS có 2,76 triệu đơn vị; ACB có 2,35 triệu đơn vị. Các mã KLF, AAV, MBG, SHS, TNG có từ 0,58 triệu đến 0,93 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 63 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index tăng 0,91 điểm (+0,84%), lên 109,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,84 triệu đơn vị, giá trị 287,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,45 triệu đơn vị, giá trị 1,45 tỷ đồng.

Trên UpCoM, phần lớn thời gian chỉ số UpCoM-Index ở trên tham chiếu, nhưng với việc đảo chiều của nhiều mã lớn xuống sắc đỏ đã kéo chỉ số này về sát tham chiếu khi kết phiên.

Hàng loạt các mã lớn, thanh khoản tốt như BSR, LPB, VIB, VGU, C4G, LTG, CTR, HND, OIL, ACV, VEA, MPC… đã giảm điểm. Sắc xanh chỉ còn ở PXL và VNH tăng kịch trần.

BSR vẫn là cổ phiếu được giao dịch lớn nhất với hơn 1,77 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 1,6% xuống 6.300 đồng.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,04%), lên 54,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6,9 triệu đơn vị, giá trị 92,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,78 triệu đơn vị, giá trị 22,9 tỷ đồng.

Tin bài liên quan