Giao dịch chứng khoán sáng 26/6: Dè dặt xuống tiền

Giao dịch chứng khoán sáng 26/6: Dè dặt xuống tiền

(ĐTCK) Sự thận trọng của cả bên bán và bên mua khiến thị trường phiên sáng nay diễn ra chậm, nhưng lực cung giá thấp không còn giúp các chỉ số hồi trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp.

Sau 2 tháng hồi phục mạnh mẽ vào tháng 4 và 5, giới phân tích đã đưa ra những cảnh báo cho diễn biến thị trường với áp lực bán sẽ xuất hiện nhiều và mạnh hơn trong tháng 6 khi các doanh nghiệp đã lần lượt hé mở bức tranh kết quả kinh doanh quý II/2020 không mấy sáng sủa bởi ảnh hướng từ dịch Covid.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng Việt Nam cảnh báo, coi chừng tâm lý “bán trong tháng 5” sẽ chuyển sang tháng 6.

Ông Khánh nhận định, thị trường nhiều khả năng sẽ duy trì diễn biến tích cực trong giai đoạn đầu tháng 6, nhờ dòng tiền vẫn tốt, bất chấp các thông tin xấu, đồng thời sự kỳ vọng của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, đà tăng có thể chậm lại sau đó.

Quan điểm trên khá đúng khi đối chiếu với diễn biến thị trường trong thời gian vừa qua, khi chỉ còn 2 phiên giao dịch nữa là kết thúc tháng 6. Cụ thể, sau khi thử thách thành công ngưỡng kháng cự mạnh 900 điểm trong gần 2 tuần đầu tháng 6, thị trường đã đón nhận những phiên giảm mạnh, trong đó đáng chú ý là phiên lao dốc ngày 11/6 và 15/6.

Tuy nhiên, theo thống kê của MBS kể từ đầu tháng 5, cứ sau 3 phiên giảm liên tiếp thì thị trường đều có nhịp phục hồi cao hơn. Điều này đã đưa ra kỳ vọng thị trường sẽ giao dịch khởi sắc trong phiên 26/6, sau 3 phiên (23-25/6) bị mất điểm.

Quy luật này đã diễn ra khá đúng. Dù lực cầu còn tỏ ra thận trọng nhưng với sự dẫn lối của nhóm cổ phiếu bluechip khi đồng loạt đều khởi sắc trở lại ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 26/6.

Mặc dù không có mã nào tăng vượt trội nhưng sự cộng hưởng của phần lớn các cổ phiếu trong nhóm VN30 là điểm tựa chính giúp VN-Index thử thách lại vùng giá 860 điểm.

Không chỉ các cổ phiếu bluechip, nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ cũng trở nên trầm lắng hơn. Cặp đôi tạo sóng gió trong phiên hôm qua là HQC và ITA đã nhanh chóng hạ nhiệt khi chỉ còn nhích nhẹ trên mốc tham chiếu với giao dịch sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, “tân binh” PSH tiếp tục có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp sau khi chào sàn. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn chỉ giao dịch nhúc nhắc với thanh khoản khá hạn chế.

Dòng tiền khá yếu cùng một số bluechip quay đầu điều chỉnh khiến thị trường thu hẹp biên độ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 165 mã tăng và 178 mã giảm, VN-Index tăng 3,16 điểm (+0,37%), lên 857,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 117,3 triệu đơn vị, giá trị 1.691,64 tỷ đồng, giảm 32,7% về khối lượng và 29,32% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,22 triệu đơn vị, giá trị 255,34 tỷ đồng.

Bên cạnh các mã VHM, VIC, VCB, TCB, BID, CTG, GAS, HPG… chỉ còn tăng nhẹ, một số mã bluechip khác như BVH, VNM, VRE, PLX quay đầu điều chỉnh, đã tác động thiếu tích cực tới diễn biến thị trường.

Trong khi đó, SAB sau 5 phiên liên tiếp lình xình và mất điểm đã hồi phục tích cực trong phiên sáng nay khi +2,4%, tạm chốt phiên sáng tại mức giá 163.800 đồng/CP. Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận của những mã lớn khác khiến VN-Index không thể giữ được mốc 860 điểm.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, áp lực bán cũng khiến nhiều mã nóng hạ độ cao hoặc quay đầu điều chỉnh. Điển hình, FLC ngắt nhịp sau 5 phiên tăng liên tiếp khi quay đầu -2,6% xuống 4.090 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường đạt hơn 11,3 triệu đơn vị. ITA cũng -0,8% xuống 5.220 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị. Ngoài ra, TNI, HAI, DLG, SJF… cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trong khi đó, HQC sau phiên tạo sóng hôm qua cũng đã rung lắc và chốt phiên sáng nay chỉ nhích nhẹ so với mốc tham chiếu khi +0,8% lên 1.910 đồng/CP và khớp 6,87 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau nhịp tăng khá tốt đầu phiên, thị trường dần hạ độ cao và diễn biến lình xình quanh mốc tham chiếu trong nửa cuối phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 49 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,04%), lên 114,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị 206,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,78 triệu đơn vị, giá trị 42,82 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu trong nhóm HNX30 “đuối sức” là tác nhân chính khiến thị trường hạ nhiệt. Cụ thể, bên cạnh ACB, CEP, MBS… đứng giá, các mã như SHB, PVI, PVB, SHS, VCS đều quay đầu mất điểm.

Tuy nhiên, một số mã lớn vẫn giữ được sắc xanh dù khá hạn chế như PVS, VCG, DHT, VC3… Ngoại trừ DGC +3,9% lên 39.900 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, HUT cũng không còn duy trì được sắc tím và chốt phiên +3,45% lên 3.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HNX, đạt gần 6,6 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, KLF và DST có lúc bị đẩy xuống mức giá sàn và đều chốt phiên đứng dưới mốc tham chiếu với khối lượng khớp lệnh gần lượt 3 triệu đơn vị và 2,87 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực bán cũng gia tăng khiến thị trường giằng co và quay đầy điều chỉnh về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,16%), xuống 56,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,48 triệu đơn vị, giá trị 95,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chưa tới 0,9 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu nhỏ PVX và KSH đang giao dịch sôi động nhất với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 4,1 triệu đơn vị và 2,66 triệu đơn vị. Chốt phiên, PVX lùi về mức giá sàn 1.200 đồng/CP trong khi KSH đứng tại mốc tham chiếu 400 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu lớn cũng không mấy tích cực khi VEA, ACB, DVN, MSR, KDF… đều giao dịch trong sắc đỏ.

Tin bài liên quan